Đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng

Những năm gần đây, nhiều bảo tàng và điểm di tích trên cả nước đã triển khai các mô hình, chương trình giáo dục di sản theo cách tiếp cận mới, chú trọng định hướng cho học sinh hiểu và thấy được các giá trị đa dạng của di sản.

Chương trình giáo dục di sản “Âm thanh đồng cổ” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: P. Sỹ.

Nhiều hoạt động phong phú ở các bảo tàng

Trong những năm qua, công tác giáo dục được Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) được đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Bà Phạm Thị Mai Thủy - Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng BTLSQG cho biết, thông qua các chương trình, hoạt động giáo dục trải nghiệm, BTLSQG đã và đang đem đến những trải nghiệm thú vị, hiểu biết sâu sắc, trực quan về lịch sử, văn hóa và truyền thống dân tộc, qua đó góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, đưa Bảo tàng dần trở thành một trong những địa chỉ tin cậy, gắn bó với công chúng yêu lịch sử - văn hóa, đặc biệt là thế hệ trẻ học đường.

Theo bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, các chương trình giáo dục di sản, di tích đã góp phần giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa, lịch sử của Hà Nội, từ đó lan tỏa tình yêu các di tích lịch sử, văn hóa đến với thế hệ trẻ; góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản, từng bước quảng bá, kích cầu du lịch trên địa bàn quận.

Với hệ thống trưng bày phong phú, phản ánh quá trình hình thành, phát triển của lịch sử, văn hóa, xã hội, Bảo tàng thành phố Hải Phòng đã và đang khai thác những tiềm năng, tài nguyên của mình để nghiên cứu xây dựng, thực hiện những chương trình giáo dục nhằm đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng.

Bà Bùi Thị Nguyệt Nga - Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng cho biết, từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng Hải Phòng đã thực hiện nhiều hoạt động giáo dục với những chủ đề khác nhau một cách thường xuyên và liên tục, nhận được sự ủng hộ của nhân dân, du khách, đặc biệt là các nhà trường và các em học sinh.

Cần luôn đổi mới

Hoạt động giáo dục trải nghiệm trong các bảo tàng không chỉ góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu bảo tàng mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với học sinh, sinh viên. Vì vậy, theo các chuyên gia, chương trình giáo dục đòi hỏi phải luôn luôn có sự đổi mới và đầu tư có chất lượng.

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục, trải nghiệm dành cho đối tượng học sinh, sinh viên cần được đầu tư có chất lượng. Làm mới thường xuyên các hoạt động giáo dục trải nghiệm, vận dụng phối hợp đa dạng các hình thức, phương pháp trải nghiệm nhằm giữ vững sự chú ý, quan tâm của thế hệ trẻ... Tuy nhiên để các bảo tàng, di tích, khu di sản thực sự trở thành địa điểm học tập trải nghiệm thú vị cho thế hệ trẻ, yêu cầu các chương trình giáo dục di sản cần phải được xây dựng bài bản, có các phương pháp tiếp cận mới.

Theo ThS Đường Ngọc Hà – Trưởng phòng Giáo dục – Truyền thông (Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám), các hoạt động cần được xây dựng một cách khoa học đảm bảo việc tiếp thu kiến thức về tự nhiên và xã hội hay phát triển các kỹ năng cứng. Chẳng hạn như tính toán được diễn ra một cách tự nhiên. Mỗi hoạt động cần được thiết kế để được diễn ra theo chu trình học trải nghiệm nhằm phát triển năng lực tư duy của học sinh, giúp cho các em chủ động tương tác với người khác xung quanh chủ đề học tập thay vì chỉ tiếp thu thụ động kiến thức từ một chuyên gia. Bên cạnh đó, cần có những hoạt động dựa trên trải nghiệm mang tính văn hóa - xã hội, chẳng hạn như trò chơi, để dễ dàng ôn lại trải nghiệm ban đầu.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dua-di-san-van-hoa-den-gan-hon-voi-cong-chung-10268091.html