Du lịch phục hồi có 'giải cứu' được bất động sản nghỉ dưỡng?

Trong thời gian qua, với các chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển ngành du lịch, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2023. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vốn dĩ đang gặp nhiều khó khăn.

Ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ

Theo thông tin từ Cục Du lịch quốc gia cho thấy, sau 9 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,9 triệu lượt khách, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022. Với việc hoàn thành sớm mục tiêu, gần đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất nâng chỉ tiêu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 lên 13 triệu lượt, tăng khoảng 156% so với kế hoạch đặt ra đầu năm.

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách hàng đầu tới Việt Nam với 2.584.840 lượt khách, tiếp theo là Trung Quốc với 1.122.572 lượt khách. Một số địa phương có doanh thu dịch vụ lữ hành 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là Đà Nẵng tăng 139,9%; Quảng Ninh tăng 98,8%; TP HCM tăng 91,3%; Hà Nội tăng 67,4%; Hải Phòng tăng 50,9%; Cần Thơ tăng 39,6%.

Lượng khách nội địa cũng đã đạt 93,5% mục tiêu đặt ra của cả năm, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ đạt và vượt mục tiêu với 102 triệu lượt khách. Song song đó, du lịch Việt cũng liên tiếp được cộng đồng quốc tế vinh danh khi lần thứ 5 trở thành “Điểm đến hàng đầu châu Á” và lần thứ 2 liên tiếp đoạt giải “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”.

Để tiếp tục thúc đẩy thị trường du lịch, các sự kiện, festival tại các tỉnh, thành du lịch đã liên tục được tổ chức từ đầu năm và sẽ kéo dài cho đến hết năm 2023. Qua đó thu hút thêm được khách du lịch quốc tế đến với các điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng…

Ngành du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua, mặc dù chưa quay trở lại được giai đoạn trước đại dịch.

Với những tín hiệu tích cực trên, nhiều nhà đầu tư cũng đã kì vọng các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phát triển trở lại. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây Savills cho thấy, quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam diễn ra không đồng đều. Công suất và giá phòng bình quân của các khách sạn tại TP HCM đang dần khôi phục về mức trước đại dịch. Trong khi đó, các thị trường nghỉ dưỡng như Nha Trang – Cam Ranh, Đà Nẵng và Phú Quốc vẫn đang gặp nhiều thách thức trong việc cải thiện công suất phòng.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, thị trường khách châu Á vẫn thấp hơn mức trước đại dịch 33%. Tình trạng dư cung tại một số điểm đến trong bối cảnh các nguồn thị trường khách quốc tế chính như Trung Quốc và Nga khôi phục chậm càng gia tăng áp lực cho quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh của ngành nghỉ dưỡng.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels nhận định: “Vấn đề không chỉ nằm ở sự phát triển quá mức tại một số điểm đến. Đúng hơn, điều này bắt nguồn từ việc tạo ra những sản phẩm chưa phù hợp với điều kiện thị trường. Sự tăng trưởng của ngành du lịch, đặc biệt là nguồn cầu quốc tế trước đại dịch đã thúc đẩy hoạt động phát triển bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và khách sạn nói riêng. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư vội vàng tham gia thị trường khi chưa có sự nghiên cứu thấu đáo trong quá trình hoạch định, dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu tại một số điểm đến...”.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục đi ngang

Tình trạng lệch cung cầu trong việc kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng đã khiến tỷ suất sinh lời tại một số dự án thấp đáng kể trong thời gian qua. Do đó cũng khiến niềm tin với thị trường này chưa được phục hồi, khiến thanh khoản vẫn chưa thể cải thiện.

Trong khi đó, nguồn cung của thị trường này vẫn liên tục gia tăng dù lượng hàng tồn kho vẫn lớn. Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trong quý III/2023, cả nước có khoảng 16 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chào bán, cung cấp ra thị trường khoảng 970 sản phẩm, tăng gấp đôi so với quý trước. Nguồn cung chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường đối với bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang ở mức thấp, dẫn đến tỷ lệ hấp thụ chỉ bằng 1/10 cùng kỳ năm 2022 khi đạt 23%, tương đương với 225 giao dịch. Với lượng hàng tồn kho, chủ yếu là các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng có mức giá cao nên khó thanh khoản, khiến thị trường vẫn đi ngang, không có nhiều biến động trong thời gian qua.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư.

VARS cũng dự đoán trong thời gian tới, giao dịch sẽ được cải thiện nhưng số lượng không nhiều và có sự phân hóa giữa các dòng sản phẩm. Giao dịch condotel dự kiến sẽ có mức tăng cao nhất do nguồn cung sơ cấp của phân khúc này đã trở lại sau thời gian dài vắng bóng trên thị trường.

Nói về các giải pháp cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, trong ngắn hạn, cần đẩy nhanh và rút ngắn độ trễ của những quy định về bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư thứ cấp khi tham gia vào đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng để tạo sự an tâm cho nhà đầu tư. Còn trong dài hạn, các vấn đề pháp lý bất động sản nghỉ dưỡng quy định tại các bộ luật cần thống nhất và sớm ban hành.

"Thị trường sẽ được khơi thông khi pháp lý được thông, được đồng bộ, rõ ràng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia. Nhất là đối với bất động sản nghỉ dưỡng, lượng vốn mà các chủ đầu tư, nhà đầu tư bỏ ra khi tham gia thị trường này thường lớn hơn các thị trường khác", chuyên gia này cho biết.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-lich-phuc-hoi-co-giai-cuu-duoc-bat-dong-san-nghi-duong-post271325.html