Dự án mỏ sắt Thạch Khê: Hàng loạt ảnh hưởng đến đời sống nhân dân sau 12 năm tạm dừng

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê sau 12 năm tạm dừng đã để lại nhiều hệ lụy đối với đời sống nhân dân, đến nay người dân sinh sống ở vùng mỏ chỉ mong sớm chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt này.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (viết tắt là Dự án) do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 14.500 tỷ đồng.

Dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2009, Dự án triển khai rầm rộ để thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. 2 năm sau, Dự án tạm dừng, chủ đầu tư thu về được 3.000 tấn quặng.

Đến nay, sau 12 năm tạm dừng, Dự án nghìn tỷ chỉ còn... đống hoang tàn. Mùa mưa, hàng nghìn hécta đất sản xuất ngập trong nước lũ, đồng ruộng sình lầy, xói lở. Mùa nắng, đồng khô, cỏ cháy, cát bụi mù mịt. Nguồn nước nhiễm phèn, tụt nước ngầm. Đất ở không được cấp; tài sản đã kiểm đếm nhưng không được đền bù; lao động không có việc làm; hạ tầng không được đầu tư xây dựng…

Đó là hàng loạt hệ lụy từ Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê đeo đẳng người dân của 5 xã bãi ngang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhiều năm qua.

 Ngày 16/8, tại trụ sở báo Đại Đoàn Kết đã diễn ra tọa đàm trực tuyến “Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?”, tại đây người dân, lãnh đạo xã bị ảnh hưởng bởi mỏ sắt này mong muốn sớm chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Ngày 16/8, tại trụ sở báo Đại Đoàn Kết đã diễn ra tọa đàm trực tuyến “Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?”, tại đây người dân, lãnh đạo xã bị ảnh hưởng bởi mỏ sắt này mong muốn sớm chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Là địa phương chịu nặng nề nhất của Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê, ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: Thạch Hải là 1 trong 5 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Mỏ sắt được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á.

Từ khi dự án đi vào hoạt động khai thác đã không được như mong muốn ban đầu và đã để lại nhiều hệ lụy đối với đời sống người dân các xã trong vùng mỏ trong đó có xã Thạch Hải.

Lãnh đạo xã Thạch Hải cũng đã thống kê ra nhiều hệ lụy người dân nơi đây đang phải gánh chịu như: Toàn bộ khối lượng bùn đất của bãi thải mỏ sắt đã sụt lún san lấp hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp, mồ mả, hoa màu cây cối bị vùi lấp dưới chân bãi thải, bà con nhân dân di dời khẩn cấp 1500 ngôi mộ ra khỏi khu vực bãi thải, nhiều ngôi mộ không được tìm thấy.

Các nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Do địa phương không có nguồn nước máy mà sử dụng nguồn nước sinh hoạt ăn uống từ giếng khoan, khi khai thác xuống độ sâu 20-30 m thì bị tụt nguồn nước ngầm, do đó người dân phải khoan lại giếng sâu xuống 15m bị nhiễm phèn, nhiễm sắt rất nặng. Đất sản xuất bị khô cằn thiếu nước, phải bỏ hoang hóa.

 Ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: "Đến nay người dân sinh sống ở vùng mỏ chỉ mong sớm chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để địa phương ổn định phát triển kinh tế xã hội."

Ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: "Đến nay người dân sinh sống ở vùng mỏ chỉ mong sớm chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để địa phương ổn định phát triển kinh tế xã hội."

Đất ở của người dân không được cấp đến nay có 228 hộ gia đình có từ 3-4 thế hệ ở trong một nhà, nhu cầu các hộ cần được cấp đất để tách hộ, có gia đình 15 người sống trong nhà cấp 4 đời sống rất là khó khăn thiếu thốn.

Các cơ sở hạ tầng của địa phương không được đầu tư đồng đồng bộ, đặc biệt hệ thống đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Trung tâm hành chính của xã không được đầu tư, cán bộ công chức đang làm việc tạm bợ trong các dãy nhà cấp 4, ẩm thấp.

Người dân không có việc làm, phải đi tìm kiếm việc làm khắp nơi, thu nhập không ổn định, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện 5,13%. Con em học hành không đến nơi đến chốn, thiếu người chăm sóc do bố mẹ phải đi làm ăn.

Thông tin trước sự việc nếu Dự án tiếp tục khai thác sẽ phải đổ thải lấn biển trên diện tích hơn 900ha, việc đổ thải lấn biển này sẽ tác động như thế nào đến môi trường biển. Ông Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho biết: Trước hết, dòng bùn cát dọc bờ sẽ thay đổi mà dòng bùn cát ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái biển.

"Nó có thể tạo ra vùng bồi và vùng lở với bờ biển. Đấy là còn chưa nói tới việc đổ thải có thể tạo ra các chất ô nhiễm như các kim loại nặng nằm trong đất đá thải hay tạo ra SO4 có thể gây ra thay đổi môi trường nước biển. Như vậy, chắc chắn rằng sự toàn vẹn của sinh thái biển sẽ hoàn toàn thay đổi", ông Hải nói.

 Ông Phạm Lê Hùng, đại diện chủ đầu tư Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê thông tin trước việc nên tiếp tục Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, hay nên dừng Dự án.

Ông Phạm Lê Hùng, đại diện chủ đầu tư Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê thông tin trước việc nên tiếp tục Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, hay nên dừng Dự án.

Là đại diện chủ đầu tư Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, ông Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long nói: “Về pháp lý dự án thì chưa có văn bản chỉ đạo nào bảo dừng cả. Tôi cũng xin nói thêm, một dự án chỉ có dừng triển khai khi xảy ra hai điều. Thứ nhất, chủ đầu tư xin dừng dự án. Thứ hai, trong quá trình triển khai dự án vi phạm nghiệm trọng quy định pháp luật. Ở đây, hai điều nói trên không xảy ra nên tôi cho rằng mỏ sắt Thạch Khê thì không có lý do gì để dừng cả”.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (dự án) do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, nằm trên địa phận huyện Thạch Hà có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 14.517,2 tỷ đồng. Tổng diện tích sử dụng đất: 4.821ha, gồm 3.898ha trong đất liền và 923ha lấn biển. Diện tích đất TIC đã ký hợp đồng thuê đất là 552ha. Tổng số hộ ảnh hưởng khoảng 37.027 hộ, 134.925 nhân khẩu. Từ năm 2008 đến năm 2011, chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, đến độ sâu -34m, thu hồi 3 nghìn tấn quặng. Dự án đã dừng hoạt động khai thác từ năm 2011 đến nay.

Mới đây, vào ngày 3/7/2023 tại buổi làm việc với Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Dũng, mong cấp có thẩm quyền sớm đưa ra phương án chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê - nơi được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-an-mo-sat-thach-khe-hang-loat-anh-huong-den-doi-song-nhan-dan-sau-12-nam-tam-dung-post260684.html