Du lịch Việt Nam- Tăng trưởng cao nhất thế giới

9 tháng đầu năm 2010, khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng du lịch cao nhất trên thế giới và dự báo sẽ vượt chỉ tiêu đón 4,2 triệu lượt khách năm 2010 của ngành du lịch.

Ảnh: Cấn Dũng CôngThương - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9/2010 đạt 383.463 lượt khách, tăng 26% so với tháng 9/2009. Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt 303.463 lượt; đường biển đạt 5.000 lượt và đường bộ đạt 75.000 lượt khách. Tính chung cho 9 tháng đầu năm 2010, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3.731.919 lượt, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, tất cả các thị trường khách đều tăng so với cùng kỳ năm 2009 như Campuchia tăng 92,2%, Trung Quốc tăng 89,2%, Thái Lan tăng 39,5%, Hàn Quốc tăng 29,4%, Australia tăng 27,9%, Malaysia tăng 23,1%, Đài Loan tăng 20,7%, Nhật Bản tăng 18,7%, Pháp tăng 12%, Mỹ tăng 2,4%. Với tỷ lệ tăng trưởng trên, Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trên thế giới và mục tiêu đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2010 có khả năng vượt tương đối xa. Có được kết quả trên, theo các nhà làm du lịch là do sự thuận lợi, nỗ lực của các yếu tố như: sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thực hiện chương trình “Việt Nam điểm đến của bạn”, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và khu vực; nguồn khách dịch chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam, tăng cường kích cầu du lịch nội địa, sự nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam tại thị trường quốc tế. Hàng năm, ngành du lịch Việt Nam đều có những hoạt động xúc tiến ở trong và ngoài nước, đặc biệt là xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Trong năm 2010, thực hiện chiến dịch lấy người Việt Nam ở nước ngoài là tuyên truyền viên giới thiệu hình ảnh, đất nước con người Việt Nam, nhất là việc tuyên truyền cho Việt Nam thông qua các sự kiện tại địa phương… những hoạt động trên đã góp phần vào sự tăng trưởng cao của du lịch 9 tháng qua. Tuy nhiên, hiện tại ngành du lịch còn rất nhiều công việc phải làm, bởi một thực tế là dù có điều kiện, tiềm năng để phát triển, nhưng do không đồng thuận, khai thác manh mún, nhận thức của cộng đồng trong hoạt động du lịch còn hạn chế đã làm cho hoạt động du lịch trên bình diện chung phát triển rời rạc. Đặc biệt, trong dự thảo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đang trình Chính phủ phê duyệt cũng đưa ra lộ trình để thực hiện từ năm 2015, nhằm đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp thật nhiều cho GDP với khả năng dự báo là 8%. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam - để làm được điều này, cần phải có một chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trong sân chơi hội nhập mới. Bài học đầu tiên để một địa phương, để một đất nước, một điểm du lịch phát triển là vấn đề nhận thức. Chúng ta chưa có một hệ thống quản lý thống nhất tạo sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương, vì vậy phát triển chỗ này nhưng lại đang làm mất đi tương lai lâu dài của chỗ khác. Bên cạnh đó, du lịch phải luôn luôn gắn liền với môi trường bền vững bởi đó là yếu tố sống còn cho sự phát triển của ngành cũng như của một quốc gia. Ngoài ra, vấn đề nhân lực, đào tạo, bộ máy cũng cần được coi trọng. Một khách sạn cao cấp nhưng con người, dịch vụ đó không có chuyên môn, không có trình độ… đồng nghĩa với việc tự hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Cho nên, chiến lược đào tạo nhân lực ngành du lịch là một trong những chiến lược được Chính phủ và ngành du lịch rất quan tâm. Đặc biệt phải tăng cường công tác nhận thức của cộng đồng về du lịch, du lịch gắn bó với nhận thức của cộng đồng, để phát triển du lịch thì không chỉ ngành du lịch, không chỉ chính quyền mà cần sự nhận thức từ mỗi người dân. Quỳnh Hoa Ảnh: Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/du-lich-van-hoa/du-lich-viet-nam-tang-truong-cao-nhat-the-gioi/32/0/39310.star