Dự án thí điểm thu hồi và lưu trữ CO2 quy mô lớn nhất thế giới

Các công ty con của PPL Corporation gồm Louisville Gas & Electric Company và Kentucky Utilities Company đang phối hợp cùng Viện EPRI và các trường đại học nằm trong khu vực tiểu bang Kentucky và Michigan (Mỹ) nhằm đánh giá tính khả thi của dự án thu giữ carbon quy mô lớn tại nhà máy điện Cane Run ở Kentucky.

Nhà máy điện Cane Run

Nghiên cứu này có thể đặt nền móng cho đơn vị thí điểm thu hồi và lưu trữ carbon quy mô lớn đầu tiên trên thế giới.

Dự án nghiên cứu năng lượng đổi mới này đang được tiến hành tại tiểu bang Kentucky, nhằm khám phá tiềm năng thu giữ carbon quy mô lớn từ khí đốt tự nhiên tại nhà máy điện Cane Run.

Các doanh nghiệp và các trường đại học hợp lực vì một dự án thu giữ carbon

Nghiên cứu được triển khai dưới sự cộng tác giữa các công ty con của PPL Corporation, Louisville Gas & Electric Company (LG&E) và Kentucky Utilities Company (KU), Viện Nghiên cứu và Phát triển Năng lượng độc lập EPRI, Đại học Kentucky, Công ty Kỹ thuật và Xây dựng Bechtel và Đại học Michigan.

Bộ Năng lượng Mỹ đã tài trợ 5,8 triệu USD vào năm 2022 cho dự án nghiên cứu công nghệ thu giữ carbon, liên quan đến nghiên cứu thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED), nhằm đánh giá tính khả thi và chi phí ước tính trong việc triển khai công nghệ thu giữ carbon do Đại học Kentucky phát triển trên CR7, để thu giữ ít nhất 95% lượng CO2 khí đốt thoát ra từ ống khói của nhà máy.

Kết quả đổi mới được mong đợi từ dự án thu giữ carbon CR7

CR7 đại diện cho các nhà máy điện chu trình hỗn hợp chạy bằng khí đốt tự nhiên (NGCC) ở Trung Tây và Trung Nam Mỹ, hai khu vực có khả năng lưu trữ CO2 về mặt địa lý còn bị hạn chế. Kết quả từ dự án CR7 sẽ cung cấp các thông tin có giá trị để trang bị thêm quy trình thu giữ carbon cho các đơn vị NGCC khác.

Nghiên cứu này sẽ đặt nền móng cho một đơn vị thí điểm thu hồi và lưu trữ carbon quy mô lớn từ 10-20 megawatt tại Cane Run. Nếu đơn vị được triển khai như đề xuất trong nghiên cứu FEED, thì đây sẽ là đơn vị thí điểm thu hồi và lưu trữ carbon quy mô lớn đầu tiên trên thế giới.

Về cam kết đạt được lượng phát thải CO2 bằng 0 đến năm 2050, công nghệ khử carbon là ưu tiên hàng đầu của các nhà cung cấp dịch vụ công. Nghiên cứu sẽ cho phép thực hiện các đánh giá cần thiết để mở rộng quy mô công nghệ thu giữ carbon hiện có và chuyển sang hoạt động chức năng và quy mô lớn hơn. Lượng carbon thu được có thể bán cho một hay nhiều doanh nghiệp địa phương tùy theo nhu cầu, hoặc lưu trữ vĩnh viễn dưới lòng đất.

Nghiên cứu FEED sẽ diễn ra từ đây đến giữa năm 2024, bao gồm những nghiên cứu sơ bộ FEED do Đại học Kentucky thực hiện và tập trung vào phạm vi và thiết kế của dự án. Đối với những phạm trù khác, Bechtel sẽ triển khai FEED, EPRI thực hiện các đánh giá kinh doanh, môi trường và kinh tế, còn Đại học Michigan sẽ thực hiện đánh giá vòng đời sản phẩm.

Hướng tới một tương lai không carbon: cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ công trong dự án đổi mới này

Khoản tài trợ liên bang dành cho nghiên cứu này là khoản tài trợ lớn nhất mà LG&E và KU giành được kể từ năm 2011, khi cùng một nhóm giành được khoản tài trợ cho một thí điểm thu giữ carbon tại nhà máy EW Brown. Nghiên cứu này cũng là một cột mốc quan trọng đánh dấu quan hệ hợp tác lâu dài giữa Đại học Kentucky với LG&E và KU, hai đơn vị đã hợp tác nghiên cứu công nghệ thu giữ carbon kể từ năm 2005.

Các nhà cung cấp dịch vụ trong dự án cam kết đạt được lượng khí thải carbon (GHG) ròng bằng 0 đến năm 2050, với các mục tiêu ngắn hạn là giảm 70% lượng khí thải CO2 vào năm 2035 so với mức của năm 2010 và 80% vào năm 2040. Các đơn vị này đã cùng hợp tác nghiên cứu đổi mới trong công nghiệp, đặc biệt là trong công nghệ khử carbon và hydro. Hiện họ đang vận hành hệ thống thu giữ carbon lớn nhất ở Kentucky, cơ sở năng lượng mặt trời quy mô tiện ích đầu tiên và lớn nhất ở Kentucky, cũng như hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô tiện ích đầu tiên và lớn nhất ở Kentucky.

Tại tiểu bang Kentucky, dự án năng lượng đổi mới này có tiềm năng làm nổi bật khả năng của công nghệ thu giữ carbon ở Kentucky, giúp cung cấp thông tin cho sự phát triển năng lượng sạch toàn cầu. Thử nghiệm công nghệ mới nổi trên quy mô lớn là một bước tiến quan trọng trong hành trình đi từ khái niệm đến thương mại hóa. Nghiên cứu này có thể đặt nền móng việc triển khai công nghệ thu giữ carbon chưa từng có trong một nhà máy điện chu trình hỗn hợp chạy bằng khí đốt tự nhiên.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/du-an-thi-diem-thu-hoi-va-luu-tru-co2-quy-mo-lon-nhat-the-gioi-682559.html