Dự án khởi nghiệp sáng tạo thiết thực

Xuất phát từ nhu cầu dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo dục STEM… nhóm học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn đã nghiên cứu về dự án kinh doanh học liệu và khóa học lĩnh vực khoa học, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật với những nguyên lý hoạt động đơn giản, đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong môi trường dạy và học. Dự án được đánh giá cao và đạt giải nhì tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2023.

Các thành viên trong nhóm nghiên cứu thuyết trình dự án cho Ban Giám khảo Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2023

Các thành viên trong nhóm nghiên cứu thuyết trình dự án cho Ban Giám khảo Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2023

Từ hè năm 2023, nhóm học sinh gồm Nguyễn Thu Trinh lớp 11 A1, Dương Thùy Trang lớp 11 A1, Nông Đức Duy lớp 11 C1, Nông Nguyễn Dũng lớp 11 C2; Trần Đình Quyết lớp 11 A1, Trường THPT chuyên Chu Văn An đã nghiên cứu và thực hiện đề tài: “Kinh doanh học liệu và khóa học lĩnh vực khoa học, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật”, đề tài thuộc lĩnh vực giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính do thầy Nguyễn Minh Tú, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT chuyên Chu Văn An hướng dẫn.

Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng thực hiện dự án này, em Nguyễn Thu Trinh, lớp 11 A1, trưởng nhóm cho biết: Sau khi học Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như tham gia các mô hình giáo dục STEM, chúng em có những lúng túng và bỡ ngỡ khi mới tiếp cận với các hoạt động giáo dục này, từ đó chúng em có ý tưởng làm một dự án cung cấp tài liệu tham khảo, gợi ý nội dung giảng dạy, học tập cho các câu lạc bộ STEM hoặc các bạn chuẩn bị tiếp cận với STEM. Trên cơ sở kiến thực đã học được từ môn Vật lý, Tin học chúng em đã hình thành ý tưởng và chế tạo bộ sản phẩm.

Dự án được nhóm nghiên cứu dựa trên nội dung kế hoạch bài giảng, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo; phiếu học tập của học sinh trung học gắn với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trải qua quá trình nghiên cứu và được sự tư vấn của thầy giáo hướng dẫn, các em đã nghiên cứu ra 2 học liệu và 1 khóa học, gồm: học liệu “Thí nghiệm khoa học với InnoLab” (InnoLab là dòng sản phẩm bao gồm nhiều loại cảm biến không dây để đo nhiều đại lượng khác nhau có thể hoạt động độc lập hoặc kết nối với phần mềm thu nhập và phân tích dữ liệu); học liệu “Trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật với máy tính lập trình đa chức năng”; khóa học 12 buổi về khoa học, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật tại Cung Thanh thiếu nhi Lạng Sơn. Sau khi hoàn thành ý tưởng, các em đã phối hợp với Công ty TNTT Công nghệ Trí tuệ nhân tạo AIITT, thành phố Hồ Chí Minh để hiện thực hóa các thiết bị, sản phẩm và sản xuất số lượng lớn, phù hợp, an toàn với người dùng.

Thầy Nguyễn Minh Tú, giáo viên hướng dẫn dự án cho biết: Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật tuy đã được nhắc tới nhiều trong chương trình dạy và học nhưng vẫn là mới đối với giáo viên và học sinh. Tài liệu chưa nhiều và phù hợp với đối tượng để nghiên cứu, bên cạnh đó, trang bị thiết bị phù hợp với lĩnh vực ngoài thị trường lại có giá thành khá cao nên cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận công nghệ của giáo viên và học sinh. Các học liệu là nguồn tài liệu, gợi ý nội dung giảng dạy hữu ích cho giáo viên các môn khoa học tự nhiên, công nghệ, tin học; học sinh; các câu lạc bộ STEM; các trung tâm giáo dục STEM.

Từ những nghiên cứu về lý thuyết và thực tế sử dụng dành cho giáo viên và học sinh tại Trường THPT chuyên Chu Văn An, khóa học tại Cung Thanh thiếu nhi Lạng Sơn, dự án nhận được những phản hồi ưu việt từ người sử dụng như: giúp giáo viên, học sinh được thực hành với thí nghiệm đảm bảo tính chính xác, khoa học, thu thập được nhiều số liệu theo thời gian, hỗ trợ vẽ đồ thị, hiển thị thông tin trên máy tính; tạo hứng thú hơn so với những phương pháp thông thường; khóa học trực tiếp tổ chức tại Cung Thanh thiếu nhi giúp học sinh tiếp cận với các ứng dụng mới: thiết kế trên Canva, sử dụng máy tính nhúng Yolo:Bit (máy tính được lập trình đa năng) tạo nên các dự án thiết thực (đo nhiệt độ, cường độ sáng trong phòng…), lập trình kéo thả Scratch, lập trình sử dụng Yolo:Bit điều khiển các thiết bị bằng giọng nói … Hiện nay, học liệu và khóa học đã được đưa ra thị trường trên kênh bán hàng trực tuyến với giá thành từ 655 nghìn đồng đến 1 triệu 350 nghìn đồng/sản phẩm.

Cô Vy Thị Việt Hà, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Lộc Bình cho biết: Tôi đang sử dụng học liệu “Thí nghiệm khoa học với InnoLab” trong giảng dạy. Việc sử dụng học liệu giúp học sinh hứng thú với bài giảng hơn, đặc biệt những dữ liệu mà học liệu thu lại như đo nhiệt độ, sự nóng chảy và sự đông đặc, sự hóa hơi và sự ngưng tụ… đảm bảo tính chính xác, ổn định hơn so với những thiết bị thông thường.

Cô Lê Thị Mạnh Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An cho biết: Ý tưởng của các em rất sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và được đánh giá cao tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2023. Đây cũng là một đề tài khá mới đã đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, cung cấp đầy đủ học liệu để tổ chức, thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

“Kinh doanh học liệu và khóa học lĩnh vực khoa học, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật” là một dự án mang ý nghĩa thiết thực. Mong rằng dự án sẽ được ứng dụng rộng rãi trong các trường học trên địa bàn trong và ngoài tỉnh trong thời gian tới.

THU HIỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/629331-du-an-khoi-nghiep-sang-tao-thiet-thuc.html