Đủ kiểu gạt gẫm mua bán lúa

Nông dân miền Tây tốn công tốn của làm ra hạt lúa nhưng để thu được lợi nhuận cũng phải lên bờ, xuống ruộng vì gặp phải đủ kiểu lừa gạt khi bán lúa

Những ngày qua, ông Dương Văn Thái (ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đến nhiều cơ quan chức năng nhờ hướng dẫn thủ tục để đòi khoản nợ 365 triệu đồng tiền bán lúa cho bà A. (ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).

Bán lúa xong mất công đòi nợ

Theo ông Thái, bà A. có nhà máy xay xát lúa gạo và đã mua lúa của ông hơn 3 năm qua nhưng nhiều lần không thanh toán đủ tiền. "Lần gần nhất, bà ấy viết giấy hẹn đến cuối tháng 12-2019 sẽ bán nhà trả hết nợ cho tôi. Tuy nhiên, bán nhà xong bà A. vẫn… im ru. Đòi thì bà ấy bảo trả nợ ngân hàng hết rồi. Hiện bà ấy còn rất nhiều tài sản nhưng vẫn không trả nợ khiến tôi lao đao vì mỗi tháng phải gồng gánh trả lãi vay cho ngân hàng" - ông Thái chua chát nói.

Hơn một năm qua, hơn 50 nông dân ở xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vẫn chưa được nhóm thương lái trả tiền mua lúa hơn 1,3 tỉ đồng. Những người nợ tiền từ mồ hôi, nước mắt của nhiều nông dân là ông Nguyễn Mười Hai, Bùi Quốc Giang và Hồ Thanh Hoàng (cùng ngụ tại địa phương).

Trương Hoàng Diệu (phải) bị phạt 18 năm tù vì… bán lúa của người khácẢnh: HOÀNG KIM

Bà Trương Kim Truyễn (ngụ ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc) cho biết vì bị thương lái nợ tiền lúa nên mùa thu hoạch ấy coi như thất thu, phải xoay xở nguồn khác để lấp vào khoản tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền công cày cấy, thu hoạch… "Gia đình tôi có 8 ha đất trồng lúa. Vào khoảng tháng 9-2019, tôi bán hơn 42 tấn lúa ST24 cho ông Giang với số tiền hơn 238 triệu đồng. Nhận lúa, ông Giang lại im ỉm, tôi phải đòi hàng chục lần mới được trả 200 triệu đồng. Hiện còn lại hơn 38 triệu đồng ông Giang vẫn chưa trả" - bà Truyễn kể. Cùng thời điểm, ông Giang còn mua lúa của 9 hộ dân khác trong xã nhưng còn nợ 201 triệu đồng.

Cũng với hình thức trên, vào tháng 1-2019, thương lái Nguyễn Mười Hai đặt cọc mua lúa của 34 người dân trong xã với tổng số tiền 1,4 tỉ đồng, mới trả được 560 triệu đồng. Sau nhiều lần bị ông Mười Hai khất nợ, 12 nông dân khởi kiện vụ việc ra tòa nhưng lúc này ông Mười Hai không còn khả năng thi hành án.

Vụ việc tranh chấp tiền mua lúa giữa ông Giang, ông Mười Hai chưa giải quyết xong thì mới đây, thêm 8 hộ nông dân ở xã Khánh Bình Tây Bắc lại tiếp tục bị ông Hồ Thanh Hoàng quỵt nợ 237 triệu đồng.

Hứa cuội bao tiêu sản phẩm

Tại Đồng Tháp, Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng cam kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm do nông dân sản xuất. Theo đó, lúa giống Thiên Đàng được bán cho bà con canh tác với giá là 50.000 đồng/kg, đồng thời công ty cho nông dân nợ 50% tiền giống đến ngày thu hoạch. Ngoài ra, phía doanh nghiệp này cam kết thu mua với giá 8.000 đồng/kg (lúa đạt chất lượng theo quy định, công ty thanh toán 100% ngay tại ruộng cho nông dân). Công ty cũng cam kết bồi thường lợi nhuận cho nông dân trong trường hợp canh tác không đạt sản lượng với mức là 2 triệu đồng/1.000 m2.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, trong vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân các xã: Tân Thành A, Tân Công Chí, Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) với tổng diện tích 39,5 ha. Vụ hè thu 2020, công ty này ký kết sản xuất, tiêu thụ tại xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành với diện tích 15 ha.

Trái với hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, doanh nghiệp chỉ thực hiện tiêu thụ theo hợp đồng với diện tích 17 ha, còn lại 22,5 ha lúa ở xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, doanh nghiệp xin giảm giá thu mua xuống còn 7.000 đồng/kg nhưng sau đó vẫn không thu mua. Công ty này còn thỏa thuận nông dân tự bán lúa, doanh nghiệp sẽ bù lại giá tiền chênh lệch 2.000 đồng/kg nhưng bà con không chấp thuận và yêu cầu bồi thường lợi nhuận theo hợp đồng là 2 triệu đồng/1.000 m2.

Ông Văn Công Ghi, Tổ trưởng Tổ Hợp tác lúa giống chất lượng cao xã An Phú Thuận, cho biết bị doanh nghiệp "bẻ kèo" sau khi thu hoạch lúa, nông dân phải bán cho thương lái bên ngoài với giá 5.000 đồng/kg, năng suất bình quân 4,2 tấn/ha. Sau vụ lúa đó, nông dân rút kinh nghiệm sâu sắc là làm ăn phải có hợp đồng, ký nhận rõ ràng để tránh trường hợp như vụ mùa trước.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/du-kieu-gat-gam-mua-ban-lua-20201115202242501.htm