Dự báo bão số 5 chưa sát thực tế, miền Trung vất vả phòng, chống dịch

Bão số 5 đi qua, thiệt hại không đáng kể, người dân miền Trung thở phào nhẹ nhõm. Một cơn bão đầu tiên ở miền Trung trong năm nay đã cho thấy công tác dự báo có những bất cập. Thông tin dự báo chưa sát khiến các địa phương càng lúng túng.

Theo các bản tin dự báo, bão số 5 sẽ đi vào các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Chủ động đối phó với bão, thành phố Đà Nẵng phải lên phương án sơ tán hơn 58.000 người dân, trong đó 17.700 người sơ tán tập trung. Nhiều địa phương cũng lên kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam di dời gần 270 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu tránh bão số 5.

Trong ngày 11/9, hầu hết các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại Đà Nẵng phải tạm tháo dỡ để tạo điều kiện cho người dân ra đường mua vật liệu về chằng chống nhà cửa. Âu thuyền cảng cá Thọ Quang lớn nhất miền Trung đã tạm dừng hoạt động hơn 1 tháng qua để phòng chống dịch Covid-19, nhưng trước tình huống cấp bách, thành phố cũng phải mở cửa, cho phép ngư dân đưa tàu thuyền vào trú tránh. Lo ngại dịch lây lan, thành phố Đà Nẵng đã lên phương án xét nghiệm cho ngư dân và bố trí các điểm sơ tán tập trung như một khu cách ly. Chính quyền và người dân mất thời gian, công sức và chịu áp lực khi vừa triển khai chống bão, vừa chống dịch.

Ngư dân Cao Văn Minh ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho rằng, dự báo không chính xác gây mất rất nhiều thời gian, công sức, đặc biệt là khi thành phố đang lo chống dịch: “Dự báo làm cho người ta phải vừa lo tập trung chống bão, vừa chống dịch. Ngư dân phải bỏ công việc lo giữ tàu thuyền. Chính quyền phải huy động di dời dân, phải tháo dỡ phong tỏa để cho người dân đi chống bão".

Nhà dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tốc mái do bão số 5.

Bản tin dự báo hồi 4h ngày 11/9 cho rằng, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Trị- Quảng Nam khoảng 230km về phía Đông. Tuy nhiên, tại các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào sáng ngày hôm đó đã có gió mạnh và mưa to. Trên thực tế, tại đảo Cù Lao Chàm- xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, hay tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có gió mạnh cấp 8 đến cấp 10. Một số chủ tàu thuyền đánh bắt trên biển đã gặp nạn khi trên đường vào bờ tránh bão.

Ông Dương Văn Thạch, thuyền trưởng tàu cá QNg 95058 TS tỉnh Quảng Ngãi gặp nạn trong cơn bão số 5 cho biết, cơn bão này diễn biến phức tạp, nhiều kênh dự báo không chính xác: “Lúc đầu dự báo là ngày 10/9 và 11/9 thì bão tới khu vực Hoàng Sa, ngày 12/9 thì đổ bộ và đi về hướng Tây, ở vĩ tuyến 17. Sau đó nó lại đổi hướng phức tạp quá, nên chúng tôi không thể xoay sở được nổi".

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã nhiều năm tham gia công tác phòng chống lụt bão tại địa phương nhưng cơn bão này, dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn không sát thực tế.

Theo kinh nghiệm, khi tâm bão vừa đi qua, trời rất êm, nhưng cơn bão này, khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, gió bắt đầu quật lại. Dân gian thường gọi đây là hiện tượng “lại nồm”. Gió, mưa quần thảo dai dẳng khu vực tâm bão và rìa xung quanh, vì vậy địa phương bị thiệt hại nặng do người dân không biết để đối phó.

Bà Phạm Thị Hương cho rằng, đây là cơn bão phức tạp nhưng từ những kinh nghiệm chống bão của nhiều năm trước và nhất là các cơn bão lớn xảy ra trong năm 2020 vừa qua, nên địa phương đã dự lường được những diến biến khó lường và chủ động lên kế hoạch phòng tránh: “Thời tiết liên tục có những diễn biến rất phức tạp. Cho nên, trong công tác ứng phó, trên cơ sở thực tế cơn bão số 5, chúng tôi rút kinh nghiệm để sắp tới có những cơn bão tiếp theo, mình không chủ quan. Bão sẽ không tan ngay mà có tình huống như cơn bão số 5, áp thấp quay ngược lại rất nguy hiểm, nhất là đối với các phương tiện tàu thuyền".

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, ảnh hưởng của cơn bão số 5 nhẹ hơn nhiều so với dự báo. Dự báo chưa sát với thực tế gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương công tác phòng chống bão, dễ tạo tâm lý chủ quan và sức ỳ trong dân khi vận động bà con sơ tán tránh bão: "Khó khăn cho địa phương, nhất là công tác vận động di dời dân, sau này công tác tuyên truyền vận động di dời của những cơn bão sau, tạo sức ỳ cho người dân".

Theo nhận định của một số cán bộ có nhiều năm tham gia phòng chống thiên tai tại các địa phương thì cơn bão số 5 vừa qua có đường đi rất phức tạp. Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão cho rằng, bão số 5 rất khó dự báo. Ngay cả cơ quan dự báo hàng đầu như Mỹ cũng luôn thay đổi dự báo về hướng di chuyển của bão.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, bão khi đã vào gần bờ, nếu không đổ bộ mà di chuyển chậm sẽ dễ chuyển thành áp thấp nhiệt đới, vì lúc đó bão không đủ năng lượng. Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, cơn bão số 5 sau khi vào gần bờ giảm cấp, suy yếu nhanh chóng, lúc đó tâm bão không rõ nên rất khó dự báo: "Một cơn bão, gió mạnh nhất là ở tâm, nhưng khi suy yếu rồi thì nhảy thành 2 đến 3 tâm, hầu như không còn tâm nữa, rất khó dự báo. Thỉnh thoảng mới có cơn bão giống như Xangsane năm 2006, mạnh từ đầu đến cuối đi thẳng vào Đà Nẵng vẫn còn cấp 13. Nhưng cơn bão này khó ở chỗ cường độ yếu, không mạnh nên khi vào bờ thành áp thấp nhiệt đới, rất khó dự báo".

Những năm gần đây, công tác dự báo mưa bão có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, mỗi khi dự báo thời tiết không sát với thực tế cứ lặp đi lặp lại nhiều lần dễ nảy sinh tâm lý chủ quan và gây nhiều khó khăn cho chính quyền trong công tác di dời người dân phòng tránh bão lũ./.

Nhóm PV/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/du-bao-bao-so-5-chua-sat-thuc-te-mien-trung-vat-va-phong-chong-dich-890430.vov