Dư luận có lý khi đòi Cục trưởng Chương từ chức

TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản bình luận về cách hành xử của Cục NTBD.

TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp)

Bộ VH,TT&DL cũng có trách nhiệm

Thưa ông, trong sự việc dừng các ca khúc trước năm 1975 vừa qua, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất?

Trước hết, Cục NTBD có trách nhiệm là đương nhiên rồi. Đầu tiên là lãnh đạo Cục, rồi sau đó là bộ phận chuyên viên, tham mưu… Nhưng nếu nói về cao nhất, thì Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH,TT&DL) phải là đơn vị nhận trách nhiệm cao nhất bởi lĩnh vực này thuộc phạm vi, thẩm quyền của Bộ. Cục là đơn vị đầu mối đảm nhiệm. Lãnh đạo đơn vị đầu mối để xảy ra sơ suất thì lãnh đạo Bộ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Thực tế, phải đến hơn 1 tuần sau khi sự việc gây xôn xao dư luận, Bộ mới có công văn can thiệp?

Tôi cho đó là một biểu hiện chưa thật nhanh nhạy, chưa thật tốt trong việc xử lý thông tin khi xảy ra vấn đề. Mà thực ra, trong văn bản của Bộ cũng có mấy ý đúng, nhưng chỉ nói mơn mơn kiểu trò chuyện cùng con cái trong nhà. Công lớn trong sự kiện này là báo chí, đã sâu sát để bản chất câu chuyện được bộc lộ hết.

Ông đã từng nêu ý kiến phản bác nhiều văn bản, quyết định sai của Cục NTBD, so với trước đây, vụ việc này có mức độ nghiêm trọng ra sao?

Thực ra, mỗi việc có một cách sai, phạm vi sai khác nhau. Chẳng hạn, việc Cục NTBD cấm hoa hậu Diễm Hương diễn trên toàn quốc năm 2014 là sai với cá nhân công dân, họ có lỗi nhưng chưa tới mức cấm hành nghề như thế. Còn trường hợp Cục NTBD cấm học sinh, sinh viên trường văn hóa nghệ thuật biểu diễn ở vũ trường, quán bar năm 2007 là vi phạm quyền hiến định. Cục không có quyền hạn ban hành văn bản như vậy.

Riêng vụ việc lần này đụng đến một mảng vấn đề rất lớn, chạm vào hệ thống các ca khúc vốn cần được quản lý. Nó cho thấy thiếu sót cơ bản trong cơ chế và cách thức quản lý.

Vậy, tại sao những quyết định sai lầm như vừa rồi vẫn lặp lại, thưa ông?

Việc 5 ca khúc bị cấm chỉ là một giọt nước làm tràn ly. Nó đã lòi ra cái cơ chế quản lý vốn rất lạc hậu. Theo thông tin Cục trưởng Chương (ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD, Bộ VH,TT&DL - PV) trả lời: Ca khúc chưa được cấp phép vì chưa có đơn vị nào đứng ra xin. Ở đây thấy ngay cái văn hóa “xin cho” vốn thấm đẫm trong cơ chế quản lý của đơn vị này từ trước đến nay. Nó quá lỗi thời, tới mức tôi tưởng như đang nghe chuyện những năm 60-70, thời quan liêu bao cấp. Mà cơ chế ấy vốn để giữ quyền lợi và đằng sau quyền lợi này sẽ còn những vấn đề khác nữa.

Tại sao phải là cấp phép cho từng ca khúc nọ, ca khúc kia? Thay vào đó, cần đưa ra một danh sách cấm cụ thể. Tôi đồng ý là cơ chế này rất khó, nhưng chúng ta bắt buộc phải làm. Không làm thì phải tìm cách để chống lại cơ chế cấp phép từng ca khúc một.

Kiểm điểm, rút kinh nghiệm là chuyện hài, vô cảm

Thưa ông, khi xảy ra vụ việc, Cục NTBD tỏ ra rất kín tiếng với cơ quan báo chí. Ông đánh giá sao về cách hành xử này?

Tôi cho đó là phản xạ tự vệ của họ, tìm cách lẩn đi thôi. Nhưng nó cũng cho thấy trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của người đó kém. Anh ngại gì mà sợ? Sao không đứng ra trao đổi, thảo luận? Cái gì sai thì mình phải tiếp thu ý kiến để mà sửa chứ.

Thậm chí, trong thông cáo báo chí mới nhất về việc nhận khuyết điểm, cũng không có dòng nào nhắc đến gia đình các nhạc sĩ chịu thiệt hại?

Đó là cách ứng xử không hay, không chuẩn. Mà thực ra, Cục này hồi cấm các học sinh, sinh viên trường văn hóa nghệ thuật biểu diễn cũng khiến tôi phải nói qua, nói lại hàng năm trời mới xử lý được. Phải kiên trì và quyết liệt lắm họ mới chịu nhận trách nhiệm mình sai.

Trong sự việc lần này, Cục cũng nhận sai, nhưng lại chỉ nói sẽ “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” ban tham mưu là Sở VH-TT TP.HCM.

Hành vi “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” không chân thành dễ trở thành chuyện hài, vô cảm. Còn về việc Cục nói rằng sẽ kiểm điểm “ban tham mưu”, cơ sở cấp dưới chỉ là cái hỗ trợ cho hành vi của mình. Người ta đề xuất lên thì anh phải có nhận định đánh giá cho có bản lĩnh, xem đề xuất ấy phù hợp hay không. Họ đề xuất gì cũng gật đầu là không đúng. Cái đó càng thể hiện trình độ và trách nhiệm kém.

Cách giải quyết hiện tại mới là thu hồi lệnh tạm dừng. So với các sự vụ trước đây ông thấy sao?

Thu hồi chỉ là một phần thôi. Trước đây, Trung tâm Bảo vệ tác quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương đấu tranh mãi mới ra cơ chế công nhận quyền tác giả và phải trả tiền cho các ca khúc đưa ra biểu diễn. Nhưng khi đưa cơ chế ấy vào thông tư, họ bỏ qua vai trò của Trung tâm Bảo vệ tác quyền. Không sử dụng trung tâm ấy để giúp việc thu tiền tác quyền mà chuyển sang đầu mối là Cục NTBD. Từ đó, ta có thể thấy cách xử lý của Cục NTBD có vấn đề rất lớn.

Với cách hành xử ấy, theo ông ai sẽ là người bị tổn thương nhiều nhất trong câu chuyện này?

Thực ra, tổn thương ai cũng có mức độ thôi. Nhưng tác động của sự việc lần này với xã hội thì lớn. Nó sẽ đưa người ta đến những nhận định, đánh giá sai lệch về bản chất quản lý văn hóa nghệ thuật ở nước ta hiện nay. Người ta sẽ tưởng cơ chế của chúng ta vẫn giữ nguyên từ thời chiến tranh, quan liêu bao cấp chứ không phải hiện đại.

Công chức thi hành công vụ sai sót: cao nhất là cách chức

Vậy thưa ông, cách ứng xử của người quản lý như thế nào mới là phù hợp?

Về chuyện đó, lãnh đạo Cục bàn bạc với nhau, tìm cách giải quyết phù hợp đối với những ca khúc, gia đình các nhạc sĩ, có thái độ cầu thị, sai đâu sửa đó là yêu cầu đầu tiên. Còn Cục cũng đưa thông cáo báo chí rồi, lệnh cũng thu hồi rồi. Sâu hơn trong đó là lực lượng chuyên viên, tham mưu cần xem lại. Cao hơn nữa là lãnh đạo Bộ VH,TT&DL phải đứng ra để trả lời một cách dứt khoát. Xem có cần xử lý tổ chức, cá nhân nào đó ở Cục? Mà cơ chế xử lý công chức khi thi hành công vụ có sai sót chúng ta đều biết rồi. Thấp nhất là khiển trách, cảnh cáo. Cao nhất là cách chức.

Theo ông, phải làm sao để những sự kiện tương tự như vừa rồi sẽ không còn tiếp diễn?

Nếu vẫn giữ cơ chế như hiện nay: Quyền xin - cho, quản lý theo cách thức của30 - 40 năm về trước, sự tiếp diễn sẽ vẫn còn. Vụ việc “5 bài hát” vừa rồi tôi cho là cú hích rất lớn để buộc Bộ VH,TT&DL xem lại toàn bộ hệ thống quản lý lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, từ đó phải sửa cơ bản. Sửa từ cơ chế, phương thức quản lý đến thay đổi cả nhận thức, trình độ của lực lượng nhân sự quản lý lĩnh vực này.

Nhân nói đến nhân sự, dư luận có ý kiến muốn lãnh đạo Cục NTBD từ chức, ông đánh giá sao?

Theo tôi, lĩnh vực NTBD vốn rất khó, rất nhạy cảm. Nó là mặt trận đấu tranh giữa tích cực và tiêu cực, giữa lạc hậu và cách mạng. Thế lực phản động cũng sử dụng nó rất nhiều. Với mặt trận như thế, đòi hỏi con người đứng đầu, các vị tướng cầm quân phải đủ trình độ bản lĩnh. Và vụ việc vừa rồi đã bộc lộ ra rất nhiều yếu kém. Nên khi dư luận đòi thay ông Cục trưởng, tôi cho là họ cũng có cái lý của riêng họ.

Cảm ơn ông!

Nhân dân là người thẩm định ca khúc chính xác nhất

Tôi nhớ năm 1987, giới âm nhạc Việt Nam đánh giá thấp nhạc rock, jazz. Trong buổi tọa đàm khoa học, ông Nguyễn Đình Thi phát biểu: “Âm nhạc nào được cộng đồng yêu mến, chấp nhận thì đó là nền văn hóa cao”. Tựu chung lại, nhân dân là người sàng lọc thông minh nhất. Họ biết hát bài gì, hát cái gì nên 40 năm qua, những bài hát tồn tại chính là sàng lọc của nhân dân. Đó mới là tiêu chí sàng lọc hay nhất. Nghệ thuật phải có khán giả và đối tượng. Anh muốn xếp xó mà quần chúng cứ lôi ra để xài thì những tác phẩm đó là tinh túy.

Tôi chưa bao giờ tán thành quan điểm cấm bài nọ, phải thẩm định bài kia. Những bài hát đó đã được cuộc đời thẩm định, người dân thẩm định, hàng chục năm nay rồi. Anh thẩm định rồi cấm mà quần chúng vẫn hát thì có tác dụng gì?

Còn về việc cấp phép cho ca khúc, anh chả cấp phép, người dân vẫn hát thì anh cấp phép làm gì? Chỉ nên cấp phép cho các chương trình biểu diễn và xuất bản thì hơn.

Nhà nghiên cứu, PGS. TS. Đặng Hoành Loan
nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam

Hoàng Anh (Ghi)

Nhật Minh (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/du-luan-co-ly-khi-doi-cuc-truong-chuong-tu-chuc-d205411.html