Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể điều chỉnh môn học

Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới (bản dự thảo ngày 21/7) có nhiều sự thay đổi so với trước như tên gọi các môn học cũng như thời lượng học tập ở từng cấp học.

Ở cấp Tiểu học nội dung môn học Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô-đun). Ảnh internet.

Theo đó, đối với cấp Tiểu học, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, bao gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm (trong đó có nội dung giáo dục của địa phương).

Nội dung môn học Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô-đun); nội dung Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề. Theo đó, học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học tự chọn ở cấp Tiểu học bao gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).

Đối với cấp Trung học cơ sở, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Hoạt động trải nghiệm; Nội dung giáo dục của địa phương.

Mỗi môn học Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Ở lớp 8 và lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Đối với cấp THPT các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, Nội dung giáo dục địa phương.

Trong đó, môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Ngoài ra, cấp THPT học sinh được lựa chọn các nhóm môn học theo định hướng nghề nghiệp, cụ thể:
Nhóm môn Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Nhóm môn Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.

Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/du-thao-chuong-trinh-gdpt-tong-the-dieu-chinh-mon-hoc.aspx