Đưa tiếng hát về với buôn làng

Chưa kịp "xả hơi" sau quãng thời gian dài luyện tập và tham dự Liên hoan Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở trên biên giới khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VIII, Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở (TTVHCS) Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã bắt tay phối hợp cùng Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kon Tum khăn gói lên đường mang đến cho bà con các dân tộc trên khu vực biên giới những món ăn tinh thần đầy ý nghĩa.

Tiết mục độc tấu Saxophone "Chiều biên giới" do Đại úy Hồng Sơn, Đội trưởng Đội TTVHCS-BĐBP Kon Tum biểu diễn phục vụ bà con ở xã Sa Loong.

Gần một tuần, theo chân Đội TTVHCS-BĐBP Kon Tum và Đoàn Nghệ thuật tỉnh phối hợp đi biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào ở 4 xã biên giới: Sa Loong, Đắk Dục, Bờ Y, Đắk Sú, thuộc huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), tôi đã cảm nhận được rất nhiều điều thú vị.

Biết rằng, thành tích trong Liên hoan Đội TTVHCS trên biên giới khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VIII được tổ chức tại TP Pleiku (Gia Lai) do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH - TT & DL) tổ chức vừa kết thúc được ít ngày, Đội TTVHCS-BĐBP tỉnh Kon Tum không nằm trong "tốp ten" của giải thưởng nhưng với tinh thần quyết tâm cao, bằng chính sức mình, Đội TTVHCS-BĐBP Kon Tum đã mang đến cho khán giả cũng như Ban tổ chức, Ban giám khảo nhiều ấn tượng tốt đẹp...

Hạ ba lô, chưa kịp nghỉ ngơi, Đội đã khẩn trương bắt tay phối hợp với Đoàn nghệ thuật tỉnh nhà khăn gói lên đường đến với bà con đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xa xôi hẻo lánh. Với tình cảm sâu lắng được thể hiện qua những giọng hát, những điệu múa, những vở hài kịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền, kết hợp lồng ghép những nội dung tuyên truyền về Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Luật Khoáng sản, Luật Biên giới quốc gia... Đồng thời, xen lẫn hàng chục tiết mục "cây nhà lá vườn" của bà con địa phương đã tạo cho không khí từng đêm diễn vui nhộn, hào hứng được chính quyền địa phương và bà con nhân dân đón nhận bằng cả tấm lòng chân thành, trìu mến.

Chị Y Gái (20 tuổi), dân tộc Xê Đăng, một trong những thành viên tham gia tiết mục múa "Cô gái Pa Cô" của thôn Đắk Vang, xã Sa Loong, chia sẻ: "Biết được thông tin từ các anh biên phòng ở Đồn BP Sa Loong thông báo đợt này có Đội TTVHCS-BĐBP phối hợp với Đoàn Nghệ thuật tỉnh nhà về địa phương mình biễu diễn, nhóm thanh niên trong thôn phấn khởi lắm. Ai cũng tranh thủ luyện tập một tiết mục rồi góp tiền đi thuê trang phục để tham gia biểu diễn.

Tiết mục "Đắk Bla xanh" của Đoàn nghệ thuật tỉnh Kon Tum biểu diễn phục vụ bà con nhân dân xã Đắk Dục.

Thực sự, đây là cơ hội rất hiếm hoi để thanh niên trong làng mình được giao lưu, học hỏi, mong rằng các anh, các chị thường xuyên xuống biểu diễn ở làng mình nhiều hơn nữa". Còn già A Hiu (81 tuổi), dân tộc Xê Đăng, trú tại thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, nhà cách điểm biểu diễn khá xa nhưng khi nghe tin có Đoàn về biểu diễn, già đã tập hợp các thành viên trong thôn phối hợp với người dân thôn Đắk Vang luyện tập tiết mục "cồng chiêng" theo giai điệu lễ hội để tham gia biểu diễn cho đồng bào trong xã được xem. Tuy sân khấu cơ động của Đoàn hơi chật chội, tâm sự với chúng tôi, già bộc bạch: "Hôm nay, già vui lắm! Già mong tháng nào cũng có văn công bộ đội và các anh chị Đoàn Nghệ thuật về đây biểu diễn phục vụ dân làng mình như thế này".

Khác với già A Hiu, già A Xem (69 tuổi), dân tộc Xê Đăng, già làng Giang Lố 2, kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tuy không tham gia biểu diễn tiết mục nào nhưng cũng rất phấn khởi bởi sự có mặt của Đoàn về phục vụ biểu diễn cho dân làng. Tâm sự với chúng tôi, già đã không giấu nổi cảm xúc: "Từ trước tới nay già chưa thấy đêm diễn nào ở đây vui như đêm nay. Không những BĐBP và các anh chị trong Đoàn Nghệ thuật hát hay, múa giỏi mà có nhiều nội dung tuyên truyền đúng với "cái bụng" làng mình quá".

Chứng kiến từ đầu đến cuối quá trình phối hợp biểu diễn của Đoàn ở 4 xã biên giới, chúng tôi nhận ra rằng, mỗi đêm diễn ở mỗi địa phương Đoàn đã để lại trong lòng công chúng một ấn tượng khác nhau. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi khẳng định cho sự thành công trên, đó là những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa đã biết phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa các nền văn hóa tiên tiến đậm đã bản sắc dân tộc, sự am hiểu luật pháp, biết tận dụng ngôn ngữ, phong tục tập quán vùng miền... Chính từ đó, trong mỗi đêm diễn, các tuyên truyền viên trong Đoàn đã đem đến cho người xem sự say mê, cuốn hút, đi vào lòng người.

Xuân Hoàng

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/352/352/16837/Dua-tieng-hat-ve-voi-buon-lang-/bbp.aspx