Du lịch là động lực giảm nghèo ở nơi 'Suối có vàng'

Sau khoảng 15 năm đẩy mạnh làm du lịch, đến nay bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đã là điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa, nhất là khi được công nhận là bản Du lịch cộng đồng ASEAN. Đặc biệt, cuộc sống của người dân dường như đã bước sang một trang mới, đói nghèo đã lùi lại phía sau.

Sin Suối Hồ (theo tiếng Mông là Suối có vàng) là một bản đông đồng bào Mông, ngoài ra còn có người Dao sinh sống. Trước đây, người dân chỉ sống trong những ngôi nhà sàn rách nát, cũ kỹ; các con đường chỉ là đường mòn, đèn điện cũng hoàn toàn không có.

Con đường làm du lịch

Chính vì vậy mà Sin Suối Hồ từng được mệnh danh là bản nghèo nhất huyện Phong Thổ, thậm chí nghèo nhất tỉnh Lai Châu. Do địa hình biệt lập với bên ngoài nên người dân Sin Suối Hồ luôn sống trong 5 không: không có nước sạch, không đường giao thông, không trạm y tế, không trường học, không có điện. Số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người dân ở Sin Suối Hồ cũng triền miên rơi vào cảnh thiếu ăn do chỉ làm lúa nương một vụ. Dù có trồng thêm ngô nhưng do làm theo kinh nghiệm nên thường xuyên mất mùa, không đủ ăn.

Tuy nhiên, một điểm thuận lợi đó chính là Sin Suối Hồ có khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Bản nằm ngang lưng của đỉnh Sơn Bạc Mây (quanh năm mây trắng tụ). Nếu loại bỏ được những hủ tục lạc hậu, người Mông lại có đời sống văn hóa rất phong phú như các lễ hội, nghề dệt thổ cẩm, các trò chơi dân gian…, sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch.

Nhận thấy những mặt mạnh và yếu của bản, khi Nhà nước có chương trình giảm nghèo, huyện Phong Thổ đã lựa chọn Sin Suối Hồ làm điểm giảm nghèo. Người dân được hưởng các chính sách hỗ trợ về vay vốn ưu đãi, y tế, giáo dục, sản xuất. Bên cạnh đó, từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã được định hướng phát triển du lịch cộng đồng, trồng địa lan, trồng cây ăn quả...

Trước khi làm được điều này, chính quyền địa phương đã phải mất 10 năm (1995-2005) hỗ trợ người dân cai nghiện, xóa bỏ cây thuốc phiện, thay đổi suy nghĩ, lối sống, tập trung vào sản xuất. 5 năm tiếp theo, khi nhận được hỗ trợ của Nhà nước trong chương trình giảm nghèo bền vững, Sin Suối Hồ đã được hỗ trợ đầu tư làm đường giao thông, trường học, người dân được hỗ trợ làm nhà vệ sinh đạt chuẩn, xây dựng các gian hàng để trao đổi nông sản, bán cho khách du lịch, được hỗ trợ làm homestay. Người dân cũng được hướng dẫn quy hoạch lại chuồng trại để phục vụ nuôi nhốt, không thả rông để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Nhờ đó, Sin Suối Hồ đã không còn biệt lập với bên ngoài. Khách du lịch đến với bản ngày càng đông. Đến năm 2015, Sin Suối Hồ đã được tỉnh Lai Châu công nhận là Khu du lịch cộng đồng.

Thay da đổi thịt

Khi được công nhận là Khu du lịch cộng đồng, người dân Sin Suối Hồ vẫn gặp nhiều khó khăn trong làm du lịch, nâng cao giá trị kinh tế. Nhất là trong Chương trình xây dựng nông thôn mới có các yêu cầu phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho người dân… Để làm được điều này, người dân Sin Suối Hồ đã cùng liên kết, hình thành HTX trái tim Sin Suối Hồ nhằm phát triển du lịch, mở ra hướng đi mới cho người dân.

HTX xây dựng khu nghỉ dưỡng gồm 4 nhà nghỉ, một bếp ăn tập thể, phòng lễ tân. Quanh khuôn viên có trồng cây xanh với hệ thống trò chơi dân gian của người Mông như xích đu, guồng quay phục vụ khách du lịch.

HTX đã cùng địa phương lên kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực về lái ô tô, hướng dẫn viên, học nấu món ăn Á- Âu, học lễ tân, dọn phòng, học pha chế, học Tiếng Anh, học văn hóa nghệ thuật,…ở các trường trung cấp. Sau khi được đào tạo và thực tập ở các địa chỉ uy tín, những người này sẽ quay trở lại bản để cùng HTX phát triển du lịch.

HTX Sin Suối Hồ cũng cùng người dân lên kế hoạch phát triển các loại nông sản như gà, măng, rau, dược liệu, cây ăn quả… để phục vụ khách du lịch, tạo sản phẩm hàng hóa đa dạng trong năm.

Nhờ có HTX làm điểm tựa mà du lịch Sin Suối Hồ ngày càng phát triển. Ông Hoàng Văn Đại, Phó Bí thư thường trực xã Sin Suối Hồ, cho biết năm 2020, bản Sin Suối Hồ vinh dự được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”. Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia, điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ cũng vinh dự được nhận giải Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3.

Người dân Sin Suối Hồ đã và đang tận dụng những thế mạnh địa phương cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển du lịch cộng đồng.

Theo ông Hoàng Văn Đại, để xây dựng thành công điểm du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến với Sin Suối Hồ là quãng thời gian dài, khoảng 15 năm. Địa phương đã phải phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp để làm du lịch, đánh thức Sin Suối Hồ từ "cô gái ngủ quên trong rừng" trở thành một "điểm du lịch trên mây" hấp dẫn .

Sin Suối Hồ có 145 hộ, hơn 600 khẩu. Không phải 100% người dân đều sống từ du lịch nhưng nói đến hưởng lợi từ du lịch thì 100% người dân đều được hưởng lợi. Vì ngoài những người làm các dịch vụ liên quan trực tiếp đến du lịch, thì còn có những người chuyên dệt vải, trồng lan, cung cấp nông sản sạch, đồ lưu niệm… cũng được hưởng lợi từ du lịch.

Đến nay, cuộc sống của các hộ dân ở Sin Suối Hồ khá sung túc. Các ngôi nhà khang trang, rộng rãi được đầu tư. Anh Và A Chứ, (dân tộc Mông, sinh năm 1974 ở bản Sin Suối Hồ) hiện có 1 vợ và 5 con nhưng cuộc sống gia đình lại thuộc vào hệ khá giả ở Sin Suối Hồ nhờ phát triển homestay, làm du lịch.

Theo anh Chứ, điểm thuận lợi khi tham gia làm du lịch cộng đồng đó là chính quyền địa phương rất tạo điều kiện cho anh và bà con làm du lịch. Xưa, gia đình anh và mọi người chỉ đi làm nương, ruộng rất bấp bênh nhưng giờ nhiều người đã có nhà nghỉ, nhà hàng, trồng rau, làm thổ cẩm bán cho khách. “Cảm ơn chính quyền, đồn biên phòng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho bà con làm du lịch”, anh Chứ chia sẻ.

Đặc biệt, khi chưa làm du lịch, gia đình anh Chứ rơi vào cảnh nghèo đói, thiếu ăn triền miên, nhưng nay làm nhà nghỉ, nhà hàng thì việc kiếm được đồng tiền đối với gia đình anh cũng thuận lợi hơn.

Phát triển xứng tầm

Thống kê của UBND xã Sin Suối Hồ cho thấy, trung bình mỗi năm, bản đón khoảng hơn 15.000 lượt du khách quốc tế và khách nội địa. Thu nhập từ làm du lịch của người dân trung bình khoảng 400-500 triệu đồng/năm. Mô hình du lịch tại Sin Suối Hồ thậm chí còn là mô hình kiểu mẫu, được nhiều địa phương đến học tập.

Tỷ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn dưới 10 hộ, tỷ lệ hộ giàu chiếm 40%. Cuộc sống người dân Sin Suối Hồ so với trước kia thay đổi rõ rệt. Bây giờ, người dân có cơm ăn, áo mặc đầy đủ.

Tuy nhiên, theo anh Vàng A Chứ và ông Hoàng Văn Đại, dù đạt được những kết quả tích cực nhưng trong quá trình làm du lịch, phát triển kinh tế, người dân ở Sin Suối Hồ vẫn gặp khó khăn về vốn. Đường giao thông từ Lai Châu đến Sin Suối Hồ tuy đã được đầu tư nhưng hiện mới hoàn thành 70%.

“Hiện trên địa bàn đang xây dựng tuyến đường vành đai biên giới và sắp hoàn thiện, xã Sin Suối Hồ cũng đang có hướng mở rộng các điểm du lịch cộng đồng, kết nối với các tổ chức tour leo núi Bạch Mộc Lương Tử, kết nối với Sa Pa… để xây dựng thành tour hấp dẫn cả khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài”, ông Hoàng Văn Đại nói.

Để làm được điều này, theo ông Đại, xã xác định từ 2021-2025 sẽ phấn đấu đưa bản du lịch Sin Suối Hồ thành sản phẩm OCOP 4 sao. Đưa nội dung bảo tồn, phát triển văn hóa vào các trường học. Đi cùng với đó, xã xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm sạch để mở rộng đầu ra cho nông sản địa phương và đưa tốc độ khách du lịch tăng 15%/năm.

Còn từ 2025-2030, Sin Suối Hồ hướng đến mục tiêu phát triển theo lộ trình của huyện và của tỉnh, trong đó tiếp tục theo định hướng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xác định phát triển du lịch cộng đồng là thế mạnh của địa phương.

Tuy nhiên, để làm được điều này, xã rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà đầu tư kết nối với địa phương để chung tay cùng Sin Suối Hồ phát triển du lịch giữa truyền thống và hiện đại nhằm giúp đưa Sin Suối Hồ đến được với nhiều người, đưa điểm du lịch Sin Suối Hồ phát triển xứng tầm với tiềm năng địa phương.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/du-lich-la-dong-luc-giam-ngheo-o-noi-suoi-co-vang-1094304.html