Đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống thành sản phẩm văn hóa

Hà Nội sở hữu nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật mang bản sắc Thủ đô nghìn năm văn hiến, tuy nhiên chỉ số ít được khai thác trở thành sản phẩm văn hóa, tạo sức hút, khẳng định thương hiệu, cũng như mang lại giá trị lớn về kinh tế.

Đa dạng tiềm năng

“Hà Nội có nhiều di sản nghệ thuật truyền thống. Trong đó, nghệ thuật rối nước là một trong những di sản độc đáo của Việt Nam và Hà Nội là nơi có nhiều phường rối nhất cả nước, với 5 phường rối nước” - nghệ sĩ múa rối Chu Lượng chia sẻ.

Với sự độc đáo của rối nước, loại hình nghệ thuật này đã được đưa vào phục vụ du lịch và biểu diễn quảng bá, được thế giới quan tâm. Theo NSƯT Chu Lượng, múa rối nước đã đi vào đời sống hiện đại trong nước và đi ra thế giới, như sứ giả về văn hóa, mang bản sắc Việt Nam tới các vùng miền ở năm châu bốn biển. Riêng NSƯT Chu Lượng đã đến 55 quốc gia để giới thiệu nghệ thuật rối nước. Nhiều hoạt động sáng tạo cũng được khai thác từ nghệ thuật rối nước như tạo hình rối nước, vẽ tranh, vẽ lên áo phông… hấp dẫn khách hàng trẻ tuổi.

Ngoài nghệ thuật múa rối nước, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, tuồng, cải lương, hát chèo tàu, hát xẩm… cũng kết tinh văn hóa Thủ đô. Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (VICH) cho biết, từ năm 2016, Trung tâm đã có các chương trình quảng bá di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Đến nay, Trung tâm đang có các chương trình biểu diễn được “đóng gói” phù hợp với các nhóm đối tượng khách. Chẳng hạn, "Xam Singing Show - TONKIN STORIES: Vietnamse unique impression", kể lại những câu chuyện xẩm từ thời kỳ đầu thế kỷ XX được tổ chức định kỳ tại 34 Châu Long, Hà Nội; “Heritage Show: Câu chuyện dòng chảy” tại TASCO Mall Long Biên; các buổi biểu diễn tại các không gian giới thiệu di sản…

Vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ - Nguồn: Klook

Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long cũng biểu diễn tại các không gian khác nhau như đình Kim Ngân, phố đi bộ tại khu phố cổ Hà Nội… đóng góp cho hoạt động văn hóa của Thủ đô. Bên cạnh đó, tại Hà Nội còn có nhiều mô hình xem biểu diễn múa rối nước, ca trù, xẩm, tuồng, cải lương… khi tham quan phố cổ, các di tích, bảo tàng; mô hình kết hợp vừa tham quan di tích, thắng cảnh thiên nhiên, vừa xem biểu diễn và các hoạt động vui chơi giải trí, như show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc khai thác nghệ thuật truyền thống phục vụ công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa tại Hà Nội còn khá hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng.

Tăng kết nối, giới thiệu nét đẹp di sản

“Dương Sóc cổ trấn, huyện Quế Lâm, Trung Quốc, tầm 4 - 5 giờ chiều khá vắng vẻ, đìu hiu, nhưng đến 7 - 8 giờ tối, xe lũ lượt tới, bởi ở đó có chương trình biểu diễn vở nhạc kịch nổi tiếng "Ấn tượng chị Ba Lưu” do đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng, do người dân nơi đây và một số nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn. Hay những tour du lịch tại Thái Lan luôn dành thời gian cho du khách có cơ hội thưởng thức các chương trình nghệ thuật, và đưa nhiều show để du khách lựa chọn”.

Đưa ra thông tin như vậy, TS. Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, kết hợp văn hóa và du lịch có nhiều yếu tố. Đó là sự kết nối giữa ngành du lịch và văn hóa, đưa nghệ thuật biểu diễn vào chương trình tour du lịch. Trong khi đó, kết nối là một câu chuyện luôn được nhắc đến giữa các bên khi phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam. Nếu muốn phát huy giá trị của nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong công nghiệp văn hóa, cần có sự kết nối giữa văn hóa, du lịch để tạo dựng sản phẩm, tạo dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận của du khách.

Theo TS. Nguyễn Thu Thủy, Hà Nội phát triển các loại hình du lịch đêm cũng đã gia tăng không gian để cho các loại hình nghệ thuật có cơ hội được tỏa sáng. Tương tự, hiện nay sản phẩm city tour của Hà Nội mới tập trung ở nội thành. Chúng ta có thể mở rộng, kết nối đến các làng nghề, và có thể kết hợp với hoạt động trình diễn nghệ thuật. Chẳng hạn, tới Bát Tràng để trải nghiệm làm gốm, hoặc đến Vạn Phúc để trải nghiệm sáng tạo trên lụa, cũng có thể mở rộng đến Đường Lâm trải nghiệm làm nghệ thuật sơn mài Xứ Đoài, hay xem chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ”…

Tuy nhiên, khai thác nghệ thuật truyền thống trong công nghiệp văn hóa có một số khó khăn, nhất là khi nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống đang có nguy cơ mai một. NNƯT Nguyễn Trọng Hinh, Phường múa hát Ải Lao, quận Long Biên, chia sẻ: Phường múa hát Ải Lao gồm 30 hội viên đến với nhau từ niềm đam mê và trách nhiệm với cha ông để lại. Với nghệ thuật độc đáo không đâu có, Phường thường xuyên biểu diễn để giới thiệu đến đông đảo nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là đào tạo thế hệ trẻ tiếp nối di sản cha ông khi họ không mặn mà.

Bởi vậy, nhiều người trong nghề đề xuất có cơ chế thúc đẩy bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống; kết nối không gian sáng tạo, nghệ sĩ, nghệ nhân; chia sẻ thông tin về không gian nghệ thuật biểu diễn... Sự kết nối như vậy sẽ chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm để cùng phát triển nghệ thuật biểu diễn. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, cùng với biểu diễn phục vụ khán giả, cần nghiên cứu, thu thập tư liệu, làm rõ giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống để có cách giới thiệu tới công chúng và khán giả một cách đầy đủ, đúng nét đẹp di sản, từ đó hạn chế phản ứng trái chiều.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/dua-nghe-thuat-bieu-dien-truyen-thong-thanh-san-pham-van-hoa-i356152/