Dự báo chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc năm 2022

Dưới đây là một số nhận định của các chuyên gia ở Trung, Đông Âu về chính sách đối nội và đối ngoại Trung Quốc năm 2022.

2022 là một năm quan trọng đối với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ đăng cai Thế vận hội mùa Đông vào tháng 2, một sự kiện mà nhiều nước phương Tây đang kêu gọi tẩy chay về mặt ngoại giao, đại dịch đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Liệu hình ảnh Trung Quốc với bạn bè quốc tế sẽ thay đổi theo hướng nào trong 1 năm bận rộn?

Trung Quốc có thể chuyển hướng sự chú ý của công chúng ra bên ngoài nếu xuất hiện các vấn đề nội bộ. Ảnh: China Daily

Trung Quốc có thể chuyển hướng sự chú ý của công chúng ra bên ngoài nếu xuất hiện các vấn đề nội bộ. Ảnh: China Daily

Theo bà Klára Dubravčíková thuộc Viện Nghiên cứu châu Á ở Trung Âu (CEIAS), Trung Quốc sắp tổ chức một số sự kiện quan trọng trong năm 2022 và mục tiêu chính của nước này sẽ là ngăn chặn bất kỳ dấu hiệu bất ổn nào có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của chính phủ đối với người dân trong nước. Khi Thế vận hội mùa Đông đang đến gần, Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay ngoại giao của các chính phủ phương Tây mà cả nguy cơ bùng phát COVID-19.

Các cuộc tẩy chay ngoại giao đang góp phần làm suy giảm hình ảnh quốc tế của Trung Quốc ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ sẽ tập trung duy trì sự ổn định trong nước hơn là dồn sức vào việc khôi phục hình ảnh quốc tế của mình. Theo đó, Bắc Kinh sẽ tập trung cải cách mạnh mẽ các chính sách hoặc quản lý để giảm leo thang căng thẳng xã hội, tăng cường sức mạnh quốc gia, kiểm soát tốt đại dịch. Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại cởi mở với các nước phương Tây, nhưng trong bối cảnh hiện tại thì nhiều khả năng sẽ tiến hành một chính sách cứng rắn hơn.

Chuyên gia phân tích về Trung Quốc Ivana Karásková thuộc Hiệp hội Các vấn đề Quốc tế (AMO) tại Séc cũng nhận định, có vẻ như Bắc Kinh sẽ hành xử quyết đoán hơn trên trường quốc tế trong năm 2022 so với năm ngoái. Nước này đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế, chẳng hạn như bất ổn sau khi thắt chặt kiểm soát đối với các công ty công nghệ và bất động sản, tình trạng thiếu năng lượng, thách thức về nhân khẩu học, v.v....

Do hiệu quả hạn chế của vaccine ngừa COVID-19 sản xuất trong nước với biến thể Omicron mới, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng về khả năng lây nhiễm lan rộng. Để đối phó vấn đề này, ít nhất là cho đến khi Thế vận hội Olympic mùa Đông ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022 kết thúc, Trung Quốc sẽ buộc phải tuân thủ quy định kiểm dịch nghiêm ngặt, do đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị gián đoạn.

Trên bình diện quốc tế, tình hình cũng không thuận lợi, vì sự cạnh tranh với Mỹ có thể sẽ tiếp diễn và Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục cách tiếp cận thận trọng đối với Bắc Kinh.

Đồng quan điềm về các vấn đề trên, Justyna Szczudlik, chuyên gia phân tích Trung Quốc thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, nhận định năm 2022 Trung Quốc sẽ hướng vào đối nội, trong khi chương trình nghị sự đối ngoại sẽ ít quan trọng hơn. Lý do quan trọng nhất là Đại hội Đảng sắp diễn ra - sự kiện chính trị quan trọng nhất ở Trung Quốc trong năm nay. Tiếp theo là hai vấn đề lớn trong nước đang cần giải quyết sớm: kinh tế và xã hội.

Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sẽ đóng vai trò là một cơ hội củng cố hình ảnh và đúng lúc. Do đó, các cuộc tẩy chay ngoại giao của một số quốc gia có thể sẽ không có tác động lớn đến công chúng Trung Quốc.

Về đối ngoại, Trung Quốc sẽ vẫn tập trung vào ngoại giao “chiến lang” như một phương tiện bảo vệ các lợi ích cốt lõi trong môi trường quốc tế rất không thân thiện. Đồng thời, Trung Quốc sẽ tìm cách củng cố quan hệ tốt hơn với “các quốc gia cùng chí hướng”, như Nga, và những đối tác có cách tiếp cận khá ôn hòa đối với Trung Quốc.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo CEIAS)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/du-bao-chinh-sach-doi-noi-doi-ngoai-cua-trung-quoc-nam-2022-20220113152815023.htm