Du lịch thể thao: 'Mỏ vàng' chờ khai thác

Mặc dù du lịch thể thao có nhiều tiềm năng thu hút du khách nhưng để làm được điều này cần cái 'bắt tay' chặt chẽ giữa ngành thể thao với du lịch.

Du lịch thể thao: Gà đẻ trứng vàng

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch thể thao là loại hình du lịch liên quan đến trải nghiệm của khách du lịch. Du lịch thể thao là một trong những mảng phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch, ước tính có trị giá khoảng 800 tỷ USD trên toàn cầu. Tại một số quốc gia, du lịch thể thao đóng góp tới gần 30% tổng thu ngành du lịch.

Theo báo Tin tức, sản phẩm du lịch thể thao bao gồm: vé xem hoặc vé trực tiếp tham dự giải thể thao kèm với các dịch vụ: vận chuyển, khách sạn, ẩm thực, tham quan… hoặc một tour thể thao trọn gói hay kỳ nghỉ thể thao.

Du lịch thể thao không phải là sản phẩm mới nhưng theo xu hướng và nhận định của nhiều chuyên gia, nó sẽ được quan tâm và phát triển mạnh sau đại dịch Covid-19 bởi ngoài các trải nghiệm du lịch thông thường du khách còn có được sức khỏe và,hoặc động lực để tập luyện thể thao.

Dự kiến, thị trường du lịch thể thao tăng trưởng 17,5% từ năm 2023 đến năm 2030. Lĩnh vực này hiện chiếm khoảng 10% chi tiêu toàn cầu cho du lịch.

Theo các chuyên gia về du lịch, thị trường Việt Nam bắt đầu khởi phát kinh doanh sản phẩm du lịch thể thao từ khoảng 5 - 7 năm trở lại đây. Điển hình là một số sản phẩm được thiết kế bán kèm các giải chạy phong trào như giải chạy địa hình và gần đây là các tour do nhiều doanh nghiệp du lịch tổ chức cho người Việt sang nước ngoài xem đội tuyển Việt Nam thi đấu.

Bên cạnh những ưu điểm như thu hút số lượng khách lớn, sử dụng nhiều dịch vụ địa phương, du lịch thể thao còn có một ưu điểm nổi trội so với hình thức/sản phẩm du lịch khác, đó chính là việc xúc tiến điểm đến. Thông qua du lịch thể thao, nhiều địa phương ở Việt Nam có thêm hình ảnh điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trong mắt du khách. Nhiều địa phương dành sự quan tâm và nguồn lực cho loại hình/sản phẩm du lịch này bởi lợi ích mà nó mang lại.

Các giải chạy bộ đang góp phần tích cực trong phát triển du lịch thể thao hiện nay. Ảnh: Công an nhân dân.

Cũng trong khoảng 5 năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ số lượng các câu lạc bộ và các giải thể thao phong trào của nhiều môn thể thao vốn trước đó chỉ thu hút giới chuyên nghiệp: golf, chạy bộ, xe đạp, leo núi, sup – kayak, bơi, yoga… Trong số đó, môn chạy bộ thu hút đông đảo số người tham gia. Đây là bộ môn nhận được sự quan tâm lớn bởi quy mô phát triển và khả năng liên kết khai thác rất lớn.

Tính riêng chạy bộ phong trào, Việt Nam hiện có khoảng 40 giải marathon diễn ra tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Tiêu biểu phải kể tới các giải VnExpress Amazing Marathon, Hạ Long Heritage Marathon; Đà Lạt Ultra Trail; giải đua xe môtô, ô tô địa hình ở Hà Giang; leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, đua xe đạp “Một đường đua hai quốc gia” tại Lào Cai...

Riêng Hà Nội đang sở hữu một số giải thể thao thường niên, có thể kết nối với các hoạt động du lịch như giải cầu lông quốc tế Hà Nội, giải chạy Báo Hà Nội Mới mở rộng - Vì hòa bình. Ngoài ra, tại Hà Nội còn diễn ra một số sự kiện thể thao quốc tế tầm cỡ châu Á và Đông Nam Á, hay một số giải golf tạo sân chơi cho khách du lịch quốc tế…

Nói về lợi ích mà thể thao mang lại cho ngành du lịch, Tổng giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, du lịch thể thao là một dòng sản phẩm mang tính chuyên đề nên so với các tour thông thường, đơn vị tổ chức cần phải có chuyên môn cả về lữ hành và kiến thức nhất định về thể thao như điều lệ quy định của giải, cách thức đăng ký… từ đó tư vấn cho khách tham gia các hoạt động phù hợp với sức khỏe.

Là đơn vị từng nhiều năm khai thác các tour du lịch đạp xe kết nối nội thành với ngoại thành Hà Nội, đến với các địa phương Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai… Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa thông tin, loại hình du lịch còn mang đến những cảm nhận mới mẻ cho du khách khi khám phá nét đẹp văn hóa, thiên nhiên kết hợp thể thao.

Cần cái “bắt tay” chặt chẽ giữa ngành thể thao với du lịch

Mặc dù du lịch thể thao có nhiều tiềm năng thu hút du khách, nhưng để làm được điều này đỏi hỏi ngành thể thao liên kết chặt chẽ với du lịch trong việc quảng bá sự kiện, xây dựng tour đặc trưng.

Theo Chủ tịch Lux Group Phạm Hà, để biến thể thao trở thành sản phẩm chủ lực của du lịch Việt Nam, điều quan trọng là cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và định hướng dài hạn để xây dựng, nâng cấp hạ tầng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Đồng thời, có chiến lược quảng bá sự kiện để gia tăng cơ hội đăng cai nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế. Nhưng điều quan trọng là phải có sự phối hợp giữa ngành du lịch và thể thao, để các sản phẩm không chỉ dành cho du khách Việt mà còn đưa hình ảnh sôi động, hiếu khách đến du khách quốc tế.

Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty CP Du lịch và sự kiện Vplus Việt Nam Nguyễn Đức Anh chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, trong quá trình xây dựng tour doanh nghiệp gặp khó khăn do có ít thông tin về các sự kiện thể thao quốc tế, nên không thể chủ động xây dựng tour hoặc kết nối với nhà tổ chức sự kiện. Điều này dẫn đến tình trạng đến khi biết thì sự kiện sắp diễn ra, nên doanh nghiệp khó xây dựng tour.

“Để khai thác hiệu quả các sự kiện thể thao, các doanh nghiệp lữ hành cần tạo một cơ chế thông tin với đầu mối bên phía quản lý thể thao để nắm bắt lịch diễn ra sự kiện sớm nhất, từ đó liên kết với nhau để xây dựng sản phẩm phù hợp”, ông Anh nêu rõ.

Dưới góc độ chuyên gia, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình thông tin, sở thích của du khách quốc tế với loại hình này không giống nhau, nếu như khách Hàn Quốc thích chơi golf, khách Âu Mỹ vào rừng, chinh phục các cung đường khó thì khách Nhật thích trải nghiệm văn hóa bản địa…

Do đó, muốn hút khách đòi hỏi doanh nghiệp thiết kế tour bao gồm những hoạt động khác biệt chứ không đơn thuần là du lịch tham gia hoạt động thể thao. Nhưng để làm được điều này chính các nhà tổ chức sự kiện cần tìm đến các doanh nghiệp du lịch để tạo ra những gói sản phẩm phong phú, giúp vận động viên, người thân của họ có trải nghiệm tốt nhất khi đến Việt Nam.

Để du lịch và thể thao “bắt tay” hút khách, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng hiến kế, thời gian tới các địa phương cần tạo thủ tục thông thoáng trong việc cấp phép tổ chức giải thể thao phục vụ du lịch, xúc tiến điểm đến. Đồng thời xã hội hóa công tác tổ chức giải theo hướng khuyến khích các công ty lữ hành tạo liên minh bán các sản phẩm liên quan tới du lịch thể thao. Ở chiều ngược lại ngành thể thao nên đẩy mạnh hoạt động quảng bá sự kiện, thắng cảnh, văn hóa Việt Nam qua đó hút khách tới Việt Nam

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, sở sẽ tạo điều kiện tối đa cũng như mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch và các nhà tổ chức sự kiện thể thao bàn thảo, thống nhất cách thức khai thác. Từ đó để du lịch Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng tiếp tục là điểm đến nhiều sức hút với du khách trong, ngoài nước.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-lich-the-thao-mo-vang-cho-khai-thac-a655307.html