Dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu: Không thể nâng đều cho mọi đối tượng

Tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) đang là một trong những vấn đề được đặt ra khi sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012. Theo đó, nhiều ý kiến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 55 lên 60 tuổi đối với LĐ nữ và từ 60 lên 62 tuổi đối với LĐ nam. Tuy nhiên, quanh đề xuất này, đến nay vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều.

Sẽ tính đến đặc thù ngành nghề

Theo đánh giá của Vụ Pháp chế (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội- LĐTBXH), với xu hướng tăng tuổi thọ, đồng thời nhằm đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), các đơn vị chức năng đề nghị nghiên cứu, đề xuất lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không hợp với LĐ làm việc trực tiếp trong điều kiện tiếng ồn lớn.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho hay, lý do nhiều chuyên gia đưa ra là Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, chúng ta cần phải sử dụng tốt nguồn nhân lực khi nhiều người đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn khả năng đóng góp tốt trong một số ngành nghề. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao tận dụng được nguồn nhân lực nhưng cũng phải bảo đảm việc làm, an toàn cho Quỹ BHXH.

“Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tính đến việc phân loại các ngành nghề, xây dựng lộ trình, điều chỉnh dần tuổi nghỉ hưu. Với những ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ không đề xuất tăng tuổi nhưng có những ngành nghề nhẹ nhàng hơn cần có lộ trình tăng dần trên tinh thần không làm ảnh hưởng đến thị trường LĐ, nhất là áp lực phải tạo việc làm mới cho khoảng 1 triệu LĐ mới mỗi năm. Đây là quá trình cần phải tính toán, kết hợp giữa khoa học và thực tiễn để trình Quốc hội cân nhắc, quyết định”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết.

Việc nâng tuổi nghỉ hưu cho NLĐ đã được đề xuất nhiều lần trước đây và đều vấp phải phản ứng của xã hội, đặc biệt là khu vực lao động nặng nhọc, độc hại. Chính phủ đã 2 lần đưa vấn đề này ra trình Quốc hội nhưng chưa nhận được sự đồng thuận.

Gần đây nhất, Dự thảo Luật BHXH 2014 cũng tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ lên 58 tuổi, LĐ nam lên 62 tuổi và định hướng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như nhau nhưng cũng chưa được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, theo quan điểm của Bộ LĐTBXH, những LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực, kinh nghiệm... có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, còn NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Đối với khu vực doanh nghiệp, rất nhiều ngành nghề, LĐ khi đến tuổi nghỉ hưu, sức khỏe đã suy giảm nhiều. Vì vậy, nếu NLĐ đã đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu nên để cho NLĐ có quyền lựa chọn.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, việc tăng tuổi nghỉ hưu hay không cần phải có lộ trình phù hợp và nên tổ chức đối thoại giữa người sử dụng LĐ, NLĐ và các cơ quan của Chính phủ cho kỹ càng hơn để đảm bảo quan hệ LĐ hài hòa.

Cần cân nhắc đến việc làm và nguồn ngân sách

Bày tỏ quan điểm về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho rằng, khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét đến yếu tố là sức khỏe, điều kiện môi trường làm việc của NLĐ. Đối với LĐ làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giầy hoặc ngành điện tử... nói chung là những LĐ làm việc trực tiếp, đa số NLĐ không đồng ý, họ khó có thể làm việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu như đề xuất.

Khối cán bộ, công chức sẽ dễ dàng hơn trong việc tăng tuổi nghỉ hưu vì cần sử dụng LĐ có kinh nghiệm, chất xám nhưng cũng phải tính tới yếu tố chỉ cần một bộ phận nhỏ, chứ không phải tất cả cán bộ, công chức đều phát huy được hiệu quả.

Ngay như trong ngành giáo dục, không phải cô giáo nào cũng muốn đứng lớp khi tuổi cao, nhất là những cô giáo bậc học mầm non, tiểu học; hoặc trong ngành y tế – những bộ phận như hộ lý, y tá họ làm việc rất vất vả và không phải ai cũng muốn làm tăng tuổi.

Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính, một trong những mục đích tăng tuổi nghỉ hưu là để cân đối Quỹ BHXH, nhưng cần xem xét và tính toán kỹ hơn, bởi, có thể được lợi cho Quỹ BHXH nhưng sẽ bất lợi cho ngân sách Nhà nước.

Phó Chủ tịch Mai Đức Chính dẫn ra bài toán đơn giản: Lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường là 2,34; trong khi lương của LĐ đến tuổi nghỉ hưu hơn ít nhất cũng hơn 5,0 (gấp hơn 2 lần) nhưng chất lượng làm việc của LĐ đến tuổi nghỉ hưu chưa chắc đã bằng lớp trẻ. Vậy nhưng, ngân sách Nhà nước phải trả tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.

“Đây là bài toán cần cân nhắc kỹ, cả về vấn đề giải quyết việc làm mới và cân đối ngân sách Nhà nước”- Phó Chủ tịch Mai Đức Chính nhấn mạnh.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/du-kien-tang-tuoi-nghi-huu-khong-the-nang-deu-cho-moi-doi-tuong-43161.html