Du lịch châu Âu thời suy thoái

SGTT - Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đã tác động như thế nào đến nền du lịch của Pháp và Tây Ban Nha, hai nước cùng với Mỹ đứng đầu thế giới trong khu vực kinh tế này từ nhiều năm nay?

Tây Ban Nha: tăng chất lượng thay vì hạ giá Công thức biển và nắng ở Tây Ban Nha nay được bổ sung thêm dịch vụ y tế, nghỉ dưỡng. Ảnh: TL Là điểm đến rất được du khách Anh cũng như Đức ưa chuộng, Costa del Sol (Duyên hải Mặt trời) đang bị sự suy thoái kinh tế ở châu Âu đánh thẳng vào. Ông José Carlos Escribano, chủ tịch hội Chủ khách sạn ở Costa del Sol (AEHCOS) giải thích: “Chúng tôi nghĩ số du khách sẽ giảm 10% vào hè này, nhưng số du khách Anh và Đức sẽ giảm đến 20%”. Từ đầu năm nay, Tây Ban Nha đã mất 11,8% du khách nước ngoài. Hoạt động ở các sân bay quốc tế giảm 7% và số tiền bình quân mà mỗi du khách chi tiêu giảm 8%. Sự thụt lùi đó chủ yếu là do ba nước trước đây cung cấp cho Tây Ban Nha đến 62% du khách: Anh, Đức và Pháp. Do giảm 2,5 triệu khách từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, ngành du lịch Tây Ban Nha phải giảm một nửa số người thuê làm vào mùa hè. Sau nhà đất, phải chăng cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ xói mòn cột trụ khác của kinh tế Tây Ban Nha? Với 370.000 xí nghiệp, khu vực du lịch sử dụng 1,5 triệu người làm và đóng góp 10,7% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP). Mười lăm ngày đầu của tháng 7 này cho thấy là khách hàng nội địa bù trừ một phần cho hiện tượng du khách nước ngoài ít sang Tây Ban Nha. Trong thời buổi khủng hoảng, du khách đi xa ít hơn, lưu trú ngắn ngày hơn và quan tâm đến việc giảm chi tiêu. Ông Escribano nhận xét: “Chưa bao giờ số người giữ chỗ vào giờ chót lên đến mức như thế này. Các khách hàng của chúng tôi chờ đợi các giá rẻ, nên các chủ khách sạn thường không biết được số khách sớm hơn hai tuần”. Phải chăng đây chỉ là một tình huống đặc biệt, hay là những tín hiệu đầu tiên của sự lỗi thời của mô hình du lịch Tây Ban Nha hiện đang bị các điểm đến cũng nhiều nắng nhưng lại rẻ hơn đáng kể cạnh tranh. Tây Ban Nha vừa bị Mỹ giành mất vị trí thứ nhì (sau Pháp) trong số các nước được thăm viếng nhiều nhất trên thế giới theo bảng sắp hạng hàng năm của diễn đàn Kinh tế thế giới (WEC) về các nước du lịch có sức cạnh tranh mạnh nhất. Ở Costa del Sol, miền duyên hải bị bêtông hóa nhiều nhất châu Âu, người ta chưa đặt lại toàn bộ vấn đề, nhưng đã nghĩ đến việc đa dạng hóa. Ông Escribano nhấn mạnh: “Quan niệm sol y playa (mặt trời và bãi biển) là không thể thay đổi. Nhưng phải bổ sung nó bằng các dịch vụ văn hóa, thể thao và y tế”. Từ chủ khách sạn đến chủ tiệm ăn trên bãi biển, mọi người đều tuân theo cùng một khẩu hiệu để chống lại sự cạnh tranh của nhiều nước khác: không “đại hạ giá”, nhưng tăng thêm đòi hỏi về chất lượng. Và ông Escribano xem sự kiện “hơn một nửa số khách sạn ở Costa del Sol đạt tiêu chuẩn bốn sao hay hơn nữa” như là “bằng chứng của một sự nhảy vọt về chất lượng”. Thế nhưng cũng theo ông, chính những khách sạn năm sao, đặc biệt ở Marbella, gặp khó khăn nhiều nhất từ một năm nay. Ông Escribano chờ đợi sự trở lại của các khách quen: “Trong các cuộc khủng hoảng trước, khu vực du lịch luôn phản ứng sớm nhất. Vì Đức và Anh có lẽ sẽ thoát khỏi khủng hoảng trước các nước khác, điều đó sẽ có lợi cho Costa del Sol”. Pháp: gia tăng thuê qua internet Cũng giống như Costa del Sol, ở Pháp khủng hoảng không tác động đến việc thuê nhà vào các dịp nghỉ, từ biệt thự đến phòng ngủ do các tư gia cho mướn (gîte). Theo một nghiên cứu của phòng tư vấn Protourisme, 17% những người tuyên bố sẽ đi nghỉ vào hè này sẽ thuê nhà, tức ít hơn một chút so với cắm trại (19%) và nhất là so với việc ở nhờ nhà bà con hay bạn bè (36%). Như vậy, số người ở khách sạn chiếm khoảng 28%. Theo bà Petra Friedmann, chủ tịch của Home Away châu Âu, đứng đầu thế giới trong việc làm trung gian về thuê nhà vào các dịp nghỉ, internet đáp ứng rất tốt cho các mối quan tâm hiện nay là tìm giá rẻ nhất và ý muốn tập hợp gia đình và các bạn thân. Protourisme cũng có nhận xét tương tự: 17% những người đi nghỉ sống cùng người thân, tức tăng 4% so với 2008. Việc thuê nhà bình quân rẻ hơn ở khách sạn 35%. Cũng như ở Costa del Sol, việc giữ chỗ ngày càng trễ (số người lo trước sáu tháng chỉ chiếm 18% so với 24% vào năm 2008), số ngày thuê ít đi và du khách nước ngoài, đặc biệt là Anh, giảm nhẹ. Internet đã trở thành công cụ hiệu quả nhất để tiếp xúc với người cho thuê nhà, nên được 77% người thuê dùng. Họ tìm thấy trên mạng rất nhiều thông tin với các miêu tả chi tiết, hình ảnh, bản đồ, giá cả,… và ngay cả những ý kiến của các khách hàng cũ. Internet cho phép người thuê chờ các đợt khuyến mãi ngày càng nhiều và càng đáp ứng các ngân sách eo hẹp. Nhưng nó cũng là công cụ rất tiện lợi cho các chủ sở hữu muốn cho thuê nhà phụ và phòng nghỉ ngày càng đông để có thêm thu nhập. Do đó, trên trang web Abritel của Pháp chuyên làm trung gian về thuê nhà, số rao vặt đã tăng từ 47.000 lên 57.000 từ một năm nay. Theo công ty Mỹ Home Away, trong số 16 triệu “nhà phụ” trên thế giới, có 4 triệu sẵn sàng cho thuê, mà 3 triệu là của Tây Ban Nha, Ý và Pháp. Home Away hiện đưa lên mạng 400.000 rao vặt về nhà và phòng cho thuê. Năm 2008, doanh thu của nó lên đến 100 triệu USD, tăng 30% ngay trong khủng hoảng. Nhưng các trang web còn phải làm yên lòng khách hàng bằng cách phát hiện sớm các vụ lừa đảo, như vừa qua khoảng 100 người Pháp và 150 người Anh đã thuê biệt thự ma ở Tây Ban Nha qua internet, bị mất đến khoảng một triệu euro cả thảy. Bà Laurence Berstel, thuộc Abritel, trấn an: “Tỷ số gian lận là rất thấp, chưa đến 0,01%. Chúng tôi đề nghị một bảo hiểm miễn phí, nhưng với điều kiện là phải đăng ký, bồi thường đến 3.200 euro cho các khách hàng bị gian lận”. Nguyên Thanh (Paris)

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail30.aspx?columnid=30&fld=htmg/2009/0726/54706&newsid=54706