Du lịch dưới tán rừng

Những tán rừng phòng hộ (RPH) xanh ngát trải dọc theo tuyến ven biển Bạc Liêu, những khu rừng đặc dụng (RĐD) ẩn mình trong các vườn chim có hệ thực vật, động vật rất đa dạng và độc đáo. Đây cũng là những địa điểm lý tưởng để hình thành các điểm du lịch, dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn dưới tán rừng.

Để khai thác hiệu quả giá trị của tài nguyên này, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong RĐD, RPH ven biển vừa được tỉnh ban hành với mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo vệ “lá phổi xanh” theo hướng bền vững.

Tài nguyên đa dạng

Trải dài theo 56km đường bờ biển, RPH ven Biển Đông Bạc Liêu bắt đầu từ xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Rừng có vai trò hết sức quan trọng trong việc chắn sóng, giữ đất, ngăn chặn sự xâm mặn, bảo vệ các công trình ven biển. Trong khi đó, RĐD gồm 2 khu vực là: Vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu), Vườn chim Canh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải). Riêng Vườn chim Bạc Liêu từ lâu đã là điểm du lịch sinh thái quen thuộc với người dân địa phương và du khách bởi mang đậm nét thiên nhiên hoang dã, có cảnh quan đẹp, không gian xanh mát hữu tình và là ngôi nhà của rất nhiều loài chim, cò quý hiếm.

Những năm gần đây, khai thác du lịch RĐD, RPH đang là xu hướng phát triển sản phẩm du lịch nhằm tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên sẵn có ở địa phương. Bạc Liêu cũng đã “bắt trend” này để tạo ra những điểm đến mới, góp phần làm đa dạng sắc màu sản phẩm của tỉnh. Một số điểm tham quan đang thu hút nhiều du khách tìm đến như: Vườn chim Bạc Liêu, Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1, Nông trại Tôm Khỏe, Hương Rừng... Đến với du lịch rừng, du khách cảm thấy ngỡ ngàng, mê đắm trước vẻ đẹp của những cánh rừng còn giữ được nét hoang sơ. Một số mô hình du lịch sinh thái dù mới phát triển nhưng đã tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế của cư dân địa phương, góp phần thay đổi nhận thức về vai trò của du lịch.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch sinh thái rừng trong thời gian qua chủ yếu là hình thức tự phát, đầu tư thiếu bài bản nên chưa thật sự hấp dẫn du khách. Từ những lợi ích và thực tế phát triển du lịch cho thấy, cần có cơ sở pháp lý đầy đủ để định hướng phát triển du lịch RĐD, RPH.

Du khách trải nghiệm thu hoạch tôm cua tại điểm tham quan du lịch rừng phòng hộ của huyện Hòa Bình.

Đưa du lịch rừng trở thành sản phẩm "đinh"

Nhận thấy vai trò quan trọng của phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong RĐD, RPH ven biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Đề án được triển khai trên diện tích hơn 4.500ha đất RĐD, RPH ven Biển Đông của tỉnh.

Nhiều loại hình du lịch dưới tán rừng sẽ được bắt tay xây dựng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách yêu thích thiên nhiên. Với sản phẩm du lịch sinh thái, các đơn vị liên quan tập trung khai thác giá trị tự nhiên về cảnh quan và đa dạng sinh học của RĐD, RPH để tạo ra sản phẩm đi bộ khám phá hệ sinh thái rừng gắn với giáo dục về bảo vệ môi trường; khám phá sự độc đáo của các loài chim.

Hay nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, nông nghiệp... sẽ do chính của các hộ nhận khoán RPH góp sức xây dựng. Tại đây, du khách cùng với người dân tham gia các hoạt động đánh bắt thủy hải sản, thu hoạch nông sản, chế biến ẩm thực và nghỉ qua đêm tại các homestay trong rừng.

Đề án cũng định hình 4 tuyến du lịch liên vùng để chào hàng đến du khách. Đó là tuyến liên vùng nội ô thành phố, tuyến ven biển TP. Bạc Liêu có thời gian 1 ngày, 1 đêm; tuyến ven biển huyện Hòa Bình, tuyến ven biển huyện Đông Hải với hành trình 2 ngày, 1 đêm.

Ông Trần Bình Lộc - Giám đốc Ban Quản lý RĐD - RPH ven biển tỉnh, cho biết: “Sau khi Đề án được phê duyệt, Ban Quản lý sẽ công bố địa điểm, vị trí, quy trình cho thuê môi trường rừng, trong đó ưu tiên cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, nhà đầu tư có trách nhiệm với thiên nhiên. Đồng thời, phối hợp với Sở VH-TT&DL kết nối tua, tuyến, quảng bá hình ảnh trên không gian số. Đặc biệt, khuyến khích khôi phục, giữ gìn và phát huy các hoạt động văn hóa của địa phương như: Lễ hội, các loại hình nghệ thuật truyền thống, hoạt động canh tác... của người dân bản địa”.

Kỳ vọng rằng, Đề án sẽ là cơ sở pháp lý, định hướng để mở đường cho sự phát triển của du lịch RĐD, RPH Bạc Liêu trong thời gian tới. Khi đó, du lịch rừng sẽ mang về nguồn thu khá cho tỉnh Bạc Liêu người dân địa phương và góp phần phát triển bền vững RĐD, RPH và du lịch của tỉnh.

TK

(Theo baobaclieu.vn)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhin-ra-tinh-ban/du-lich-duoi-tan-rung/201867.htm