Dư luận quốc tế về việc Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết về Gaza

Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric ngày 20-2 khẳng định, cơ quan này quyết tâm tiếp tục kêu gọi ngừng bắn nhân đạo tại Dải Gaza, sau khi Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết do Algeria đề xuất.

Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 20-2-2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Dujarric cho biết, đây không phải lần đầu tiên quyền phủ quyết được sử dụng trong Hội đồng Bảo an (HĐBA), nhưng LHQ sẽ “liên tục kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ở Gaza”. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng, Tổng thư ký Antonio Guterres mong muốn HĐBA sẽ đoàn kết và có tiếng nói chung.

Dự thảo do Algeria đề xuất đề cập đến một số điểm chính: Thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo tức thời và tất cả các bên phải có nghĩa vụ tuân thủ; phóng thích tức thời, vô điều kiện con tin còn bị giam giữ; phản đối mọi hành động di dân cưỡng bức đối với dân thường Palestine; mở cửa để hàng nhân đạo vào Gaza không bị ngăn cản; yêu cầu tất cả các bên tuân thủ mọi nghĩa vụ về luật pháp quốc tế, nhất là luật nhân đạo quốc tế trong bảo vệ dân thường và mục tiêu dân sự.

Dự thảo này chỉ nhận được 13 phiếu ủng hộ tại HĐBA LHQ; Mỹ bỏ phiếu chống và Anh bỏ phiếu trắng nên dự thảo đã không được thông qua.

Đại sứ - Trưởng phái đoàn Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đánh giá dự thảo trên không dẫn tới nền hòa bình bền vững, mà kéo dài thời gian giam giữ đối với con tin và làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo.

Bà cũng cho biết, Mỹ cùng với các đối tác tại khu vực như Ai Cập, Qatar đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán về thỏa thuận con tin. Việc bỏ phiếu thông qua dự thảo mà Algeria đệ trình sẽ hủy hoại những nỗ lực ngoại giao này.

Đáng chú ý, trước khi diễn ra vòng bỏ phiếu, bà Thomas-Greenfield giới thiệu một dự thảo nghị quyết khác do Mỹ soạn thảo, trong đó có điều khoản về “ngừng bắn tạm thời” ở Gaza, đồng thời cảnh báo Israel không nên tấn công quân sự nhằm vào Rafah ở thời điểm hiện nay. Đây là lần đầu tiên Mỹ đề xuất khái niệm “ngừng bắn” liên quan đến xung đột Israel - Hamas kéo dài 5 tháng qua.

Phản ứng trước quyết định của Mỹ, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng, điều này chứng tỏ Washington không thực sự muốn xây dựng hòa bình ở Trung Đông và bằng mọi giá bảo vệ đồng minh thân cận nhất của họ tại khu vực này. Ông Nebenzia nhấn mạnh, dự thảo mà Mỹ đề xuất không thể thay thế các giải pháp được đưa ra trong dự thảo của Algeria, vì thiếu điểm mấu chốt nhất là ngừng bắn lâu dài.

Đại sứ - Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại LHQ Trương Quân (Zhang Jun) cũng đã bày tỏ sự thất vọng sâu sắc về động thái của Mỹ. Ông nêu rõ: “Hành động phủ quyết của Mỹ đã phát đi một thông điệp sai lầm, đẩy Gaza tới khủng hoảng trầm trọng hơn ở thời điểm người dân Palestine đang ở vào tình thế khốn cùng”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập chỉ trích Mỹ đã 3 lần (kể từ tháng 10-2023) phủ quyết dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza. Ai Cập coi việc cản trở nghị quyết yêu cầu ngừng bắn trong bối cảnh cuộc xung đột tại Dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của hơn 29 ngàn dân thường, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ, là một “tiền lệ đáng xấu hổ trong lịch sử xử lý xung đột vũ trang và chiến tranh của HĐBA”.

Ai Cập nhắc lại lập trường kiên định của mình ủng hộ một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Nhận định đây là biện pháp tối ưu để bảo toàn tính mạng người dân Palestine, đồng thời cam kết nỗ lực tối đa để đảm bảo việc cung cấp viện trợ nhân đạo liên tục cho Dải Gaza. Cairo cũng phản đối bất kỳ biện pháp nào có thể dẫn đến việc người Palestine phải di dời khỏi vùng đất của mình, bao gồm cả hoạt động quân sự của Israel tại TP.Rafah ở phía Nam Gaza.

Tương tự, Jordan ngày 20-2 cũng đã bày tỏ sự thất vọng trước việc HĐBA LHQ lần thứ 3 không thể thông qua nghị quyết nhằm ngăn chặn xung đột leo thang tại Dải Gaza. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jordan Sufian Qudah, điều này phản ánh sự thất bại của quốc tế trong việc ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại khu vực này.

Theo các nguồn thạo tin, Phong trào Hồi giáo Hamas ngày 20-2 đã từ bỏ yêu cầu ngừng bắn vĩnh viễn tại Dải Gaza. Thay vào đó, họ chấp nhận tạm ngừng giao tranh để tạo điều kiện cho việc trao đổi tù nhân và con tin với phía Israel, cũng như đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza.

Việc điều chỉnh yêu cầu của Hamas là kết quả của các nỗ lực mới mà các nhà hòa giải đã và đang thúc đẩy nhằm đạt được đề xuất mới để chấm dứt giao tranh tại Gaza vào thời điểm Israel đe dọa tấn công trên bộ vào Rafah thuộc phía Nam Gaza, nơi có hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn.

TTXVN

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-gioi/202402/du-luan-quoc-te-ve-viec-my-phu-quyet-du-thao-nghi-quyet-ve-gaza-57f4baa/