Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Bổ sung giải pháp xử lý nước biển thành nước ngọt để bảo đảm đời sống dân đảo

Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sáng 26.10, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung nghiên cứu giải pháp công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt để tạo lập tiềm năng nguồn nước, bảo đảm nước ngọt cho người dân, nhất là người dân ở đảo.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sáng 26.10. Ảnh: Q.Khánh.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sáng 26.10. Ảnh: Q.Khánh.

Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định mới; trong đó có nhiều quy định xuất phát từ thực tiễn quản lý tài nguyên nước thời gian qua cũng như vấn đề về tài nguyên nước hiện nay và trong thời gian tới của nước ta.

Góp ý Điều 6 quy định về phát triển khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước,ĐBQH Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung việc nghiên cứu giải pháp công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt.

Điều này nhằm tạo lập tiềm năng nguồn nước cũng như bảo đảm an ninh nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là người dân ở các đảo, quần đảo.

Theo đó, tại điểm g, khoản 1 Điều 6 viết thành: “Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý nước thải, công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt, cải tạo, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm”.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cho rằng, Điều 21 về bảo vệ nguồn nước mặtđã thể hiện đầy đủ những quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ nguồn nước mặt. Đồng thời, thể hiện rõ hai ý về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm nguồn nước và phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, chủ động tích cực lưu giữ nguồn nước mặt nước và duy trì dòng chảy bảo đảm lưu thông dòng chảy.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cần bổ sung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí để quản lý tài nguyên nước, tăng cường công tác hậu kiểm để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước. “Nội dung này tôi đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể”.

Góp ý vềdòng chảy tối thiểu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng,khoản 2 Điều 24 quy định dòng chảy tối thiểu là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy trình vận hành hồ chứa, việc cấp giấy phép,... Như vậy, việc xác định “dòng chảy tối thiểu” phải triển khai làm trước.

“Tuy nhiên, dự thảo Luật không quy định thời gian nào phải làm, phải xong và thời gian công bố cũng như các phương pháp, công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định dòng chảy ở mức bao nhiêu được gọi là thấp nhất tại các sông suối liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa, đập dâng,... Dự thảo luật chỉ mới quy định về việc rà soát, điều chỉnh dòng chảy tối thiếu được thực hiện 5 năm/lần”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông phân tích.

Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về thời gian hoàn thành, công bố dòng chảy tối thiểu; phương pháp, công cụ, quy chuẩn liên quan đến việc xác định dòng chảy tối thiểu để bảo đảm tính khả thi.

Liên quan đến vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất (Điều 39), đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho cho rằng, với tình hình hạn hán, thiếu nước ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, việc bổ sung nhân tạo nguồn nước dưới đất là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Để thu hút được các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi để có thể thu hút được nguồn lực của tư nhân.

“Trước mắt, theo tôi, Nhà nước nên ưu tiên đầu tư việc xây dựng công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các khu vực hải đảo, khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế lớn nhưng lại thuộc vùng khan hiếm nước, nguồn nước tự nhiên không đủ đáp ứng cho các hoạt động phát triển”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông đề xuất.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu để có các quy định, hướng dẫn cụ thể cho hoạt động bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại Nghị định hoặc Thông tư.

H.Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/du-thao-luat-tai-nguyen-nuoc-sua-doi-bo-sung-giai-phap-xu-ly-nuoc-bien-thanh-nuoc-ngot-de-bao-dam-doi-song-dan-dao-i347721/