Du lịch văn hóa lịch sử - nhìn từ Đà Nẵng

Trong những năm gần đây, lĩnh vực du lịch của Đà Nẵng đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận. Thành phố đã tích cực đầu tư, đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, các lễ hội, liên hoan du lịch được nâng cấp đưa vào hoạt động phục vụ du khách. Môi trường cho du lịch bước đầu được cải thiện, nhiều chương trình quảng bá du lịch và nguồn nhân lực du lịch được từng bước bổ sung và tăng cường… Tuy nhiên, sức hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng trên thị trường du lịch quốc tế vẫn còn hạn chế. Việc xác định sản phẩm du lịch chủ lực, đặc trưng của Đà Nẵng còn chậm.

Nói đến loại hình du lịch thu hút du khách khá nhiều, nhất là du khách nước ngoài, thì các địa danh lịch sử, văn hóa thường được quan tâm tìm hiểu, thăm viếng. Về loại hình này, phải nhìn nhận là Đà Nẵng còn "khiêm tốn", trong khi tiềm năng, lợi thế không phải là không có, chưa nói là khá phong phú. Điểm đến thu hút đông đảo du khách nhất là Bảo tàng Điêu khắc Chăm, sau đó là danh thắng Ngũ Hành Sơn. Các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng khác tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa thật sự tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Để khai thác những điểm du lịch hiện có và mở thêm các điểm tham quan mới, trong đó có các địa danh mang tính lịch sử của Đà Nẵng không phải là chuyện ngoài tầm tay. Trước hết nói về cái hiện có.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm nên duy trì thường xuyên việc tổ chức chiếu phim và múa Chăm phục vụ khách, nâng cao chất lượng thuyết minh viên, bố trí lại cửa ra vào, không gian các khu vực trưng bày để trưng bày nhiều hiện vật hơn. Việc cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chăm vừa qua cũng là một bước đi để Bào tàng độc đáo này phát huy hết lợi thế để thu hút du khách gần xa. Bên cạnh đó, nên khai thác tối đa Bảo tàng Lịch sử TP và sớm hoàn thiện, đưa vào hoạt động Bảo tàng Nghệ thuật Đà Nẵng. Trong tương lai, nên nghiên cứu hình thành một Bảo tàng Điêu khắc vì Đà Nẵng có một Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước là cơ sở nền tảng của một Bảo tàng điêu khắc có tầm cỡ của khu vực miền Trung.

Xét về mặt thị trường du lịch, đặc biệt cần quan tâm đến thị trường Mỹ. Trong chiến tranh, công chúng Mỹ biết đến Đà Nẵng qua các phim chiếu về các bãi biển tại Đà Nẵng. Du khách Mỹ sẽ có khả năng tăng nhanh do quan hệ kinh tế, thương mại và hàng không giữa Việt Nam - Mỹ được cải thiện. Đà Nẵng còn là mảnh đất quen thuộc của hàng ngàn cựu binh Mỹ, chính vì vậy, có thể hình thành một điểm du lịch khá đặc biệt là nơi những đơn vị đầu tiên của đội quân viễn chinh Mỹ đổ bộ (bãi biển Mỹ Khê). Và không thể không nhắc đến khu Nghĩa địa Y Pha Nho ở bán đảo Sơn Trà. Đây là một di tích đặc biệt ở Đà Nẵng, cả nước không nơi nào có, đánh dấu cuộc chiến tranh phi nghĩa của quân viễn chinh và khả năng kháng chiến của quân dân xứ Hàn.

Đà Nẵng đã từng có chủ trương xúc tiến dự án Công viên nghĩa trang. Đây cũng là một nét mới cần được quan tâm. Có người đã nêu lên một khái niệm mới nôm na là "du lịch nghĩa trang". Xét cho cùng, nó cũng mang tính văn hóa rất rõ nét. Khách nước người rất quan tâm đến yếu tố này của nước ta, các nghĩa trang là nơi có nhiều công trình kiến trúc đa dạng, tuy dành cho người của "thế giới bên kia" nhưng nó cũng mang đậm bản sắc dân tộc, tôn giáo, đẹp và lạ mắt…

Khách quốc tế tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: Phương Kiếm

Đi du lịch, không ít du khách có nhu cầu muốn được thưởng thức âm nhạc không chỉ trong nhà hát, các quán bar, trong những sự kiện nghệ thuật lớn, mà còn là những chương trình nho nhỏ, gần gũi. Loại hình âm nhạc đường phố tỏ ra phù hợp với việc đáp ứng nhu cầu này của du khách và những năm qua, từ chỗ là "của lạ" nay đã dần trở thành quen thuộc với người dân và du khách. Đặc biệt là chương trình "Đưa tuồng xuống phố", thời gian qua đã thu hút khá đông du khách, trong đó có không ít khách du lịch ngoại quốc ưa thích tìm hiểu về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn có những địa điểm du lịch chưa được khai thác hoặc khai thác chưa triệt để, ngoài Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn là khu Nghĩa trủng Khuê Trung, các lễ hội như Quán Thế Âm, Đình làng Hòa Mỹ, Hải Châu, Bồ Bản, Túy Loan… Tất cả, rất nên được quan tâm đưa vào khai thác phục vụ du khách.

Để du lịch Đà Nẵng "cất cánh", bên cạnh việc đầu tư cho hạ tầng du lịch ngày càng hoàn thiện, cần phải quan tâm đến những sản phẩm, loại hình du lịch phong phú, độc đáo mà chỉ có ở Đà Nẵng mới có, chẳng hạn như những di tích lịch sử văn hóa, những lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc và đặc trưng của Đà Nẵng. Từ đó, hy vọng sẽ thu hút được lượng khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài đến Đà Nẵng ngày một đông hơn.

Dân Hùng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/111_146532_du-li-ch-van-ho-a-li-ch-su-nhi-n-tu-da-na-ng.aspx