Dự báo đề và hướng dẫn chạy nước rút - tiếp theo và hết

TP - Các thầy cô, giáo đưa ra những lưu ý về các môn thi Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ, trước giờ thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) 2010.

>> Phần một Vật lý: Xem lại kiến thức với nhóm 2 người PGS-TS Vũ Quang - Chủ biên SGK Vật lý 10, 11, 12 chuẩn: Đề thi môn Vật lý vào ĐH, CĐ sẽ khó hơn đề thi tốt nghiệp rất nhiều và cách hỏi cũng sẽ rải đều chương trình, không có trọng tâm nên thí sinh chú ý không học tủ, không chạy theo lời đồn đại về “tủ” của đề thi. Môn Vật lý thi trắc nghiệm (TN) nên tập trung vào học lý thuyết là chủ yếu và thêm nữa là các bài tập đơn giản áp dụng công thức. Không lao vào các bài tập khó. Khi học, thí sinh cố gắng phân biệt các khái niệm cho rõ ràng vì các câu hỏi thường kiểm tra xem học sinh có nhầm lẫn giữa các khái niệm không. Trừ phần cuối cùng chương trình lớp 12, còn lại phần kiến thức nào cũng quan trọng. Cách học như sau: Trước hết, phải xem lại phần tóm tắt kiến thức trọng tâm ở cuối mỗi bài học trong khung ở sách giáo khoa. Phần nào chưa chắc thì phải học bổ sung và với bài tập chỉ chú ý đến loại bài áp dụng công thức. Tốt nhất là học theo nhóm 2 người, người nọ hỏi, người kia trả lời từ đầu đến cuối và chỉnh lại nếu có chỗ nào chưa chính xác. Thí sinh cũng cần chú ý: lớp 12 có phần dao động, một số khái niệm như: vận tốc, gia tốc, năng lượng, động năng, thế năng thuộc lớp 11 có liên quan cũng phải nắm chắc. Lớp 12 có khái niệm điện xoay chiều thì điện một chiều (ở lớp 11) hoặc phần quang học, nên xem lại lăng kính để hiểu máy quang phổ ở lớp 12. Thí sinh không nên lao vào giải bài tập nữa. Hóa học: Không học những thứ cao xa Thầy Đào Hữu Vinh, giảng viên ĐHKHTN, ĐHQG HN: Năm nay đề thi tuyển sinh môn Hóa học sẽ dễ hơn năm trước vì đề thi năm ngoái quá khó, nhưng không thể dễ. Cấu trúc đề thi sẽ là 10 câu khó, 10 câu dễ, còn lại kiến thức trung bình. Thời gian còn rất ít, thí sinh cần ngồi tổng kết lại kiến thức và các dạng bài tập về toán và lý thuyết. Loại nào còn kém thì phải học củng cố. Xem lại một lượt trên cơ sở trên SGK, không học những thứ cao xa mà chỉ cần học kiến thức cơ bản. Những kiến thức cơ bản trong SGK cũng phải học thuộc chứ không thể học theo kiểu suy đoán. Ngoại ngữ: Không phải là lúc học từ vựng nữa Thầy Nguyễn Viết Thắng, ĐH Hà Nội: Đề thi sẽ không chệch khỏi quỹ đạo khó dễ như những năm trước, chưa kể là có thể khó hơn vì thi trắc nghiệm đã ổn định. Theo kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, trước thời gian thi khoảng 10 ngày đến 1 tuần, thí sinh thường bị bão hòa và có một ngày nào đó thí sinh thường bị “đơ” đầu óc, học không vào. Cảm giác này thường kéo dài một ngày. Đây chính là thời điểm nhạy cảm, cha mẹ không nên gây áp lực cho con cái mà nên cho các thí sinh nghỉ ngơi một ngày, động viên nhẹ nhàng; bản thân thí sinh cần giải tỏa tâm lý căng thẳng như: nghỉ ngơi thư giãn, nghe nhạc, thậm chí là hét to... Ngoại ngữ là môn phải học quanh năm, không thể nhồi nhét một sớm một chiều. Vì vậy, những ngày này, thí sinh chỉ cần xem lại kiến thức trong các năm phổ thông đặc biệt chương trình lớp 12 (phần kiến thức lớp12 đã chiếm 4-5 điểm), không sa đà vào những thứ kiến thức viển vông. Đề thi trải dài và liên quan đến nhau từ lớp 10 đến lớp 12. Vì vậy, thí sinh cần xem lại ngữ pháp, cấu trúc câu chứ không phải là lúc học từ vựng nữa. Học trọng tâm và trong tâm trạng thoải mái. Trước ngày thi, các thí sinh nên dành nửa ngày không học để nghỉ ngơi và chuẩn bị tâm thế.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/khoa-giao/504819/du-bao-de-va-huong-dan-chay-nuoc-rut---tiep-theo-va-het.html