Dự án Thảo Điền Sapphire: Phạt cho tồn tại, cái sai có trở thành tiền lệ?

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đang “gây bão” với hàng loạt văn bản xin “gỡ” nhiều vấn đề, cụ thể xin “tha” cho sai phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire do Cty CP TDS làm chủ đầu tư.

Dự án Thảo Điền Sapphire do Cty CP TDS làm chủ đầu tư đang “dính” 1 loạt sai phạm nghiêm trọng.

HoREA xin “tha” cho doanh nghiệp

Tại Công văn số 88/CV, HoREA đề nghị UBND TP.HCM xem xét đơn xin cứu xét của chủ đầu tư Cty CP TDS tại dự án khu dân cư thấp tầng - Thảo Điền Sapphiretại số 145 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2. Trong đó, HoREA cho biết Cty TDS đã nhận chuyển nhượng lại dự án Thảo Điền Sapphire từ Cty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn.

Đặc biệt, HoREA nhấn mạnh: Khu đất này là một trong các khu đất được thành phố giao lại cho Cty GS để đầu tư kinh doanh bất động sản và theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN008526 ngày 25/06/2008 của Sở Tài nguyên và Môi trường cấp cho Cty GS thì khu đất này có diện tích 27.018,4 m² theo hình thức sử dụng đất là sử dụng riêng trên toàn bộ diện tích này đến ranh mép bờ cao sông Sài Gòn.

“Ngay từ đầu năm 2016, Cty TDS đã đề nghị xin tạm sử dụng một phần hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn để xây dựng công trình phụ tại dự án Thảo Điền Sapphire”, phần tiếp theo của công văn này nêu rõ.

Và sau đó, HoREA cho rằng: Văn phòng UBND thành phố đã có phiếu chuyển số 10212/VP ngày 19/04/2016 và phiếu chuyển số 10873/VP ngày 26/04/2016 giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với UBND quận 2 kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết đề nghị của Cty TDS.

Sau đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản số 2743 ngày 01/07/2016 báo cáo UBND thành phố với đề xuất, trong đó có đoạn: "Hiện nay, Quyết định 150/2004 ngày 09/06/2004 về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông kênh rạch đang trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, do đó Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận thấy việc Cty CP TDS đề nghị sử dụng tạm một phần hành lang bảo vệ sông Sài Gòn để xây dựng công trình phụ thuộc dự án Thảo Điền Sapphire sẽ được xem xét cụ thể sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định thay thế Quyết định 150".

“Theo quy định tại khoản 9, điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng có cho phép công trình vi phạm xây dựng đã chấp hành xử phạt hành chính, có thể được cho phép tồn tại, không phải tháo dỡ phần diện tích sai phạm nêu trên và đóng phạt do các công trình này không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Cty, và phải nộp lại số lợi có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép”, trong công văn này, HoREA dẫn Luật.

Chính bởi những căn cứ đó, HoREA “mạnh dạn” đề xuất UBND thành phố: “Hiệp hội kính đề nghị UBND thành phố quan tâm xem xét lại đơn xin cứu xét của Cty TDS theo hướng để cho phép các công trình xây dựng sai phép này được tồn tại để tăng thêm tiện ích cho khu dân cư, Cty TDS phải nộp lại số lợi có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép và sau này nếu thành phố triển khai các công trình phục vụ lợi ích công cộng thì Cty TDS phải tự tháo dỡ các công trình này khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.

Cần xử nghiêm, không sẽ thành tiền lệ

Trước những sai phạm có tính hệ thống liên quan đến dự án này, ông Nguyễn Thanh Hải – Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng miền Nam (SISP) cho rằng: Việc chủ đầu tư dự án này đã xây dựng sai so với thiết kế và quy hoạch mà Hiệp hội bất động sản thành phố làm văn bản xin cho tồn tại là không thể chấp nhận được.

“Anh đã vi phạm lộ giới, vi phạm hành lang bảo vệ sông, rạch vì vậy UBND thành phố xử phạt và cưỡng chế là chính xác. Việc Hiệp hội bất động sản “kêu” dùm cho doanh nghiệp như thế là chưa đúng, vì nếu làm thế lại khuyến khích các chủ đầu tư khác vi phạm”, ông Hải nêu quan điểm.

Đứng dưới góc độ là doanh nghiệp đầu tư và phát triển bất động sản, đại diện một doanh nghiệp (xin được giấu tên) cho biết nếu doanh nghiệp sai thì cần xử lý, tuy nhiên cũng cần phải có sự công bằng ngay với chính các cơ quan chức năng có liên quan, vì ông này cho rằng nếu không có sự “lơ là” của các cơ quan có thẩm quyền thì chủ đầu tư chẳng thể nào làm sai được.

“Nhà riêng của mình, chỉ cần mang cái dàn giáo lắp lên là có các cơ quan chức năng đến hỏi giấy phép sửa chữa ngay chứ đừng nói đến cả một dự án to như thế. Nếu các cơ quan này giám sát chặt thì đã không xảy ra chuyện chủ đầu tư xây dựng sai lớn đến như vậy. Vì vậy chắc chắn chủ đầu tư sai thì cần phải xử lý nghiêm nếu không sẽ thành tiền lệ xấu, nhưng bên cạnh đó cũng cần xử lý nghiêm các cán bộ đã buông lỏng quản lý dẫn đến những sai phạm này, cụ thể ở đây là lực lượng Thanh tra của Sở Xây dựng rồi đến các lực lượng của quận rồi phường”, đại diện doanh nghiệp thẳng thắn.

Tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ tháng 7 vừa qua, ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP đã khẳng định việc TP sẽ cưỡng chế vi phạm tại dự án này để làm gương.

Trong cuộc họp về kinh tế - xã hội ngày 5/9 mới đây, chính Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định: Luật là luật, tuyệt đối không du di cho các sai phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire.

Cần nói thêm, trong thời gian các cơ quan chức năng vào cuộc xác định sai phạm tại Thảo Điền Sapphire, thì chủ đầu tư đã phát văn bản “cầu cứu” khắp nơi nhằm muốn giữ lại phần sai phạm. Tuy nhiên, TP vẫn ra Quyết định xử phạt đơn vị này 1 tỷ đồng và buộc tháo dỡ, bên cạnh đó, nhà thầu Hòa Bình – đơn vị “tiếp tay” cho những sai phạm cũng bị phạt liên đới trách nhiệm.

Trong khi chủ đầu tư Thảo Điền Sapphire đang cho tháo dỡ phần sai phạm, thì ngày 18/8, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA đã ký công văn xin “tha” cho các sai phạm tại dự án này. Dư luận đang cho rằng HoREA đang muốn cái sai trở thành tiền lệ?!

Dự án Thảo Điền Sapphire có diện tích 27.018,4m². Dự án được cấp phép xây dựng 30 căn biệt thự cao 3 tầng, được chào bán với giá từ 45 tỷ đến hơn 100 tỷ đồng/căn.

Mạnh Cường

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/du-an-thao-dien-sapphire-phat-cho-ton-tai-cai-sai-co-tro-thanh-tien-le.html