Du khách thích thú tham gia lễ hội cầu ngư ở làng biển Quảng Bình

Lễ hội cầu ngư ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) mang nét đặc trưng của cư dân vùng biển Quảng Bình.

Lễ hội cầu ngư của ngư dân làng biển Cảnh Dương, Quảng Bình.

Vào dịp Rằm tháng Giêng, hàng trăm người dân và du khách khắp mọi miền tề tựu về xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch để tham gia lễ hội cầu ngư.

Đây là lễ hội quan trọng đối với người dân vùng biển Cảnh Dương, Quảng Trạch vào dịp đầu năm, nhằm cầu mong một năm đánh bắt “thuận buồm xuôi gió”.

Đặc sắc lễ hội cầu ngư

Làng Cảnh Dương nằm ven biển và bên dòng sông Roòn thơ mộng. Dân làng chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt… Cảnh Dương là một trong “bát danh hương” của Quảng Bình xưa.

Vùng đất địa linh nhân kiệt với lịch sử hình thành gần 400 năm này vốn là làng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.

Người dân làng biển biểu diễn chèo cạn.

Lễ hội cầu ngư vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, vừa mang tính vùng miền của ngư dân địa phương.

Trước lễ chính, Ban tổ chức sẽ thực hiện thủ tục rước Thần Hoàng về dự lễ cầu ngư ở đình thờ tổ. Tiếp đó là nghi lễ rước kiệu Thần Hoàng từ đình thờ tổ về miếu Linh Ngư.

Các vị cao niên của làng thực hiện nghi lễ tại miếu Linh Ngư.

Tại đây, sẽ diễn ra phần lễ quan trọng nhất là dâng hương và đọc văn tế do một vị cao niên được người dân trong làng tín nhiệm thực hiện. Tiếp đó, là tiết mục hát dân ca làng biển Cảnh Dương và Múa bông chèo cạn.

Điệu hò chèo cạn được được thực hiện bởi 13 lão ngư trong làng. Trong đó, 6 người được xếp vai bạn thuyền chèo chiếc thuyền tượng trưng hướng ra khơi. Những người còn lại trong vai đội cờ dẫn thuyền.

Lễ cầu ngư khép lại cũng là lúc diễn ra phần phát động lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm mới. Lồng ghép trong lễ phát động là loạt trò chơi, trình diễn nghệ thuật đặc sắc.

Không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân trong xã, lễ cầu ngư tại Cảnh Dương còn thu hút đông đảo người dân trên mọi miền đất nước.

Những giá trị tiêu biểu và độc đáo

Cùng với nhiều làng biển tại Quảng Bình, cư dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) có tập quán, tín ngưỡng tôn thờ cá voi.

Lịch sử làng Cảnh Dương ghi lại, năm 1809, cá bà dạt vào bờ biển Cảnh Dương rồi được người dân đưa vào miếu thờ. Năm 1907, một con cá voi gọi là cá ông dạt vào bờ biển xã này và cũng được người dân rước vào miếu Linh Ngư.

Theo nghiên cứu, hai bộ xương cá được thờ ở miếu Linh Ngư lâu đời nhất tại Việt Nam với chiều dài ước tính gần 27m, bề rộng gần 10m.

Hát dân ca làng biển Cảnh Dương và Múa bông chèo cạn.

Trong tiềm thức người dân địa phương, cá voi không ít lần trợ giúp tàu thuyền của ngư dân trong làng vượt qua gió bão biển khơi. Chính vì thế, lễ cầu ngư như một dịp để bày tỏ lòng biết ơn với linh vật này.

Theo bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, ngoài lễ hội cầu ngư, xã Cảnh dương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ đưa ra những giải pháp, phối kết hợp với người dân sớm đưa làng biển trở thành một địa điểm du lịch ăn khách.

Lễ hội cầu ngư tại xã Cảnh Dương là hoạt động văn hóa tín ngưỡng gắn liền với các cộng đồng dân cư vùng biển.

Lễ hội gửi gắm ước mong trời yên biển lặng, cầu cho ngư dân đi biển được mùa bội thu.

Đây còn là nét đẹp văn hóa địa phương, thể hiện truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, tri ân những thế hệ góp công sức xây dựng nghề biển; là dịp để giáo dục thế hệ trong trong việc yêu quý, gìn giữ chủ quyền biển đảo tổ quốc.

Nét đặc sắc của lễ hội cầu ngư tại xã Cảnh Dương góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, tạo nên một hình ảnh đô thị du lịch biển Quảng Bình ngày càng hiện đại văn minh nhưng vẫn đậm đà nét văn hóa truyền thống.

Lan Nhi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/du-khach-thich-thu-tham-gia-le-hoi-cau-ngu-o-lang-bien-quang-binh-post673055.html