Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng rất mạnh

Trong giai đoạn 2017 - 2023, dư nợ tín dụng xanh của ngành ngân hàng có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm.

Tính đến ngày 31-12-2023, đã có 47 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh ở mức 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).

Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách".

Đây là thông tin được bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách” diễn ra ngày 3-4.

Theo đó, các TCTD đã tích cực tham gia cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn, về dịch vụ ngân hàng cho mục tiêu chuyển đổi xanh của người dân, doanh nghiệp.

Trong 7 năm, giai đoạn 2017 - 2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng cho rằng việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp những khó khăn nhất định.

Các bộ ngành cần có quy định chung về Danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các TCTD có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng khách hàng, doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay; tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 rất lớn, trong khi các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường tín chỉ carbon còn chưa phát triển hoặc chưa triển khai gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng.

Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, các TCTD khó khăn trong việc cân đối vốn và đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn, đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định

Ngoài ra, việc thúc đẩy tín dụng xanh, tăng cường quản lý rủi ro môi trường và xã hội sẽ khiến các TCTD phát sinh chi phí phải đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh, năng lực chuyên môn cán bộ ngân hàng về tài trợ dự án xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững cần cải thiện,...

Tín dụng xanh là những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp cho các nhu cầu tiêu dùng, dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, bảo vệ môi trường.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/du-no-tin-dung-xanh-tang-truong-rat-manh-post783627.html