Đưa chính sách vào cuộc sống

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tỉnh Bắc Kạn luôn chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách, hỗ trợ phù hợp, tạo đà cho người dân phát triển sản xuất, thúc đẩy lĩnh vực nông - lâm nghiệp phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

HTX sản xuất bún, phở Quỳnh Niên (Ngân Sơn) được hỗ trợ một phần kinh phí để mua máy tráng phở.

HTX sản xuất bún, phở Quỳnh Niên (Ngân Sơn) được hỗ trợ một phần kinh phí để mua máy tráng phở.

Nổi bật là Nghị quyết số 11/2015/NQ-HĐND ngày 03/4/2015 về việc quy định một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc; trồng cây dược liệu, rau, củ, quả; đầu tư cơ sở chế biến nông sản, chế biến gỗ… Mức hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc tối đa 2 tỷ đồng/dự án.

Đề án “Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020” tỉnh đã hỗ trợ các gia trại, trang trại và tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp phát triển cây trồng mà địa phương có thế mạnh thành sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường gắn với thương hiệu sản phẩm với mức hỗ trợ tối đa là 100 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ lãi xuất vay vốn ngân hàng 10 triệu đồng/ha, thời gian tối đa 12 tháng; hỗ trợ đất trồng rau 05 triệu đồng/ha/năm; hỗ trợ mô hình sản xuất lâm nghiệp cây gỗ lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm mỗi mô hình 200 triệu đồng...

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy về “Xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” có những chủ trương hết sức cụ thể, tạo thuận lợi tối đa cho các HTX hoạt động hiệu quả, tiếp cận trực tiếp các chính sách hỗ trợ.

Quyết định số 1131/QĐ-UBND ngày 04/8/2017 của UBND về việc phê duyệt "Đề án chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn" thời gian thuê đất liên tục ít nhất 20 năm…

Cùng với đó, Nghị quyết 08/2017 của HĐND tỉnh (sau điều chỉnh, bổ sung ban hành thành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND) về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, trang trại, gia trại, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả, cây dược liệu, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tổng mức kinh phí dự trù để thực hiện Nghị quyết là 100 tỷ đồng...

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã hỗ trợ các chủ thể doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký mã số, mã vạch sản phẩm; hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ bao bì, mẫu mã, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn...

 Rừng mỡ một năm tuổi của người dân xã Chu Hương (Ba Bể).

Rừng mỡ một năm tuổi của người dân xã Chu Hương (Ba Bể).

Từ những chính sách đúng đắn của tỉnh, kinh tế nông - lâm nghiệp có bước phát triển nhanh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn diễn ra trên diện rộng và trên nhiều lĩnh vực như chuyển dịch giữa trồng trọt và chăn nuôi; chuyển dịch mùa vụ, sử dụng đất có hiệu quả hơn. Cơ cấu nội ngành có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nông - lâm nghiệp, chăn nuôi. Sản phẩm trồng trọt đã dần đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo thu nhập chính cho người dân và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn; một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã tạo được thương hiệu trên thị trường. Hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến, vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, một số diện tích sản xuất theo mô hình VietGAP; chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông - lâm nghiệp trở thành phong trào sâu rộng và đạt được kết quả. Cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp chiếm 35% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Thông qua các chương trình, dự án được triển khai, người dân đã từng bước thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ động ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến, phát huy thế mạnh của địa phương. Hoạt động dịch vụ, phục vụ sản xuất được tăng cường; quy mô phát triển nông - lâm nghiệp thành vùng sản xuất hàng hóa, tập trung được mở rộng. Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, công nghệ chế biến, kinh doanh nông sản được nâng cao, một số doanh nghiệp, HTX đã chú trọng đầu tư vào chế biến, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm...

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, một số chính sách còn nhiều bất cập, khiến người dân chưa thể tiếp cận. Cụ thể, nhân lực lao động trong nông nghiệp ngày một thiếu nên việc tổ chức sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa chưa đáp ứng với xu thế thị trường đòi hỏi hiện nay. Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các đối tượng là HTX, tổ hợp tác, trang trại, gia trại còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Một số HTX hạn chế về năng lực quản trị, điều hành, phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả… chưa đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định của ngân hàng. Một số HTX đã được tiếp cận với chính sách, được cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ nhưng do hạn chế về năng lực sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, điều hành… nên chậm hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí theo quy định. Sự hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng chưa đầy đủ và đồng bộ nên chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh. Việc hướng dẫn về hồ sơ đề nghị hỗ trợ, quyết toán kinh phí thực hiện chưa rõ ràng, cụ thể; cán bộ địa phương chưa thực sự nắm vững chính sách dẫn đến tình trạng một số HTX không tha thiết thực hiện. Số dự án đăng ký liên kết sản xuất nhiều nhưng số dự án được phê duyệt còn ít. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều dự án không triển khai thực hiện được…

Để khắc phục những hạn chế, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã tiến hành họp bàn, lấy ý kiến để trình HĐND tỉnh, tiếp tục ban hành các chính sách với phương châm sát thực tiễn, đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện, phù hợp với năng lực sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông - lâm nghiệp phát triển nhanh, ổn định, bền vững./.

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202203/dua-chinh-sach-vao-cuoc-song-f600c3b/