Dự luật Phòng, chống tham nhũng bị 'rút' và những vướng mắc lớn

Xung quanh việc Chính phủ đề nghị dừng trình dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi vào kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ, văn phòng Luật sư Lê Nguyễn đã nêu một số điểm chưa nhận được sự đồng thuận của giới chuyên gia về dự luật này.

Ngày 3.10, tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị chưa trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 mà đợi sau khi tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 3 (khóa 10) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí để có cơ sở đầy đủ để khi dự án Luật được trình ra Quốc hội được sửa đổi toàn diện, nghiêm túc, phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý rút dự án Luật Phòng, chống tham nhũng ra khỏi chương trình phiên họp thứ 4 này.

Trước đó, dự thảo luật này được đưa ra lấy ý kiến góp ý và có nhiều nội dung chưa nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia. Về một số vướng mắc lớn của dự thảo luật này, báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn để làm rõ hơn vấn đề.

Dự thảo luật này sẽ áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư trong khi việc này bị dư luận cho rằng rất vô lý. Ý kiến của ông như thế nào? Ông có nhận định thế nào về điều này?

- Những quy định này cho thấy Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi mong muốn phòng, chống tham nhũng cả khu vực công lẫn khu vực tư.

Có thể nói rằng việc phòng, chống trong khu vực nào là cũng cần thiết vì tham nhũng rõ ràng là hoạt động sai trái, vụ lợi, tư lợi bất chính, bất hợp pháp và xâm hại đến quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân khác, xâm hại đến quyền lợi chung của xã hội. Phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư cũng phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng, phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 về tội phạm tham nhũng, tội phạm về chức vụ. Như vậy, việc phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư cũng có tính cần thiết và hợp lý.

Tuy nhiên, phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư như thế nào lại là vấn đề khác. Tôi cho rằng không thể phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư như đối với khu vực công; không thể coi các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư như cơ quan nhà nước và không thể coi Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kế toán trưởng (sau đây gọi chung là người quản lý) của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư như các “quan tham” để áp dụng chung Luật Phòng, chống tham nhũng và yêu cầu họ kê khai thu nhập, tài sản.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn

Đúng như ông nói, dự luật có yêu cầu công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phải ban hành quy định việc kê khai và kiểm soát thu nhập, tài sản của các vị trí lãnh đạo: Trưởng Ban kiểm soát đến Chủ tịch HĐQT các công ty, trong khi những người này không phải đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước. Theo ông điều này có hợp lý hay không? Vì sao?

- Tôi cho rằng việc áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng cho các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư và bắt buộc kê khai, kiểm soát thu nhập, tài sản đối với người quản lý của các tổ chức này trong bối cảnh hiện nay là chưa thật sự phù hợp.

Thứ nhất, đối với tài sản, thu nhập của người quản lý công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, đây là các tài sản tư nhân và cá nhân có quyền tạo lập, sở hữu tài sản hợp pháp. Việc kê khai, kiểm soát đã được thực hiện theo quy định pháp luật về thuế, chẳng hạn Luật Thuế thu nhập cá nhân, pháp luật về thuế cũng đã có các quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi gian lận thuế, trốn thuế... Như vậy, nếu bắt buộc họ phải kê khai, kiểm soát theo Luật Phòng, chống tham nhũng nữa là không cần thiết, thậm chí là sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật.

Thứ hai, việc mở rộng đối tượng áp dụng sang khu vực tư như vừa nêu vừa làm cho Luật này thiếu tính thống nhất vừa làm giảm đi tính tập trung và hiệu lực thực thi của Luật. Theo Dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh, Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng; về đối tượng áp dụng, Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Cũng theo Dự thảo Luật, cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Với các quy định này, có thể thấy rằng “công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư” không phải là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc sự điều chỉnh và áp dụng của Luật; thế nhưng Luật lại có những quy định điều chỉnh về các tổ chức này, quy định như vậy là bất nhất và không hợp lý.

Bên cạnh đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực tư, việc phòng, chống tham nhũng sẽ giảm tính tập trung và có thể không đạt được hiệu quả thực thi như mong muốn.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật này sang khu vực tư sẽ làm phạm vi điều chỉnh của Luật trở nên quá rộng, trong khi cơ chế thực thi đối với khu vực tư không rõ ràng, làm cho quy định của Luật chỉ mang tính hình thức, nửa vời và chưa triệt để. Hơn nữa, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư cũng có nguy cơ tạo ra sự lạm quyền, nhũng nhiễu.

Thay vì các cơ quan chức năng tập trung phòng, chống tham nhũng trong khu vực công sao cho hiệu quả, vốn dĩ hiện nay là chưa hiệu quả như kỳ vọng và ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi thì có thể bị phân tán và thậm chí chuyển mũi nhọn, chuyển hướng ưu tiên về phòng, chống tham nhũng từ khu vực công sang khu vực tư và các doanh chủ, doanh nhân lại rơi vào tầm ngắm phòng, chống tham nhũng thay vì các “quan tham”.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng thành công cụ pháp lý đủ mạnh để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công; cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để chống tham nhũng trong khu vực công sao cho thật sự hiệu quả rồi mới tính đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật này sang khu vực tư.

Đối với phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư thì hiện nay chỉ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế và các quy định liên quan để kiểm soát, phòng ngừa; hơn nữa, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã có sự sửa đổi, bổ sung theo hướng này. Cơ chế pháp lý về phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư cũng đã đảm bảo tương đối và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư không cấp thiết bằng khu vực công nên trước mắt Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ cần tập trung vào khu vực công và làm sao cho tốt vai trò này, trước khi tính đến các chuyện khác.

Về kê khai tài sản, dự thảo Luật phòng chống tham nhũng bỏ quy định về kê khai tài sản, thu nhập hàng năm, thay vào đó bằng kê khai lần đầu và bổ sung mỗi khi được đề bạt chức vụ mới hoặc có biến động tài sản lớn. Ông bình luận gì về điều này?

- Về việc kê khai tài sản trên thực tế có thể chưa đạt được hiêu quả như mong muốn nhưng dẫu sao đó cũng là một công cụ, một hình thức để kiểm soát và phòng ngừa, xử lý tham nhũng, mặc dù có thể việc kê khai cũng còn hình thức.

Tôi cho rằng việc kê khai hàng năm như quy định cũ hay kê khai như Dự thảo Luật đều có những ưu điểm riêng nên theo tôi, để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công, nên kết hợp cả hai hình thức kê khai này, cả kê khai hàng năm như quy định cũ và kê khai lần đầu và kê khai bổ sung như Dự thảo Luật quy định. Việc kết hợp nhiều hình thức kê khai có thể sẽ tăng cường việc kiểm soát, phòng ngừa tham nhũng.

Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm thực hiện

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/du-luat-phong-chong-tham-nhung-bi-rut-va-nhung-vuong-mac-lon-44257.html