Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc: Doanh nghiệp đang phải đối mặt nhiều khó khăn

Hồ Núi Cốc được tạo thành sau khi đập ngăn dòng trên Sông Công được xây dựng trong các năm 1973-1982. Hồ có diện tích khoảng 25km2, dung tích hồ chứa từ 20-176 triệu m3 nước tùy theo mùa. Hồ chứa được xây dựng nhằm mục đích chính là cung cấp nước tưới cho 12.000ha đất nông nghiệp phía hạ du. Ngoài ra, hồ còn cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp mỗi năm khoảng 40-70 triệu m3, cắt giảm lũ cho hạ lưu Sông Công.

Hiện nay, qua quá trình khai thác sử dụng tương đối dài (32 năm), cùng với sự thay đổi về môi trường do nạn chặt phá, khai thác rừng đầu nguồn, ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu của Trái đất; lũ lụt xảy ra ngày càng khó lường hơn; cùng với đó là một lượng lớn bùn, cát, đất, đá và các tạp chất rắn khác được dòng chảy lũ mang về từ thượng nguồn, khi gặp đập Núi Cốc bị chặn lại, bồi lắng trong lòng hồ làm cho dung tích hồ chứa ngày càng nhỏ lại, khả năng lấy nước giảm, làm cho nguy cơ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt và công nghiệp tăng cao. Mặt khác, nước hồ cạn cũng ảnh hưởng nhiều đến việc nuôi trồng thủy sản và khai thác các dịch vụ du lịch có sử dụng mặt nước lòng hồ. Theo tính toán của Tiến sỹ Ngô Lê Long (Đại học Thủy lợi) thì mỗi năm lòng hồ Núi Cốc bị bồi lắng trên 500.000m3 bùn, đất, đá, cát, sỏi...

Theo số liệu khảo sát lòng hồ năm 2001 và kết quả tính toán đánh giá sự bồi lắng lòng hồ, chủ yếu phân bố bùn cát bồi lắng theo thời gian và không gian cho thấy: bùn, cát không chỉ lắng đọng ở phần dung tích chết mà còn bồi dần lên cả phần dung tích hiệu dụng. Lượng bùn cát bồi lắng tại khu cửa vào hồ làm cản trở dòng chảy từ thượng lưu vào hồ. Khi hồ bị bồi lắng vượt trên cao trình +34m thì lượng bùn cát sẽ lấp dần cửa cống lấy nước, việc lấy lưu lượng bình quân Qbq = 15m3/s qua cửa cống để tưới sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, bùn, cát lắng đọng làm giảm dung tích hồ, làm tăng mật độ bùn cát lơ lửng dẫn đến giảm hàm lượng hòa tan ôxy trong nước, điều này có tác động xấu tới đời sống thủy sinh vùng nước đáy, làm giảm năng suất nghề cá, giảm dung tích hồ chứa dẫn đến khả năng chống lũ cho hạ lưu của công trình cũng giảm theo.

Để đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên hiện nay và những năm tiếp theo, phát huy được các công năng của hồ Núi Cốc thì việc nạo vét lòng hồ Núi Cốc là hết sức cần thiết và cấp bách bởi nhu cầu về nước sinh hoạt, nước cho phát triển Công - Nông nghiệp - Du lịch đòi hỏi ngày càng nhiều hơn về số lượng và khắt khe hơn về chất lượng; Đảm bảo khơi thông luồng lạch, tăng dung tích trữ nước của hồ chứa, tạo độ sâu mặt nước đảm bảo các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng thủy sản. Nếu không được tiến hành nạo vét kịp thời thì sau 20 năm nữa hồ Núi Cốc sẽ bị bồi lắng với số lượng lớn hơn 20 triệu m3, có nghĩa là về mùa kiệt hồ Núi Cốc bị bồi lắng hoàn toàn và không còn tác dụng nữa. Mặt khác, khi tiến hành nạo vét lòng hồ Núi Cốc sẽ tận thu được phần nào về vật liệu xây dựng, góp phần làm ổn định về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một yếu tố thu hút các doanh nghiệp về đầu tư các dự án lớn cho tỉnh nhà; ngăn chặn được tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước và cảnh quan môi trường trong khu vực; Tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Chính vì vậy, tại Giấy chứng nhận đầu tư số 17 121 000 036, ngày 26/8/2014 mà UBND tỉnh cấp cho Công ty CP đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt thực hiện đầu tư dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm đã xác định rõ về mục tiêu và quy mô dự án: Nâng cao tuổi thọ và tăng dung tích chứa nước công trình hồ Núi Cốc; Cải thiện môi trường, môi sinh và chất lượng nước của công trình hồ Núi Cốc nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và du lịch; Tận thu cát, sỏi và một số sản phẩm khác trong quá trình nạo vét làm vật liệu xây dựng góp phần đảm bảo cung ứng kịp thời, ổn định về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn và một số nhu cầu khác của xã hội; Ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường nước, việc vận hành và an toàn của các công trình thủy lợi hồ Núi Cốc.

Dự án đi vào hoạt động ổn định sẽ giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động, đem lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh, tăng thêm lợi nhuận cho Công ty và góp phần đẩy mạnh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo môi trường sinh thái.

Tỉnh Thái Nguyên đã cho triển khai dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm bằng hình thức lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, công nghệ để thực hiện dự án và cho phép tận thu các sản phẩm đi kèm để lấy thu bù chi; Tỉnh không phải dùng ngân sách để chi trả cho việc nạo vét lòng hồ. Việc làm này hết sức có ý nghĩa khi mà nguồn ngân sách tỉnh đang eo hẹp và còn nhiều mục tiêu khác cần thiết phải đầu tư. Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu sản phẩm đi kèm không phải là dự án khai thác cát, sỏi thông thường mà là dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc đã được chủ đầu tư tuân thủ đầy đủ theo pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống đại thủy nông Núi Cốc.

Để triển khai thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm theo đúng quy định của luật Đầu tư và các luật hiện hành khác, tỉnh đã xin ý kiến của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn và đã được Bộ trả lời tại văn bản số 3952/BNN-TCTL, ngày 6/11/2013 về việc triển khai dự án nạo vét bùn, cát lòng hồ Núi Cốc; UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và đã được Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương tại văn bản số 1214-TB/TU, ngày 9/5/2014, kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về việc thực hiện dự án thăm dò, nạo vét lòng hồ Núi Cốc. Sau đó UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ trì lấy ý kiến của các Sở, ngành và các đơn vị liên quan. Qua các ý kiến thẩm định và được sự đồng thuận của 11 Sở, Ban, ngành cùng các đơn vị liên quan, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp giấy chứng nhận đầu tư số 17121000036, ngày 26/8/2014 cho Công ty cổ phần đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt thực hiện đầu tư dự án: Nạo vét lòng Hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm. Sau khi giao cho Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), ngày 12/9/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2021/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Nạo vét lòng Hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm của Công ty cổ phần đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt; Sau khi giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm tra thiết kế cơ sở của dự án, tại văn bản số 979/SNN-QLXDCT, ngày 22/8/2014 về việc tham gia ý kiến thiết kế cơ sở dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm đã khẳng định: Thiết bị máy móc được doanh nghiệp đầu tư mới, giải pháp kỹ thuật lựa chọn để nạo vét lòng hồ Núi Cốc phù hợp; Bố trí các hạng mục công trình phục vụ thi công hoàn chỉnh; Phân khu vực và phương tiện nạo vét hợp lý, giảm thiểu tác động đến môi trường; Việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ phù hợp với quy định hiện hành. Ngày 18/9/2014, UBND tỉnh đã cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi số 2068/GP-UBND. Ngày 11/11/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt số 2568/GP-UBND cho Công ty cổ phần đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt; Ngày 17/11/2014, UBND tỉnh cấp giấy phép số 2646/GP-UBND, cho phép Công ty CP đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt được xả nước thải vào nguồn nước hồ Núi Cốc. Trong các quyết định tỉnh đều giao nhiệm vụ cho từng Sở chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của nhà đầu tư. Như vậy, về mặt pháp lý, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đúng trình tự quy định của pháp luật ban hành.

Sau hơn 02 năm thực hiện, công tác nạo vét lòng Hồ Núi Cốc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Tổng sản lượng nạo vét đã lên tới gần 1.000.000m3; ngân sách đóng góp cho nhà nước gần 6 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động (trong đó người lao động tại địa phương chiếm trên 50%) với mức thu nhập bình quân mỗi người là 8 triệu đồng/tháng; góp phần bình ổn giá vật liệu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đặc biệt từ khi Dự án được triển khai, với sự phối hợp tốt của đơn vị với chính quyền địa phương đã làm giảm đáng kể tình trạng khai thác cát sỏi trái phép.

Công tác bảo vệ môi trường được thực hiện đảm bảo theo các yêu cầu của ĐTM đã được phê duyệt. Việc này được đánh giá qua các đợt kiểm tra của các Sở, Ban ngành cũng như kết quả quan trắc định kỳ của Dự án.

Công ty đã được sự ủng hộ của UBND tỉnh Thái Nguyên dưới sự giám sát chặt chẽ của các Sở, Ban, ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trực tiếp giám sát quá trình nạo vét; Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp giám sát vấn đề đảm bảo môi trường; Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên; Chi cục thủy lợi và Ban quản lý khu du lịch vùng lòng hồ Núi Cốc trực tiếp kiểm tra phạm vi hoạt động của dự án và các đơn vị liên quan khác. Đặc biệt, dự án được sự ủng hộ của các cấp chính quyền xã, huyện trong vùng Dự án. Sự quan tâm đó đã góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư của Dự án. Trong quá trình thực hiện dự án, các Sở, Ban, ngành đã nhiều lần kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp. Các buổi làm việc đều kết luận chủ đầu tư đã đầu tư theo đúng dự án được phê duyệt. Đã có nhiều cơ quan truyền thông phản ánh chính xác, trung thực ủng hộ, động viên, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Khu vực lòng hồ đã trải qua một thời gian dài các hoạt động cát tặc nên vùng thượng lưu để lại rất nhiều đá to. vùng giữa hồ để lại các hố bùn sâu tới 3-4m, do vậy việc tận thu các sản phẩm từ công tác nạo vét là hết sức khó khăn.

Cán bộ công nhân công ty cũng rất băn khoăn trước một vài cơ quan truyền thông đã nhìn nhận dự án theo một góc nhìn phiến diện. Nhiều phóng viên đã không đến làm việc với chủ đầu tư để lấy thông tin đầy đủ về dự án nên khi viết bài có nhiều nội dung phản ánh thiếu tính khách quan, tính chính xác. Chính điều này đã gây ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo tỉnh; các Sở, Ban, ngành và chủ đầu tư; làm cho nhân dân hiểu sai về mục tiêu, ý nghĩa của Dự án.

Mảnh đất dân đang đòi được hỗ trợ.

Đặc biệt, trong năm nay, mực nước hồ Núi Cốc xuống thấp nên doanh nghiệp đã phải ngừng công tác nạo vét bằng tổ hợp tàu cuốc, xà lan từ ngày 26/4. Để đáp ứng tiến độ và yêu cầu của Dự án, Công ty đã triển khai tổ hợp ô tô, máy xúc, máy ủi lên phía thượng nguồn để nạo vét, xây dựng bãi số 05 theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường. Khi đến triển khai, đã có một số người dân ở xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba ra đóng cọc, ngăn cản không cho Công ty thực hiện, lấy lý do đất của cha ông khai phá trước năm 1975 (trước khi xây dựng Hồ Núi Cốc). Để giải quyết vấn đề này, ngày 08/5/2017, UBND xã Lục Ba đã có buổi làm việc với đại diện của Chi nhánh tại Thái Nguyên – Công ty CP Đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt và đại diện các hộ dân. Sau khi xem xét và đối chiếu với bản đồ địa chính, UBND xã đã giải thích cho người dân biết phần diện tích đất mà các hộ dân đề nghị không thể hiện trong bản đồ 299 của xã năm 1993. Bản đồ địa chính của xã Lục Ba năm 2008 thể hiện là đất mặt nước chuyên dùng thuộc lòng hồ Núi Cốc. Theo đề nghị của các hộ dân thì UBND xã không có cơ sở để xem xét giải quyết.

Lãnh đạo UBND huyện Đại Từ đã cho biết: Để trả lời những kiến nghị về hỗ trợ, đền bù của các hộ dân, UBND huyện Đại Từ đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường rà soát, tham mưu và UBND huyện đã có Văn bản số 850/UBND-TNMT, ngày 12/6/2017 trả lời tới các hộ dân tại xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba. Trong văn bản đã nêu rõ: Qua kiểm tra hồ sơ và hiện trạng thực tế, xác định là đất nằm trong phạm vi lòng hồ Núi Cốc (dưới cos 46,2) do Nhà nước quản lý (đã giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên quản lý, sử dụng) từ trước ngày 15/10/1993, ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực thi hành. Theo hồ sơ quản lý đất đai của xã Lục Ba thể hiện là đất mặt nước chuyên dùng hồ Núi Cốc do Nhà nước quản lý, không giao cho hộ gia đình, cá nhân nào, không cho phép sử dụng vào mục đích canh tác, sản xuất khác. Căn cứ theo quy định tại Điều 82, Luật Đất đai năm 2013 thì phần diện tích thuộc lòng hồ Núi Cốc (dưới cos 46,2) do Nhà nước quản lý, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng dất và không được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Việc các hộ dân kê khai là tự khai phá từ trước năm 1975, nay đề nghị được bồi thường, hỗ trợ công khai phá, cải tạo đất là không có cơ sở thực hiện.

Đồng thời, UBND huyện Đại Từ đã có Văn bản số 851/UBND-TNMT, ngày 12/6/2017 với nội dung: Đề nghị Đảng ủy xã Lục Ba chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xã Lục Ba tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, không được tụ tập đông người, gây cản trở việc thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc đã được UBND tỉnh cấp phép;

Giao cho UBND xã Lục Ba thông báo đến nhân dân tại khu vực về việc xây dựng bãi tập kết sản phẩm nạo vét thuộc dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc đã được UBND tỉnh cấp phép, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, không được tụ tập đông người, gây cản trở việc thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc trong phạm vi diện tích đất lòng hồ (dưới cos 46,2); chỉ đạo bố trí các lực lượng của địa phương đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực, chủ động theo dõi nắm bắt tình hình; có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và lập hồ sơ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tụ tập đông người, gây cản trở hoạt động sản xuất, gây rối trật tự công công trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quy định của pháp luật.

Giao cho Công an huyện Đại Từ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực; phối hợp với UBND xã Lục Ba xử lý và tổ chức giải tỏa các hành vi tụ tập đông người, gây cản trở hoạt động sản xuất của dự án, đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực theo đúng quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, một số hộ dân vẫn cố tình vi phạm bằng hành vi xếp đá ra đường, dựng lều, tụ tập đông người ngay trong công trường của Dự án, ngăn cản không cho xe cộ, máy móc qua lại. Trước tình hình đó, Chi nhánh tại Thái Nguyên – Công ty CP Đầu tư Bất động sản và Khoáng sản Đại Việt đã báo cáo UBND huyện Đại Từ về sự việc. UBND huyện Đại Từ đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành của huyện, UBND xã Lục Ba tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con, đặc biệt ngày 21/6 đã có cuộc đối thoại với người dân dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND huyện Đại Từ. Sau khi đối thoại, Chủ tịch UBND huyện đã kết luận với một số nội dung chính gồm: Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép theo quy định của pháp luật; Việc nhân dân dựng lán trại tại khu vực đường vào bãi chứa vật liệu của Công ty Đại Việt là không đúng theo quy định của pháp luật; Diện tích mà nhân dân đề nghị bồi thường, hỗ trợ nằm trong phạm vi lòng hồ Núi Cốc (dưới cos 46,2) do Nhà nước quản lý, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không được bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi. Việc các hộ dân kê khai là tự khai phá từ trước năm 1975, nay đề nghị được bồi thường hỗ trợ công khai phá, cải tạo đất là không có cơ sở thực hiện.

Thiết nghĩ rằng việc đòi hỏi của các hộ dân là chưa thỏa đáng vì diện tích đề nghị hỗ trợ hiện chỉ là các ụ đất đá nổi do việc khai thác cát, sỏi trái phép trước đây để lại, khi hỏi đến cao trình thì chỉ huy công trường cho biết toàn bộ diện tích mà một số hộ dân đòi hỏi bồi thường hỗ trợ đều nằm dưới cao trình 46,2 (cao trình thuộc diện tích chuyên dụng của lòng hồ Núi Cốc). Được biết, sau khi có kết luận của Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, một số người dân vẫn tiếp tục vi phạm, nguyên nhân có thể do một số phần tử xấu trong quá trình khai thác trái phép cát sỏi bị các lực lượng chức năng của huyện truy quét nên đã quấy rối, kích động.

Từ những nội dung trên có thể khẳng định:

Dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm đang được thực hiện theo các văn bản đã được UBND tỉnh cấp phép.

Khi có những hành vi cản trở của người dân, Công ty đã báo cáo với các cấp chính quyền và đã được các cấp chính quyền quan tâm, vào cuộc kịp thời.

Việc đề nghị bồi thường, hỗ trợ của một số người dân ở xóm Bẫu Châu là không có cơ sở pháp lý để thực hiện; Hành vi ngăn cản công tác thực hiện dự án như giữ đất không thuộc quyền sở hữu của mình, ngăn đường không cho phương tiện xe máy qua lại của một số người dân xóm Bẫu Châu là vi phạm pháp luật.

Sự can thiệp của các cấp chính quyền để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của Công ty Đại Việt do một số hộ dân gây ra là kịp thời, đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công việc cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, các cấp chính quyền cần tiếp tục vào cuộc bằng những biện pháp hữu hiệu để giải tỏa dứt điểm các hành vi tụ tập đông người, gây cản trở việc thực hiện dự án, đồng thời tìm ra những thành phần kích động quần chúng và những đối tượng cố tình vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sơn Hà

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/du-an-nao-vet-long-ho-nui-coc-doanh-nghiep-dang-phai-doi-mat-nhieu-kho-khan.html