Du lịch Thanh Hóa hướng tới 'một điểm đến'

Thay vì 'nơi dừng chân', ngành du lịch Thanh Hóa đang phát huy tiềm năng, lợi thế trở thành 'một điểm đến' trong lòng du khách gần, xa. Khởi đầu năm 2023, du lịch Thanh Hóa đã thu hút gần nửa triệu lượt khách trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, với tổng doanh thu đạt gần 400 tỷ đồng (tăng gần 42% so với dịp Tết năm 2022).

Trong những ngày diễn ra Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, các địa phương trong tỉnh triển khai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ nhân dân và thu hút du khách.

Trong đó phải kể đến các hoạt động thu hút khách du lịch, như: Chương trình nghệ thuật “Chào năm mới 2023” tại thành phố Thanh Hóa; không gian văn hóa tại Công viên Hội An từ ngày từ 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 Tết; không gian văn hóa “Tết xưa, làng cổ" tại phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa; Khai mạc Hội báo Xuân từ 25 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến 13 tháng Giêng năm Quý Mão; trình diễn văn nghệ - thư pháp tại Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ vào ngày 25/1/2023 (mùng 4 Tết Nguyên đán)…

Ngoài ra, tại Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, di sản thế giới Thành nhà Hồ, di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu cũng đã tổ chức không gian tết xưa và mở cửa thường xuyên hệ thống các phòng trưng bày, di tích phục vụ nhân dân đến tham quan trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tại các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi, phục vụ Nhân dân như: Huyện Hoằng Hóa tổ chức giải vật, giải vật cù, giải đua thuyền; huyện Quảng Xương tổ chức giải đua thuyền, giải cờ người; huyện Nông Cống tổ chức giải bóng chuyền mở rộng, giải đua thuyền; huyện Thạch Thành tổ chức giải bóng chuyền, bóng đá; huyện Cẩm Thủy tổ chức giải bóng chuyền; thị xã Nghi Sơn tổ chức giải cờ tướng; thị xã Bỉm Sơn tổ chức giải bóng chuyền hơi. Tại các huyện miền núi tổ chức nhiều hoạt động lễ hội truyền thống như: Lễ hội cồng chiêng, lễ hội Pôồn Pôông; lễ hội Kin chiêng boọc mạy; lễ hội mừng cơm mới… kết hợp với các trò chơi, trò diễn dân gian phục vụ nhân dân và du khách.

Từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tổng lượt khách đạt 428.000, tăng 47,6% so với dịp Tết năm 2022. Tổng thu du lịch ước đạt 357 tỷ đồng, tăng 41,6% so với dịp Tết năm 2022. Ước tính riêng tháng 1/2023, tổng lượt khách đạt 497.000 lượt khách, tăng 130,7% so với tháng 1/2022 (trong đó khách quốc tế ước đạt 6.900 lượt khách); tổng thu du lịch 512 tỷ đồng, tăng 169,3% so với tháng 1/ 2022 (trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế là 2.620.000 USD).

Nhìn chung các khu, điểm du lịch đều chú trọng công tác đón, tiếp khách, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, một số điểm đến đã tổ chức các chương trình trải nghiệm, sản phẩm mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách như: Chuỗi hoạt động “Tết xưa làng cổ” tại làng cổ Đông Sơn, trưng bày trải nghiệm tết xưa tại Bảo tàng tỉnh, trình diễn nghệ thuật thư pháp tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa); “Gieo chữ đầu năm” tại Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc)…

Trên cơ sở những thành quả du lịch năm 2022, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới, hướng tới trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước với mục tiêu phấn đấu đón 12 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 615.000 lượt. Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến 4 mùa trong năm.

Hiện nay, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang là điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách, nhiều khu ở các huyện miền núi Thanh Hóa như Thác Mây (huyện Thạch Thành), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước), Bến En (huyện Như Thanh), suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), Bản Mạ (huyện Thường Xuân), bản Hang (huyện Quan Hóa)... thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc trưng, với 102km bờ biển, nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Tiên Trang và hệ thống núi, rừng, sông, hồ, hang động hùng vĩ, cảnh quan nên thơ.

Ngoài ra, Thanh Hóa còn là địa phương có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa dày đặc, với hơn 1.500 di tích được kiểm kê, xếp hạng, trong đó phải kể đến như di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, di tích Am Tiên… là những cơ sở quan trọng để Thanh Hóa tổ chức khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách. Đáng chú ý, tính đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch được 55 khu, điểm du lịch, trong đó có 45 quy hoạch đã được phê duyệt, 10 quy hoạch đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/du-lich-thanh-hoa-huong-toi-mot-diem-den-i682138/