Đưa di sản áo dài về với cộng đồng

Từ ngày 6 -12/7, tại Huế sẽ diễn ra Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2023 nhằm khai thác thế mạnh, thương hiệu và giá trị văn hóa độc đáo của áo dài Huế, xây dựng hình ảnh du lịch Huế gắn với áo dài, kích cầu du lịch phát triển.

Trưng bày và triển lãm áo dài. Ảnh: Mai Chi

Tuần lễ Áo dài Huế năm nay được tổ chức rộng khắp các địa điểm, từ thành phố cho đến làng quê với nhiều hoạt động phong phú, độc đáo, mới lạ như: Phát động đạp xe tuần hành với áo dài ở Nghinh Lương Đình; Áo dài làng cổ tại làng cổ Phước Tích; hành hương, dâng hương dâng hoa chúa Nguyễn Phúc Khoát tại Tổ Miếu; trưng bày cổ vật, hiện vật, tài liệu nghề may; triển lãm ảnh áo dài trên tem bưu chính; trưng bày sản phẩm vẽ tranh áo dài tại Di Luân Đường; không gian trưng bày, thao diễn nghề may; áo dài và dân gian đất Bắc tại sân Quốc Tử Giám…

Trả lời câu hỏi Huế đặt mục tiêu và kỳ vọng gì về Tuần lễ Áo dài năm nay, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao cho biết: “Áo dài là di sản quý của Huế, của Việt Nam nhưng vì các tác động của lịch sử và một số lý do khác mà nó bị đánh mất vị thế, thậm chí bị phủ nhận, coi thường, nhất là áo dài nam. Vì vậy rất cần một quá trình làm cho di sản này hồi sinh, để cộng đồng nhận thức đúng, hiểu đúng về giá trị đặc biệt của nó, từ đó chung tay phục hưng di sản áo dài".

Mặt khác, áo dài lại là một sản phẩm tuyệt vời của công nghiệp văn hóa, phục hưng áo dài sẽ đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho cộng đồng và các địa phương có thế mạnh về áo dài mà Huế là ví dụ điển hình”.

Áo dài, đặc biệt là áo dài ngũ thân - Quốc phục một thuở của người Việt Nam gần đây được lan tỏa mạnh mẽ bởi vẻ đẹp, sự cuốn hút. Và sự lan tỏa, bắt đầu ở Huế từ nhiều năm trước với những cố gắng, kiên định của ngành văn hóa và chính quyền địa phương nhằm trước hết để phục hưng một truyền thống văn hóa của dân tộc. Và đích đến xa hơn là làm sao để áo dài ngũ thân nam nữ sớm được công nhận là Quốc phục của người Việt Nam như đã từng.

Sự lan tỏa rõ nét nhất là tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, khi áo dài ngũ thân, không những được nhiều đại biểu nữ mà còn cả nam, đến từ nhiều địa phương khác nhau chọn làm trang phục khi dự các phiên họp và khai – bế mạc.

Và cũng trên diễn đàn Quốc hội 2 năm trước, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề cập đến vấn đề Quốc phục, đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu trong thời gian tới đưa áo dài ngũ thân nam truyền thống để báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ xây dựng luật về nghi lễ, Quốc phục, Quốc hoa. Để nam giới và nữ giới đều mặc áo truyền thống, kế thừa truyền thống của cha ông ta.

Tuy nhiên trong thực tế thì áo dài cho đến nay, nói như TS. Phan Thanh Hải là đâu đó vẫn còn sự phủ nhận, coi thường, dù ai cũng biết, cũng nói, cũng trích dẫn đại ý với các nước phương Đông, chế độ y quan (áo mũ, trang phục) và lễ nhạc (nghi lễ và âm nhạc) là hai tiêu chí để đánh giá văn minh một quốc gia.

Và ngay cả tại Huế - Kinh đô của ái dài với đề án “Huế - Kinh đô áo dài” vừa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt thông qua hồi tháng 3/2023 với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, thì vẫn còn rất nhiều lời xầm xì bàn tán bên cạnh sự tin tưởng, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh cùng sự ủng hộ của cộng đồng, Nhân dân địa phương đối với ngành văn hóa - những người thực hiện đề án.

Như chính thừa nhận của TS. Phan Thanh Hải là đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đã và đang đối diện với rất nhiều khó khăn, lớn nhất là nhận thức và quyết tâm của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức những đơn vị liên quan đến đề án, nhất là đối với việc phục hưng áo dài dành cho nam giới.

Hoàng Văn Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/dua-di-san-ao-dai-ve-voi-cong-dong-129846.html