Đủ kiểu gian lận và trốn lậu thuế

Chỉ sau gần 1 năm mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát với hàng tiêu dùng các tuyến trọng điểm, Hải quan TP HCM đã phát hiện 967 trường hợp vi phạm về buôn lậu; gian lận thương mại. Song tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua các cảng biển ở TP HCM vẫn khá nóng, nhất là trong thời điểm kinh doanh khó khăn hiện nay.

Cạo sửa giấy phép chuyên ngành

Do có nhiều nghi vấn, nên ngày 13/5 vừa qua Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã thực hiện khám xét toàn bộ 4 container hàng hóa nhập khẩu của Công ty Cổ phần (CP) Máy lọc thận Việt Nam, trị giá hơn 240.000 USD. Toàn bộ hàng hóa nhập khẩu đúng theo khai báo của doanh nghiệp.

Nhưng trên giấy phép nhập khẩu số 2157/BYT-TB-CT của Bộ Y tế cấp cho Công ty CP Máy lọc thận Việt Nam ngày 16/4/2014 bị cạo sửa phần ngày, tháng và sửa thành ngày 25/11/2014 để kéo dài thời hạn giấy phép hơn 6 tháng. Giải trình về vụ việc này, Công ty CP Máy lọc thận Việt Nam cho rằng, lô hàng trên công ty nhập ủy thác cho Công ty TNHH Dược phẩm Vy Gia (Công ty Vy Gia).

Để làm thủ tục nhập khẩu lô hàng, Công ty CP Máy lọc thận Việt Nam đã cung cấp Giấy phép nhập khẩu trên cho Công ty Vy Gia và thực hiện khai báo hải quan theo đúng quy định pháp luật. Còn việc cạo sửa giấy phép nhập khẩu nhằm thông quan lô hàng trên nằm ngoài kiểm soát của Công ty CP Máy lọc thận Việt Nam.

Tuy nhiên, theo giám đốc Công ty Vy Gia, sau khi ký hợp đồng ủy thác nhập khẩu lô hàng thiết bị y tế này, Công ty Vy Gia đã thuê một doanh nghiệp chuyên khai thác thực hiện nên không biết ai đã cạo sửa phần ngày, tháng trên giấy phép.

Song liên quan đến Công ty Vy Gia, ngày 8/5/2014 - tức cùng ngày mở tờ khai đối với lô hàng thiết bị y tế trên, Công ty Vy Gia cũng đã kịp mở tờ khai hải quan để nhập khẩu với một lô hàng thiết bị y tế khác gồm 7 mặt hàng, thế nhưng trong đó cũng chỉ có 4 mặt hàng có giấy phép nhập khẩu; 3 mặt hàng còn lại không có giấy phép nên doanh nghiệp cũng lại cố tình khai báo sai tên hàng để né giấy phép.

Để xử lý, ngày 2/6, Đội 3 đã tiến hành trưng cầu giám định với lô hàng thiết bị y tế nhập khẩu do nghi vấn cạo sửa giấy phép này và tạm giữ toàn bộ 5 container thiết bị y tế trên để tiếp tục mở rộng điều tra.

Đầu tháng 6 này, lực lượng chống buôn lậu của Đội 3 lại tiếp tục phát hiện 6 tờ khai hải quan nhập khẩu thực phẩm bổ sung là sữa Ensure của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Hà Thành (Công ty Hà Thành); trị giá hàng hóa 2,5 tỉ đồng đã bị cạo sửa, làm giả Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.

Cụ thể, Chi nhánh Công ty Hà Thành được Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đối với thực phẩm bổ sung là sữa Ensure từ ngày 25/3/2010 và có hiệu lực sử dụng 3 năm kể từ ngày cấp. Tuy giấy phép đã hết hạn, nhưng để nhập khẩu thực phẩm bổ sung là sữa Ensure theo 6 tờ khai nêu trên, Chi nhánh Công ty Hà Thành đã cạo sửa, làm giả nhằm kéo dài thời hạn giấy phép, hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng nhập khẩu.

Giải thích về lý do hải quan không phát hiện được tình trạng cạo sửa, giả mạo giấy phép khi nhập khẩu, một cán bộ hải quan của Đội 3 cho biết: theo quy định khi làm thủ tục nhập khẩu các lô hàng sữa nêu trên, doanh nghiệp không phải xuất trình Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho phía Hải quan, mà chỉ phải xuất trình giấy phép này cho cơ quan giám định chất lượng sản phẩm đối với hàng nhập khẩu.

Hải quan chỉ căn cứ vào kết quả giám định đủ điều kiện là cho phép thông quan cho lô hàng. Do vậy, việc nhà nhập khẩu làm giả chứng từ nằm ngoài tầm kiểm soát của Hải quan khi thực hiện thông quan hàng hóa.

Hiện vụ việc cạo sửa, làm giả Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm để nhập khẩu sữa đang tiếp tục được Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan mở rộng điều tra.

Nhiều doanh nghiệp "bỏ của chạy lấy người"

Kinh doanh trong thời điểm kinh tế khó khăn, tình trạng khai man, khai giảm giá trị với hàng hóa nhập khẩu cũng được nhiều doanh nghiệp (DN) triệt để khai thác nhằm giảm tiền thuế phải nộp. Chỉ với việc thực hiện tham vấn, soát xét về giá khai báo tính thuế đối với hàng hóa, Hải quan TP HCM đã giúp tăng thu cho ngân sách 140 tỉ đồng trong 5 tháng đầu năm nay.

Kết quả kiểm tra với 2.000 tờ khai có nghi vấn trong khoảng thời gian này, Hải quan TP HCM cũng đã kịp bác bỏ giá khai báo tính thuế với gần 900 tờ khai của chủ hàng. Biết không thể qua mặt được hải quan về giá khai báo tính thuế, từ đầu năm tới nay đã có nhiều DN tại TP HCM tự giác chấp nhận điều chỉnh tăng giá khai báo. Và chỉ riêng việc tự giác trước khi bị phát giác này của chủ hàng đã giúp tăng thu cho ngân sách 40 tỉ đồng.

Theo Cục Hải quan TP HCM, trong đợt tiến hành rà soát với hàng hóa tồn đọng tại cảng mới đây, Cơ quan Hải quan đã phát hiện 102 container hàng bách hóa tồn đọng tại các cảng biển trên địa bàn thành phố quá thời hạn quy định. Nói là tồn đọng, nhưng thực tế qua khám xét các container vắng chủ này, Hải quan đã phát hiện tới 1/3 hàng hóa bên trong có vấn đề về sai lệch so với tờ khai hải quan; số lượng thực tế lớn hơn rất nhiều so với khai báo… Do vậy, tình trạng chủ hàng "bỏ của chạy lấy người" bằng cách viện nhiều lý do như: gặp khó khăn về tài chính; chưa có tiền đóng các loại thuế phí nên chưa tới nhận hàng; có những DN cố tình không chịu hợp tác với Cơ quan Hải quan để xuất trình hàng hóa kiểm tra… chủ yếu là sợ bị xử phạt, truy cứu trách nhiệm.

Ngay trong thời điểm Cơ quan Hải quan kiểm soát khá gắt với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu, thì ngày 8/5 vừa qua, Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực I vẫn tiếp tục phát hiện và tạm giữ 1 container hàng cấm nhập. Lô hàng do Công ty VT ngang nhiên nhập về và khai báo là động cơ điện 3 pha đã qua sử dụng, nhưng khi kiểm tra thực tế lô hàng này, Hải quan đã phát hiện còn có một lượng lớn hàng không khai báo hải quan, như xe đầu kéo; nhiều động cơ ôtô, phụ tùng ôtô đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu và nhiều động cơ của xe công trình, máy móc khác...

Từ thực tế trên cho thấy, nếu cứ để tình trạng nhập lậu hàng về cảng, khai báo gian dối, hoặc nếu không thoát qua cửa hải quan là bỏ của chạy lấy người... Tình trạng này không được xử lý dứt điểm sẽ trở thành tiền lệ xấu trong hoạt động nhập khẩu

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosointepol/2014/7/83504.cand