Du lịch kinh tế đêm Hà Nội vẫn mang tính tự phát

Du lịch dịch vụ đêm đã có tại Hà Nội hơn 20 năm nay với sự hình thành phố đi bộ cuối tuần Hàng Ngang - Hàng Đào (Hoàn Kiếm). Nay phố đi bộ phố cổ đã mở rộng nhưng vẫn manh mún, tự phát. Do đó, muốn phát triển du lịch kinh tế đêm Hà Nội, cơ quan quản lý cần chính sách, quy hoạch phù hợp để doanh nghiệp có căn cứ pháp lý khai thác và thu hút du khách.

Vẫn mang tính tự phát

Tối cuối tuần, chị Nguyễn Thu Giang (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) mới lên phố đi bộ nhân có hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP quanh hồ Hoàn Kiếm và tranh thủ đi chơi phố đi bộ, chợ đêm dọc phố Hàng Đào. “So với chục năm về trước thì tôi thấy vẫn vậy, hàng hóa dọc phố đi bộ tuyến Hàng Đào chủ yếu là hàng quần áo, tiêu dùng của Trung Quốc. Một số tuyến phố đi bộ mở rộng hơn nhưng sản phẩm bày bán không đặc sắc”, chị Giang nhận xét.

Sản phẩm bày bán chợ đêm phố cổ dọc tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội)/ Ảnh Lê Phú

Từ góc độ của doanh nghiệp lữ hành, bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch quốc tế Kim Liên cho biết: Đơn vị đón khách Trung Quốc khá lớn với chương trình tham quan ban ngày chủ yếu là di tích lịch sử, bảo tàng. Ban đêm, du khách muốn đi chơi, tham quan nhưng chương trình phố đi bộ phố cổ nghèo nàn. Phố đi bộ trong phố cổ dịp cuối tuần có từ hơn 20 năm nhưng thực sự không ấn tượng với khách Trung Quốc. Trong khi đó, các show diễn tại các nhà hát cũng chưa nhiều. Trong khi đó, sang du lịch Trung Quốc, các show diễn vào buổi tối giá vé không hề rẻ.

Còn bà Nguyễn Thị Ngần, Giám đốc Hanoitourism, đơn vị chuyên khách Hàn Quốc cho rằng, du lịch đêm được khách Hàn Quốc quan tâm nhưng phải over night (xuyên đêm), phải có các khu vực riêng các nhà hàng, vui chơi, ăn uống riêng.

Đồng quan điểm, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong cho rằng: Nếu Hà Nội muốn phát triển du lịch kinh tế đêm thì có quy định cho hoạt động dịch vụ đến tối thiểu 2 giờ sáng. Trên thực tế, hoạt động du lịch đêm ở Hà Nội đã diễn ra từ lâu nhưng chưa quy củ, bài bản. Do đó, Hà Nội cần quy hoạch lại bàn bản vì các nhà hàng ăn uống mua sắm đều tự phát, chưa có quy hoạch theo từng khu. Do đó, Hà Nội nên quy hoạch các điểm, tuyến đón xe để trung chuyển từ khu vực ngoại thành vào nội đô.

Nghiên cứu tạo sản phẩm đa đạng

TP Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, thời gian qua nỗ lực xóa tình trạng “cơm tối, rối nước” bằng việc tổ chức hoạt động kinh tế du lịch đêm. Hà Nội đã tổ chức các không gian đi bộ, chợ đêm vào các tối cuối tuần; cho phép một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ mở cửa đến 2 giờ sáng... Một số doanh nghiệp kết hợp với điểm đến tổ chức một số tour du lịch đêm tại di tích Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội...

Du khách tham gia trải nghiệm tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long". Ảnh: XC

Với tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, khách du lịch được thưởng thức các điệu múa cung đình, được “thị vệ” và “cung nữ” do các bạn trẻ nhập vai hướng dẫn khám phá Hoàng thành Thăng Long. Du khách có những trải nghiệm mới mẻ khi tham quan các hiện vật, hố khai quật vào ban đêm với sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng, được tham gia hoạt động “giải mã” các câu đố về Hoàng thành Thăng Long… Hoạt động vào tối thứ 6 và 7 hàng tuần, tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” thu hút trung bình khoảng 130 khách/tối.

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, phát triển kinh tế du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội.

“Việc TP Hà Nội tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn không chỉ mở ra hướng phát triển nền kinh tế ban đêm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện”, bà Giang khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, hoạt động du lịch trong kinh tế đêm cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực và cần sự tham gia của người dân. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi cơ quan quản lý có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm, qua đó doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực đêm, du lịch mua sắm.

“Tại Hà Nội, khu vực có thể tập trung cho kinh tế đêm là phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm. Tại đây, có thể xây dựng một số tour trải nghiệm về đêm đặc thù kết hợp với tour ẩm thực”, ông Thắng gợi ý.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, vấn đề quy hoạch cần được coi là một trong những điều kiện tiên quyết cùng đồng bộ với chính sách cho loại hình kinh tế này. Giải pháp quy hoạch ở đây, chính là xây dựng một mô hình kinh tế mới cho khu vực, đánh giá được tiềm năng của kinh tế du lịch đêm và xác định được nguồn lực đầu tư một cách bài bản nhất, hiệu quả nhất nhưng vẫn hài hòa với các loại hình kinh tế khác, giảm thiểu mọi tác động tới người dân trong khu vực.

Sở Du lịch Hà Nội đang xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội. Theo đó, Sở Du lịch dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm du lịch đêm Hà Nội với tên gọi “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”, tổ chức cuộc thi review online “Đêm Hà Nội chào đón bạn”.

Như vậy khi cơ quan quản lý xây dựng quy hoạch cụ thể việc phát triển kinh tế du lịch đêm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tốt tiềm năng kinh tế đêm qua đó thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.

Xuân Cường/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/du-lich-kinh-te-dem-ha-noi-van-mang-tinh-tu-phat-20230913173040862.htm