Dự cảm thế giới năm 2024

Năm 2024, dự báo các cuộc xung đột ở Ukraine, Dải Gaza cùng tranh chấp lãnh thổ tiếp diễn trong bối cảnh thế giới tiếp tục chuyển biến về địa chính trị. Kinh tế toàn cầu do tác động của những bất ổn đó sẽ còn khó khăn, nhưng không vì thế khiến nhiều người tỏ ra bi quan mà vẫn hy vọng sẽ có một năm mới tốt đẹp hơn!

“Điểm nóng” xung đột có nguy cơ kéo dài

Năm 2024 bắt đầu với việc Israel đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Dải Gaza để đáp trả các cuộc đột kích ngày 7-10 của lực lượng Hamas. Bất chấp việc cộng đồng quốc tế phản đối kịch liệt tình cảnh người dân Gaza bị mắc kẹt trong tình trạng nguy hiểm chết người vì bom đạn, bị phong tỏa nhu yếu phẩm cùng hạn chế về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Israel tuyên bố cuộc chiến với Hamas có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Dự báo sẽ có nhiều cuộc tranh luận gay gắt hơn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm 2024

Bên cạnh đó, xung đột ở Trung Đông có nguy cơ lan rộng. Giao tranh xuyên biên giới đã xảy ra giữa nhóm bán quân sự Hồi giáo Hezbollah được Iran hậu thuẫn và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở biên giới Lebanon - Israel. Các cuộc tấn công ủy nhiệm của các phe phái được Iran hậu thuẫn ở Iraq cũng trở nên táo bạo và phổ biến hơn. Cùng với đó, phiến quân Houthi tại Yemen liên tục tấn công tàu hàng trên tuyến đường vận chuyển toàn cầu qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Ngoài ra, còn có nguy cơ các nhóm cực đoan khác trong khu vực bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa cơ hội hoặc sự bất bình. Muốn hạn chế các nguy cơ này, Mỹ và các đồng minh phải đạt được sự cân bằng giữa trả đũa và ngăn chặn các cuộc tấn công ủy nhiệm trong khu vực.

Trong khi đó, tháng 2-2024, xung đột Nga - Ukraine sẽ bước sang năm thứ ba. Cả Nga và Ukraine đều không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc đạt được chiến thắng hay sẵn sàng thỏa hiệp với đối phương. Ukraine đang đấu tranh cho sự sống còn, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mình, trong khi Nga tiếp tục thực hiện “phi quân sự hóa” Ukraine, cũng như ngăn chặn nguyện vọng gia nhập NATO và các tổ chức phương Tây khác của Kiev. Đương nhiên, tương lai của cuộc xung đột này phụ thuộc phần lớn vào việc Ukraine sẽ nhận được nguồn viện trợ tài chính và quân sự như thế nào, nhưng trong năm 2024, nguồn lực cho Ukraine đều khó khăn do cả Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ ưu tiên các vấn đề trong năm bầu cử quan trọng.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã bước sang thời đại mới với những tiến bộ bất ngờ, tác động đến cả nhân loại

Năm bầu cử quan trọng

Vào năm 2024, 2 tỷ cử tri trên toàn thế giới sẽ đi bỏ phiếu trong một năm “bội thu” về bầu cử. Tâm điểm là cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5-11, với diễn biến gay cấn đến phút chót. Hiện cựu Tổng thống Donald Trump đang dẫn trước các đối thủ Đảng Cộng hòa về đề cử của đảng này, nhưng phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado rằng, ông không thể tranh cử ở bang này do vụ nổi loạn năm 2021, sau đó là quyết định tương tự ở Maine, có thể báo trước những trở ngại mà ông sẽ gặp phải. Với đảng Dân chủ, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số cử tri cho rằng, đương kim Tổng thống Joe Biden, năm 80 tuổi này đã quá sức để có thể tái đắc cử, trong khi chưa có ứng cử viên nào thực sự nổi bật xuất hiện tại thời điểm này.

Nam Á cũng có hơn 1 tỷ người tham gia bầu cử khi Ấn Độ tổ chức cuộc bầu cử dân chủ lớn nhất thế giới trong suốt tháng 4 và tháng 5. Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi cùng với Đảng Bharatiya Janata (BJP) theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu cầm quyền được dự đoán sẽ trúng cử nhiệm kỳ thứ ba. Dù còn để xảy ra các vấn đề xung quanh lạm phát và sức mua, ông Modi nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri dựa trên lòng yêu nước và chính sách đối ngoại tự tin của mình.

Trong khi đó, Nga sẽ tiến hành bầu cử vào ngày 17-3. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp có thể gây thêm áp lực lên Điện Kremlin khi chính quyền vẫn duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ở những nơi khác, lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cách đây 3 thập kỷ, Đảng Quốc đại Châu Phi (ANC) của Nam Phi phải đối mặt với nguy cơ thực sự mất đa số trong quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2024 do tình trạng thất nghiệp, nền kinh tế bất ổn và tội phạm lan tràn.

Tranh chấp lãnh thổ tiếp diễn

Xung đột ở Đông Âu và Trung Đông cho thấy, chúng ta đang ở thời điểm chuyển biến về địa chính trị. Các trục quyền lực địa chính trị đang được sắp xếp lại một cách lỏng lẻo, với một bên là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), bên kia là Trung Quốc, Iran, Nga và Triều Tiên. Thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ hơn do thái độ của các quốc gia không liên kết và sự trỗi dậy của các khối cạnh tranh như BRICS. Trong bối cảnh đó, tranh chấp lãnh thổ và chủ nghĩa phục thù đang gia tăng, điển hình như khu vực Nagorno -Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia hay việc quân sự hóa đường biên giới dài nhất thế giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong khi đó, việc sử dụng ngày càng nhiều quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang làm tê liệt và gây ra sự thiếu niềm tin vào khả năng của các tổ chức siêu quốc gia trong việc ngăn chặn hoặc ứng phó với một thế giới đang trải qua nhiều xung đột nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Một minh chứng khác, các nhà hoạch định chính sách ở châu Phi không thể đàm phán nhằm ngăn cản làn sóng đảo chính trong năm qua cũng báo hiệu sự thiếu vắng các biện pháp trừng phạt và lãnh đạo hiệu quả.

Kinh tế khó khăn nhưng không bi quan

Trong báo cáo “Tình hình Kinh tế Thế giới và Triển vọng 2024” mới được công bố, Liên hợp quốc đã đưa ra dự báo ảm đạm về kinh tế toàn cầu năm 2024, do những thách thức như xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng. Theo đó, dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng ước tính vượt dự báo 2,7% trong năm ngoái. Dự báo của Liên hợp quốc thấp hơn so với dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 2,9% do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo tháng 10-2023. Nhìn chung, dự báo mức tăng trưởng này đều dưới 3%, thấp hơn so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.

Tuy nhiên, sau năm khó khăn 2023, người dân trên khắp thế giới hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn vào năm 2024. Theo dữ liệu mới nhất từ Ipsos (công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường đa quốc gia có trụ sở chính tại Paris, Pháp), trung bình toàn cầu có 70% số người được hỏi cho biết, họ cảm thấy lạc quan rằng năm 2024 sẽ tốt hơn 2023. Tuy nhiên, những lo ngại về kinh tế vẫn tồn tại, với 70% người được hỏi kỳ vọng lạm phát và lãi suất cao hơn vào năm 2024. Ngoài ra, 59% dự đoán công việc văn phòng sẽ quay trở lại.

Mở ra “thời đại” của trí tuệ nhân tạo

Năm 2024 có vẻ sẽ chứng kiến sự căng thẳng giữa sự tăng trưởng theo cấp số nhân của trí tuệ nhân tạo (AI) và những nỗ lực điều chỉnh nó. Công nghệ này sử dụng dữ liệu hiện có để tự động tạo ra dữ liệu mới, như văn bản, hình ảnh, thiết kế, giọng nói, dịch thuật… với tốc độ phổ biến và mức độ tác động khó tưởng tượng.

Tuy nhiên, khi các hệ thống AI trở nên tiên tiến hơn, các câu hỏi về quyền riêng tư, thành kiến và trách nhiệm giải trình ngày càng trở nên quan trọng. Làm thế nào để chúng ta đảm bảo rằng, các hệ thống AI tôn trọng nhân quyền và tự do? Làm cách nào để giám sát và ngăn chặn sự can thiệp của AI vào các quy trình dân chủ? Làm cách nào để giảm thiểu rủi ro sai lệch trong quá trình ra quyết định của AI? Những câu hỏi đó được đặt ra để các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và xã hội nói chung phải giải quyết. Nhưng chắc chắn, công nghệ này đã bước sang thời đại mới với những tiến bộ bất ngờ, tác động đến cả nhân loại.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/du-cam-the-gioi-nam-2024-post566222.antd