Dựa vào dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, tỉnh ta đã thực hiện nhất quán phương châm “Dân là gốc”, xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, dựa vào sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Qua đó, từng bước hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc trên dải đất biên cương cực Bắc Tổ quốc.

Nhất quán phương châm “Dân là gốc”

Xác định tầm quan trọng về vị trí, vai trò thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phát triển KT-XH, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra; cấp ủy tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nhân dân thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) tham gia lát đá vỉa hè, chỉnh trang đô thị.

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng đã ban hành nhiều quy chế, quy định, quy trình công tác để bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là vai trò của nhà nước, chính quyền các cấp trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và vai trò MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đại diện nhân dân chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là người đứng đầu đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tôn trọng ý kiến tham gia, góp ý, giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, bức xúc, nổi cộm trong nhân dân, không để tiềm ẩn, phát sinh thành điểm nóng về an ninh trật tự. Nổi bật từ hoạt động này có thể kể đến thành phố Hà Giang duy trì hiệu quả diễn đàn “Chiều thứ 6 nghe dân nói”; Công an tỉnh tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân” hay huyện Mèo Vạc với mô hình “Đường dây nóng”... Bên cạnh đó, chính quyền các cấp còn quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm nội dung công khai theo Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn để nhân dân biết. Đồng thời, mở rộng dân chủ để nhân dân tham gia bàn bạc các mức đóng góp xây dựng nhà văn hóa, làm đường bê tông liên thôn, đường nội thôn, các công trình của cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật và tự quyết định trực tiếp theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Cùng với kết quả trên, nhân dân đã tích cực thực hiện quyền giám sát của mình thông qua đại diện là Ban thanh tra nhân dân (TTND), Ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ). Giai đoạn từ 2018 đến nay, Ban TTND tiến hành gần 970 cuộc giám sát liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân như: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; bình xét các đối tượng nghèo; thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư... Ban GSĐTCĐ thực hiện gần 1.000 cuộc giám sát, kịp thời kiến nghị, phản ánh, giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp, chủ đầu tư phát hiện những thiếu sót, bất cập trong quá trình thực hiện dự án đầu tư để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo sự đồng thuận của người dân khi triển khai các công trình.

Phát huy sức mạnh trong dân

Phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được triển khai sâu rộng, trở thành cơ sở quan trọng để khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Minh chứng điển hình cho thấy, thực hiện phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới (NTM), chỉ từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức gần 1.700 lượt ra quân, thu hút khoảng 109.000 người tham gia; nhân dân tự nguyện hiến trên 166.000 m2 đất, đóng góp hơn 257.000 ngày công lao động và gần 33 tỷ đồng để chung sức xây dựng NTM.

Đặc biệt, với chính sách tỉnh hỗ trợ xi măng, kinh phí còn lại huy động từ xã hội hóa và nhân dân đóng góp để làm đường bê tông nông thôn được đánh giá là việc làm khó, vì phần đối ứng trong nhân dân tương đối lớn. Tuy nhiên, khi “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thực hiện hiệu quả đã nhân lên sức mạnh nội lực trong nhân dân. Đến nay, từ nguồn cung ứng 93.230 tấn xi măng, nhân dân đã hoàn thành gần 870 km đường bê tông nông thôn; 57/175 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông. Và nay, toàn tỉnh có 48/175 xã được công nhận chuẩn NTM, góp phần quan trọng xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh là 49,95%, dự kiến hết năm 2023, tỷ lệ này giảm còn 45,75%.

Tại thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), việc thực hiện công trình nâng cấp, cải tạo rãnh dọc, vỉa hè hai bên Quốc lộ 2, đoạn qua tổ dân phố 4 đã trở thành điểm sáng trong việc huy động sức dân tham gia chỉnh trang đô thị. Chủ tịch UBND thị trấn Việt Quang, Nguyễn Văn Trung cho biết: Công trình được khởi công từ tháng 5.2023 với tổng diện tích trên 3.900 m2. Để thực hiện công trình này, thị trấn đã huy động nguồn lực xã hội hóa gần 1,8 tỷ đồng; trong đó, 84 hộ dân sinh sống dọc Quốc lộ 2 tự nguyện đóng góp số tiền gần 1,2 tỷ đồng để lát đá vỉa hè. Sự chung sức của nhân dân đã góp phần “thay áo mới” cho tuyến phố nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn về: Văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị và an toàn giao thông, hướng tới mục tiêu xây dựng thị trấn Việt Quang đạt tiêu chí đô thị loại IV trong tương lai gần.

Cùng với kết quả trên, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố từng bước hoàn thiện, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 2.071/2.071 thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước. Đây là nguyện vọng do nhân dân tự đặt ra, được thảo luận, bàn bạc, thống nhất thông qua, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân nên được toàn thể nhân dân tự giác chấp hành. Tại thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) đã đưa nhiều nội dung quan trọng vào hương ước của thôn như: Chung tay xây dựng NTM, bài trừ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc... Ấn tượng trong đó, nhân dân thống nhất quan điểm không đi dự đám cưới của đối tượng tảo hôn; không đánh bắt cá suối dưới mọi hình thức để bảo vệ các loài cá suối tự nhiên gắn với bảo vệ môi trường, phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, nhân dân còn thống nhất nộp số tiền phạt 8 triệu đồng/lần nếu đánh bắt cá suối tự nhiên và người phát hiện trường hợp vi phạm được thưởng 4 triệu đồng. Thực tế này đã đưa người dân thành “chiến sĩ công an” để góp sức cùng các cấp, ngành giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Những kết quả trên chỉ là lát cắt nhỏ trong bức tranh tổng thể về việc huy động sức mạnh nội lực trong nhân dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Song, có thể khẳng định, việc thực hành dân chủ rộng rãi, nhất quán phương châm “Dân là gốc” đã và đang tạo động lực thúc đẩy, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cấp chính quyền. Từ đó, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, xa rời quần chúng nhân dân, xây dựng hình ảnh cán bộ thực sự là “công bộc của dân”; đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202309/dua-vao-dan-de-cham-lo-cuoc-song-cho-nhan-dan-59a268e/