Dữ liệu số trong cơ quan nhà nước đã có sự tăng trưởng vượt bậc

Tổng hợp kết quả triển khai các nhiệm vụ của năm 2023 - 'Năm dữ liệu số quốc gia' cho thấy, đến nay dữ liệu trong cơ quan nhà nước đã có sự tăng trưởng vượt bậc.

Tạo niềm tin về những ‘vụ mùa bội thu’ về dữ liệu số

Ngày 20/12, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) phối hợp với Viện Sáng tạo và chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết năm quốc gia về dữ liệu số và Datafest 2023, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, sự kiện Datafest sẽ được tổ chức thường niên và Bộ TT&TT mong đợi những năm tiếp theo, khi dữ liệu lớn liên tục chăm sóc sẽ "lớn thật nhanh và nở hoa, kết quả”.

Với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, năm 2023 - “Năm dữ liệu số quốc gia” đã đã được xác định tập trung vào phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã “cầm nhịp” năm dữ liệu số quốc gia, hướng đến tạo ra sự thay đổi căn bản, tạo những tiền đề cơ bản cho sự phát triển về dữ liệu của Việt Nam giai đoạn tiếp theo.

Trao đổi tại hội nghị ngày 20/12, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia cho hay: “Dữ liệu không thể xây dựng ngay mà cần tích lũy, làm giàu theo thời gian. Năm 2023 - Năm dữ liệu số quốc gia cần được hiểu mới là sự khởi đầu cho quá trình phát triển dữ liệu với bước đầu tiên là “ươm mầm” dữ liệu. Tuy vậy, năm dữ liệu số quốc gia cũng đã đạt được một số “hoa, nụ, quả bói”, tạo niềm tin về những vụ mùa bội thu tiếp theo”.

Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến trao đổi tại hội nghị.

Khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của dữ liệu số trong tiến trình chuyển đổi số, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng thông tin về một số kết quả chính trong năm quốc gia về dữ liệu số. Qua tổng hợp, năm nay, Bộ TT&TT nhận thấy dữ liệu trong cơ quan nhà nước đã có sự tăng trưởng vượt bậc.

Cụ thể, hiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn về dữ liệu đã được ban hành đủ các khía cạnh về tổ chức, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu tương đồng với xu hướng chung của thế giới.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng tạo nền tảng cho chuyển đổi số như cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử, cán bộ công chức viên chức đã cơ bản hoàn thành, được đưa vào khai thác, kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia mang lại những giá trị đo lường được, cảm nhận được.

Tỷ lệ các bộ, tỉnh đã xác định danh mục cơ sở dữ liệu đạt 63%. Số cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương được thiết lập tăng trưởng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 lên 2.077 cơ sở dữ liệu. Việc công bố kế hoạch và danh mục dữ liệu mở tăng mạnh từ 9% lên 50%.

Bên cạnh một số bộ, ngành đã xây dựng đưa vào khai thác hiệu quả, tạo ra giá trị từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhiều địa phương như Đà Nẵng, TP.HCM, Thừa Thiên Huế... đã bắt đầu xây dựng, đưa vào khai thác các kho dữ liệu dùng chung, cung cấp dữ liệu mở phục vụ xử lý thủ tục hành chính theo hướng lấy người dân làm trung tâm.

Nhờ vậy, người dân không phải kê khai thông tin, dữ liệu thủ công nhiều lần, đi lại nhiều nơi; đồng thời, phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo các cấp theo hướng dựa trên số liệu “đúng, đủ, sạch, sống”.

Đặc biệt, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia đã có những chuyển biến rõ rệt, tạo ra những giá trị cụ thể thực tế như giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khi xử lý thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Theo thống kê, trung bình hằng ngày có khoảng 1,78 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP; tổng số giao dịch qua nền tảng này từ khi đưa vào sử dụng đến nay là hơn 1,65 tỷ giao dịch.

Ngoài ra, trong năm 2023, Bộ TT&TT đã lần đầu tiên tổ chức kiểm tra một số bộ, ngành, địa phương về việc tuân thủ Nghị định 47 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước; qua đó thúc đẩy hơn việc tạo lập, quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia.

Bộ TT&TT đã trình dự thảo Chiến lược dữ liệu quốc gia

Cũng tại hội nghị, các chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm trong tạo dựng, khai thác và chia sẻ dữ liệu nhằm phục vụ hữu hiệu công cuộc chuyển đổi số.

Từ thực tế triển khai, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho hay, hiện các cơ quan trung ương như Tổng cục Thuế, Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT... chưa chia sẻ dữ liệu cho các địa phương do vướng các quy định pháp luật chuyên ngành trái với quy định tại Nghị định 47 năm 2020 của Chính phủ; vì thế các cơ quan này chờ sửa luật chuyên ngành, mới chia sẻ dữ liệu. “Chúng tôi kiến nghị Bộ TT&TT có đề nghị các cơ quan trung ương rà soát, ban hành Nghị định sửa đổi một số điều hoặc có Thông tư hướng dẫn việc chia sẻ dữ liệu cho các ngành, địa phương”, ông Trần Ngọc Thạch đề xuất.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch chia sẻ kinh nghiệm phát triển dữ liệu mở.

Điểm ra những thông lệ quốc tế tốt trong việc phát triển và khai thác dữ liệu, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp về khu vực công của Ngân hàng Thế giới nêu ra 5 yếu tố đảm bảo thành công trong triển khai. Đó là: Lãnh đạo - Cam kết hỗ trợ, quyết định đầu tư trọng điểm của toàn chính phủ; Ứng dụng - Triển khai nhanh các trường hợp ứng dụng; Vai trò rõ ràng - Quản lý dữ liệu, chủ quản dữ liệu, giám quản dữ liệu và người dùng; Quản lý dữ liệu - Chính sách dữ liệu, kiến trúc dữ liệu và chất lượng dữ liệu; Công nghệ - Tích hợp dữ liệu và nền tảng chia sẻ dữ liệu.

Trong dài hạn, các chuyên gia đều cho rằng cần thiết có chiến lược phát triển dữ liệu quốc gia. Theo thống kê sơ bộ, trên thế giới đã có hơn 10 nước, 4 tổ chức quốc tế ban hành chiến lược dữ liệu.

Với kỳ vọng Việt Nam sẽ bước cùng nhịp với các nước đi đầu trên thế giới về thúc đẩy phát triển dữ liệu số, Bộ TT&TT đã tham mưu, xây dựng dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc ban hành Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030. Dự thảo Chiến lược này đã được Bộ TT&TT trình trong tháng 12/2023 và đang trong quá trình thẩm định của các cơ quan liên quan.

Theo đại diện Viện Chiến lược TT&TT, đơn vị trực tiếp soạn thảo, tư tưởng xuyên suốt của dự thảo Chiến lược dữ liệu quốc gia là Nhà nước dẫn dắt, định hướng toàn dân tham gia xây dựng và cùng hưởng lợi ích.

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/du-lieu-so-trong-co-quan-nha-nuoc-da-co-su-tang-truong-vuot-bac-2229320.html