Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần quy định cụ thể thẩm quyền cấp phép khai thác, sử dụng không gian ngầm

Phát biểu tại hội trường sáng 27/11 về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể hơn về công tác quản lý, sử dụng, khai thác và cấp thẩm quyền để quyết định phê duyệt các dự án sử dụng không gian ngầm, tránh sự chồng chéo với các quy định của luật khác làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền sử dụng đất đã được pháp luật bảo vệ.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An phát biểu tại phiên thảo luận

Cần tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách

Đại biểu Trần Quốc Quân thống nhất việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25%; tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND thành phố từ 2 lên 3 người tại Khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật. Điều này góp phần củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của HĐND, bảo đảm khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho thành phố.

Tuy nhiên theo đại biểu, thì Tờ trình của Chính phủ nêu việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố nhằm bảo đảm tỷ lệ đại diện cho cử tri, phù hợp với tốc độ tăng dân số cơ học của thành phố là chưa thật sự hợp lý trong khi Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) yêu cầu về việc tinh giản biên chế bảo đảm hiệu lực hiệu quả hoạt động.

Việc đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố nhưng lại chưa làm rõ cơ cấu, thành phần của đại biểu để bảo đảm tính đại diện cho các tầng lớp, thành phần xã hội trên địa bàn thành phố. Từ đó, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu việc đề xuất tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên so với dự thảo thay vì đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố như dự thảo luật, bởi thực tế có nêu trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật cũng đã nêu các ban HĐND thành phố có Trưởng ban hoặc Phó ban, nhưng phần lớn hoạt động kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian, tâm huyết cho hoạt động của đại biểu HĐND, chưa tham gia đầy đủ các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri.

Việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách sẽ có nhiều thuận lợi để cho đại biểu có toàn thời gian nghiên cứu, tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến đề xuất các chính sách và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ cho phát triển KT-XH và phục vụ cho nhân dân.

Đại biểu Quân cho rằng, “có thể tăng ít nhất là 30% tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND thành phố hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội và tập trung vào việc đổi mới phương thức, cách thức làm việc, bộ máy giúp việc, điều kiện bảo đảm để nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố”

Không nên quy định cứng chức danh Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND là thành viên Thường trực HĐND

Tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật đã quy định Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND là thành viên Thường trực HĐND. Đại biểu Quân đề nghị, Ban soạn thảo cần có sự cân nhắc, đánh giá một cách toàn diện vì quy định như vậy sẽ khó cho công tác bố trí, sắp xếp nhân sự, nhất là khi có yêu cầu thay đổi trong thời gian giữa nhiệm kỳ, cũng như bảo đảm tính tương đồng với các địa phương khác và Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Cần quy định cụ thể thẩm quyền cấp phép khai thác, sử dụng không gian ngầm

Theo quy định tại khoản 3 Điều 21 của dự thảo Luật thì không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng; việc xây dựng công trình ngầm phải được cấp phép theo quy định.

Đại biểu Quân đề nghị, Ban soạn thảo cần xem xét điều chỉnh và quy định cụ thể hơn về công tác quản lý, sử dụng, khai thác và cấp thẩm quyền nào để quyết định phê duyệt các dự án này tránh sự chồng chéo với các quy định của luật khác ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền sử dụng đất đã được pháp luật bảo vệ.

Vì theo Điều 175 của Bộ luật Dân sự thì người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp quy định của pháp luật mà không có giới hạn việc sử dụng chiều sâu của lòng đất.

Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 21 của dự thảo Luật sử dụng khái niệm “thuê không gian ngầm” đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại các yếu tố pháp lý và rà soát với các quy định của luật khác mà cụ thể là Luật đất đai hiện chỉ quy định về “giá thuê đất để xây dựng công trình ngầm”. Và làm rõ nội hàm của khái niệm thuê không gian ngầm, có trùng với khái niệm thuê đất để xây dựng không gian ngầm theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ hay không. Trong dự thảo Luật đất đai tại khoản 30, điều 97 quy định về thu hồi đất để xây dựng các công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm và Điều 217 quy định về đất xây dựng.

Về phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe Nhân dân: Đề nghị làm rõ nội dung chế độ tài chính, giá dịch vụ do HĐND Thành phố quy định

Tại điểm a khoản 3 Điều 27 của dự thảo Luật quy định: “HĐND thành phố Hà Nội quy định chế độ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình”. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 110 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì phối hợp Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ khác.

HĐND cấp tỉnh chỉ quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh về các nội dung nêu trên áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Đại biểu Quân đề nghị, làm rõ nội dung chế độ tài chính được HĐND thành phố quy định và mối liên hệ với phương pháp định giá và mức giá trần do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định để bảo đảm tính minh bạch, khách quan trong quá trình thực hiện.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, Luật Bảo hiểm y tế hiện hành không quy định dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và cấp cứu ngoại viện thuộc phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, trong khi đó, tại khoản 4 Điều 27 của dự thảo Luật lại cho phép được sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ này trên địa bàn thành phố Hà Nội là chưa bảo đảm nguyên tắc mọi người dân đều được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế được xác định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Từ đó, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và đánh giá tác động kỹ lưỡng vấn đề này trước tình huống người dân sẽ sử dụng dịch vụ nhiều hơn, với tần suất lớn hơn trong tương lai và xu hướng già hóa dân số, thay đổi mô hình bệnh tật, giá dịch vụ tăng cao hơn,... và theo đại biểu Quân thì đây không chỉ là vấn đề thực tiễn của riêng Hà Nội mà ở các địa phương khác cũng có yêu cầu tương tự thì cần nghiên cứu, tổng kết, quy định trong Luật Bảo hiểm y tế để áp dụng chung./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/du-thao-luat-thu-do-sua-doi-can-quy-dinh-cu-the-tham-quyen-cap-phep-khai-thac-su-dung-khong-gian-ngam-a167010.html