Du lịch Ninh Bình: Bứt phá thành công

Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Dấu mốc lịch sử này đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình, góp phần tạo động lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và trung tâm du lịch của cả nước.

Bến thuyền Tràng An. Ảnh: Nguyễn Minh

Xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư là một trong những địa phương đã sớm khai thác tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trước đây, việc phát triển du lịch còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến có giai đoạn các khu, điểm du lịch trên địa bàn xã xuống cấp, bởi các hình ảnh kém văn hóa như chèo kéo khách, tăng giá bán, xin tiền bo… Những năm gần đây, nhất là từ năm 2014 khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, hoạt động du lịch trên địa bàn xã ngày càng phát triển và có những chuyển biến rõ rệt.

Ông Đinh Anh Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: Là địa phương sở hữu một phần di sản, xã xác định đây vừa là niềm tự hào, vinh dự, vừa là tiềm năng, động lực để phát triển kinh tế của xã. Bên cạnh các chính sách của tỉnh, của huyện về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, địa phương cũng xây dựng các kế hoạch, chương trình phù hợp. Nhờ thế diện mạo nông thôn Ninh Hải có nhiều đổi thay, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng lao động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt là văn minh du lịch của người dân được nâng lên rất nhiều. Các hình ảnh phản cảm như: chèo kéo, xin tiền bo, ăn xin ở các điểm du lịch hầu như không còn, người dân có ý thức giữ gìn và bảo vệ di sản.

Theo thống kê của UBND xã Ninh Hải, hiện có gần 90% lao động của xã làm các ngành nghề, dịch vụ liên quan đến du lịch. Xã có trên 150 cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ khách du lịch; 200 hộ buôn bán, kinh doanh. Đặc biệt, có gần 1.000 lao động tham gia chèo đò, hướng dẫn khách du lịch tham quan các tour, tuyến tại các điểm du lịch trên địa bàn xã. Giá trị từ hoạt động du lịch hiện chiếm 90% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã. Nhờ phát triển du lịch, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành CN-TTCN, dịch vụ du lịch và xây dựng chiếm 85%, nông nghiệp chỉ còn 15%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của xã ước đạt 75 triệu đồng/người.

Di sản Tràng An ngày càng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn. Ảnh: Nguyễn Minh

Trong 10 năm qua, Quần thể danh thắng Tràng An đã tạo động lực quan trọng và điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch ở các địa phương phát triển, đưa bức tranh du lịch của tỉnh ngày càng khởi sắc. Sự phát triển của ngành Du lịch Ninh Bình mà trọng tâm là tại các khu, điểm du lịch trong Quần thể danh thắng Tràng An đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, nhất là khu vực nông thôn.

Đánh thức di sản để phát triển du lịch, Ninh Bình đã có được những bước tiến ngoạn mục, ấn tượng. Thời điểm lập hồ sơ đề cử danh hiệu di sản vào năm 2012, Tràng An chỉ có trên 1 triệu lượt khách. Đến năm 2019, sau 5 năm được UNESCO ghi danh, Tràng An đã thu hút được hơn 7,65 triệu lượt. Lượng khách giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng bình quân đạt hơn 12%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt mức tăng trưởng 24,17%/năm, năm 2019 đạt 3.671 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với năm 2010.

Trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng Ninh Bình vẫn tiếp tục được nhiều chuyên trang du lịch uy tín thế giới như TripAdvisor, Telegraph, Business Insider... đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Năm 2022, du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên khắp cả nước. Toàn tỉnh đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ước đạt 3,45 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2023, Tràng An đón hơn 4,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng. Nhiều năm liền, Ninh Bình giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước.

Như vậy, qua 10 năm được công nhận là Di sản thế giới, các chỉ tiêu về lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành Du lịch... ngày càng tăng. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại di sản Tràng An năm 2022, Tổng Giám đốc UNESCO đã nhận xét: "Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững". Đặc biệt, nhiều danh hiệu cao quý đã xướng tên "Ninh Bình" trên các chuyên trang du lịch uy tín quốc tế thêm một lần nữa ghi nhận về những nỗ lực của cộng đồng và cấp ủy, chính quyền địa phương trong hành trình đưa bức tranh du lịch Cố đô ngày một khởi sắc, tươi sáng hơn.

Có thể nói, "bức tranh" du lịch Ninh Bình 10 năm qua đã được tô điểm bởi những gam màu sôi động, nhiều màu sắc. Mà ở đó, Di sản Tràng An chính là trung tâm, động lực cho những khởi sắc ấy. Di sản không chỉ được bảo tồn, bảo vệ nguyên vẹn mà còn gia tăng giá trị đúng theo tinh thần Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới của UNESCO. Đây cũng chính là nền tảng để Ninh Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đưa ngành Du lịch ngày càng phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và trung tâm du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế trong tương lai.

Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/du-lich-ninh-binh-but-pha-thanh-cong/d20240417091516635.htm