Dưa lê được giá, nông dân Nghệ An phấn khởi thu hoạch

Mặc dù năng suất giảm so với mọi năm, dưa lê đầu mùa được giá, dễ tiêu thụ nên người trồng rất phấn khởi. Trên khắp các cánh đồng trồng dưa ở các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn… bà con đang tập trung thu hoạch dưa lê.

 Hiện nông dân xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) đang thu hoạch dưa lê. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện nông dân xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) đang thu hoạch dưa lê. Ảnh: Thanh Phúc

Trồng 1 sào dưa lê, nay đang bước vào lứa thu hoạch đầu tiên, chị Nguyễn Thị Chành ở xóm Hợp Tân, xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) rất phấn khởi khi dưa quả to, mẫu mã đẹp và được thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá khá cao.

Chị Chành cho biết: “Đầu vụ, nắng hạn gay gắt kéo dài nên năng suất dưa giảm sút, chỉ bằng 70% so với năm trước. Bù lại, dưa quả to, màu sắc đẹp, ngọt nên được thương lái thu mua với giá cao. Theo đó, giá dưa loại 1 là 14.000-15.000 đồng/kg; loại 2 là 8.000-10.000 đồng/kg”.

Theo nhẩm tính của chị Chành thì 1 sào dưa, chi phí đầu tư chỉ hết khoảng 500.000 đồng, sau 2 tháng chăm sóc thì cho thu hoạch, bình quân mỗi sào sản lượng khoảng 8 tạ -1 tấn dưa, đem lại nguồn thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng. So với các loại hoa màu khác thì trồng dưa hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

 Năng suất dưa không bằng các năm trước nhưng mẫu mã đẹp. Ảnh: T.P

Năng suất dưa không bằng các năm trước nhưng mẫu mã đẹp. Ảnh: T.P

Là một trong những hộ trồng dưa nhiều nhất xã Thượng Tân Lộc, anh Bùi Văn Thế ở xóm Đại Thắng có 2,5 ha dưa lê. Đầu vụ, các thửa dưa lê đang thu hoạch rải. Trồng dưa lê lâu năm, đưa các giống mới vào trồng và đảm bảo tưới tiêu, chăm sóc đúng kỹ thuật nên dưa cho năng suất cao. Trung bình, mỗi ha cho sản lượng khoảng 20-22 tấn, đem lại doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha.

“Quan trọng nhất trong chăm sóc dưa là điều tiết nước tưới. Chi phí đầu tư cho dưa không cao nhưng công chăm sóc lớn. Trồng diện tích lớn nên tôi đầu tư tưới nhỏ giọt, phủ ni lông hạn chế cỏ; theo dõi thời tiết từng ngày để có biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho dưa. Ngày nào cũng phải bám đồng tưới nước, ghim dây, bấm ngọn, thụ phấn, chăm sóc dưa…”, anh Thế chia sẻ.

 Vùng trồng dưa ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) cũng đang bước vào vụ thu hoạch. Ảnh: T.P

Vùng trồng dưa ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) cũng đang bước vào vụ thu hoạch. Ảnh: T.P

Hiện nay, toàn xã Thượng Tân Lộc trồng khoảng 50 ha dưa lê, cùng với dưa hấu, đây là cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập cao trên vùng đất bãi. Từ hiệu quả kinh tế mà cây dưa lê mang lại, nhiều diện tích trồng ngô, lạc, bí đỏ được chuyển dần sang trồng dưa lê. Ngoài giống dưa lê trắng, hiện nay, nhiều hộ đưa vào trồng các loại dưa lê vàng, dưa lê siêu ngọt cho năng suất cao, thơm, ngon được thị trường ưa chuộng.

“Cây dưa lê giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và có ý nghĩa lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Do vậy, chúng tôi luôn quan tâm, khuyến khích bà con mở rộng diện tích sản xuất gắn với tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm chăm sóc dưa lê. Đồng thời, mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng dưa lê cho bà con…”, ông Nguyễn Văn Long- công chức nông nghiệp xã Thượng Tân Lộc cho biết.

 Dưa lê đang là cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương. Ảnh: T.P

Dưa lê đang là cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương. Ảnh: T.P

Là địa phương có truyền thống trồng dưa lê lâu năm, người dân xã Nghi Long (Nghi Lộc) ngoài đưa các giống mới vào trồng thử nghiệm, đầu tư hệ thống tưới, sản xuất nhà màng… thì vấn đề sản xuất dưa lê hữu cơ được người dân quan tâm.

Theo đó, khi dưa đến kỳ dưỡng quả, thay vì phun thuốc bảo vệ thực vật thì người dân bắt sâu vào ban đêm; dùng chế phẩm tỏi, ớt để phun; quá trình trồng cũng hạn chế phân vô cơ, tăng cường phân hữu cơ, bón đạm ủ từ cá… nên dưa ngọt và lành, được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, giá bán cũng cao hơn các nơi khác.

 Hiện giá dưa lê dao động từ 8.000-15.000 đồng/kg (tùy loại). Ảnh: T.P

Hiện giá dưa lê dao động từ 8.000-15.000 đồng/kg (tùy loại). Ảnh: T.P

Anh Trần Dũng, một thương lái thu mua dưa lê ở xã Nghi Long cho biết: “Đầu vụ, giá dưa lê tại ruộng ở xã Nghi Long dao động từ 20.000-22.000 đồng/kg, cao hơn dưa lê các vùng khác. Thương lái như chúng tôi phải đặt hàng trước khi dưa chín, người dân thu hái đến đâu là bao tiêu hết đến đó. Diện tích dưa lê ở xã Nghi Long khoảng 10 ha, tập trung ở xóm Kim Nghĩa. Cây dưa lê mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây”.

Tính đến nay, diện tích dưa lê toàn tỉnh ước đạt 600 ha, trồng rải rác ở nhiều địa phương, trong đó, tập trung nhiều ở các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Tân Kỳ… Dưa lê thường được người dân xuống giống từ đầu tháng Giêng, sau 2,5 tháng đã cho thu hoạch.

 Mỗi ha dưa lê cho thu nhập 180-200 triệu đồng/vụ, được nhiều địa phương lựa chọn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: T.P

Mỗi ha dưa lê cho thu nhập 180-200 triệu đồng/vụ, được nhiều địa phương lựa chọn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: T.P

Đây là loại cây ít vốn đầu tư, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho năng suất cao và hiệu quả kinh tế vượt trội. Do đó, cây dưa lê được các địa phương lựa chọn trồng thay thế những diện tích cây màu kém hiệu quả hay những chân ruộng thiếu nước.

Thanh Phúc

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/dua-le-duoc-gia-nong-dan-nghe-an-phan-khoi-thu-hoach-post289363.html