Dự định mua máy bay và tàu ngầm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời xa NATO?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang cân nhắc mua công nghệ quốc phòng và hạt nhân của Nga. Động thái này làm dấy lên nguy cơ về cuộc 'ly hôn' chưa từng thấy trong liên minh quân sự NATO.

“Mức độ hợp tác song phương mà ông Erdogan đề cập sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác chiến lược không chỉ giữa 2 quốc gia mà gần giống như giữa 2 đồng minh”, cựu nghị sỹ đối lập Thổ Nhĩ Kỳ Aykan Erdemir, đồng thời là học giả cấp cao tại Quỹ bảo vệ các nền dân chủ nói với Washington Examiner.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp ở Sochi, Nga ngày 29/9/2021. Ảnh: AFP

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria sau các vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà 2 bên nhất trí duy trì. Dù vậy, trong cuộc đối thoại, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ - nước đã bị loại khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ sau khi mua hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga, cũng bày tỏ mong muốn mở rộng quan hệ đối tác cho Không quân và Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi đã có cơ hội thảo luận toàn diện những bước đi nào cần thực hiện để sản xuất động cơ máy bay cũng như máy bay chiến đấu. Một vấn đề khác mà chúng tôi có thể cùng thực hiện là đóng tàu, trong đó có cả tàu ngầm”, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Erdogan cho biết.

Các dự án kể trên có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng vì một đạo luật của Mỹ nhằm ngăn chặn các hoạt động làm ăn kinh doanh với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Đạo luật này được thông qua sau cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, theo đó áp đặt trừng phạt những nước có “giao dịch đáng kể” với các công ty quốc phòng Nga.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12/2020, nhưng Ankara vẫn không thay đổi lập trường.

“Tôi có thể mua các hệ thống phòng vệ từ nước khác và không nước nào khác liên quan tới vấn đề này. Trong tương lai, không ai có thể can thiệp vào các hệ thống phòng thủ mà chúng tôi mua của bất cứ nước nào, ở bất cứ cấp độ nào”, ông Erdogan trả lời phỏng vấn CBS.

Liên quan tới thương vụ S-400, trả lời phỏng vấn New York Times mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, hệ thống này là đáng mua dù phải đổi lại căng thẳng thẳng với Mỹ.

“Chúng tôi mua vũ khí cho chính mình”, New York Times dẫn lời ông Erdogan nói.

Khi được hỏi các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có đáng gây căng thẳng với Washington hay không, ông Erdogan trả lời rất chắc chắn: “Tôi nghĩ là đáng”.

Mối quan hệ phức tạp

Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin có mối quan hệ phức tạp nhưng mang tính tương hỗ trong những năm qua do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng về vấn đề Syria.

Nhóm dân quân người Kurd ở Syria có liên kết với Mỹ, là lực lượng mặt đất chủ chốt trong cuộc chiến của Mỹ chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, ông Erdogan bất đồng về mối quan hệ này do Ankara cho rằng nhóm người Kurd ở Syria là một nhánh của nhóm người Kurd chống đối chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ suốt hàng chục năm qua.

“Các tổ chức khủng bố trong và xung quanh Thổ Nhĩ Kỳ được rất nhiều hỗ trợ hậu cần từ Mỹ”, ông Erdogan nói.

Liên quan tới việc mua vũ khí của Nga, cựu nghị sỹ Erdemir cho biết: “Nếu ông Erdogan muốn tiếp cận dễ dàng hơn với các hệ thống vũ khí của phương Tây, không ai thắc mắc gì về điều này. Nếu ông ấy muốn đặt các hệ thống vũ khí của Nga bên cạnh các hệ thống vũ khí của NATO, ông ấy sẽ muốn mình có khả năng làm điều đó và không có bị hạn chế trong các thương vụ vũ khí”.

Dù vậy, mối quan hệ Putin-Erdogan vẫn có những khó khăn nhất định, chẳng hạn như việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Một hợp đồng khí đốt tự nhiên lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga dự kiến hết hạn vào tháng 12 tới. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo có thể sẽ “tìm được nguồn cung thay thế” nếu Nga không đưa ra mức giá thấp hơn so với thỏa thuận 25 năm trước. Gần đây, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu thảo luận với các công ty Mỹ về cách phát triển các mỏ khí đốt tự nhiên ở Biển Đen.

Mặt khác, những lợi ích trong quan hệ với Mỹ có thể khiến ông Erdogan phải “kiềm chế” mong muốn hợp tác toàn diện với Tổng thống Nga Putin.

“Một Thổ Nhĩ Kỳ không có NATO sẽ là con mồi dễ dàng cho Điện Kremlin. Ông Erdogan nêu ra một “thực đơn” lớn trong hợp tác quân sự Thổ Nhĩ Kỳ-Nga. Có thể chỉ một số khía cạnh trọng số này được thực hiện, nhưng đó sẽ là bước tiếp theo khiến Thổ Nhĩ Kỳ rời xa NATO và ngày càng phụ thuộc vào Nga”, ông Erdemir nhận định./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Washington Examiner

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/du-dinh-mua-may-bay-va-tau-ngam-nga-tho-nhi-ky-se-roi-xa-nato-894826.vov