Dự án Ethanol Bình Phước từng 'chết yểu' sắp tái khởi động

Nhà máy Ethanol Bình Phước nằm trong 12 dự án thua lỗ ngành Công thương sắp đực tái khởi động để phục vụ sản xuất kinh doanh cho Công ty TNHH Xăng nhiên liệu Phương Đông (OBF).

Được biết, dự án Ethanol Bình Phước được khởi công năm 2010 với sự hợp tác giữa Tập đoàn Itochu (Nhật Bản), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Licogi 16. Phần vốn góp các nhà đầu tư gồm Itochu 49%, PVOil (29%) và Licogi 16 (LCG) (22%). Đến tháng 9/2014, Itochu đã sang nhượng toàn bộ phần vốn góp tại OBF cho Công ty Toyo Thái New Energy Lte. Ltd.

Nhà máy Ethanol Bình Phước có công suất 300,000 lít xăng E5/ngày; hàng năm, nhà máy dự kiến tiêu thụ 240,000 tấn sắn khô nguyên liệu cho nông dân tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên. Từ tháng 4/2012, nhà máy đi vào hoạt động và mới sản xuất được 14 triệu lít xăng sinh học (tương đương 1.4 triệu lít/tháng). Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho xăng E5 đối với OBF không dễ dàng, khi người dân sử dụng xăng E5 rất ít. Tình hình kinh doanh tiếp theo đó vẫn không sáng sủa nên sau đó nhà máy xăng nhiên liệu này phải tạm dừng hoạt động.

Ethanol Bình Phước đắp chiếu từ năm 2015

Phía LCG, phần vốn đóng góp vào nhà máy này là 22%, theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017 của LCG, thì khoản dự phòng giảm giá đầu tư vào đây là 123.5 tỷ đồng. Nhắc lại rằng năm 2013, LCG đã chịu lỗ nặng hơn 306 tỷ đồng cũng bởi do trích lập 98 tỷ đồng cho dự án này.

Câu chuyện khó khăn của OBF không phải là trường hợp cá biệt, đặt trong ‘bức tranh’ tối màu của ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học trong nước, với ‘cái chết’ của một loạt nhà máy nhiên liệu sinh học trải dài từ Bắc vào Nam như nhà máy NLSH của Tập đoàn Dầu khí PVN và Sea Bank ở Tam Nông, Phú Thọ; nhà máy Ethanol của PVN ở Dung Quất, Quảng Ngãi cùng một số nhà máy nhỏ khác.

Hoạt động thua lỗ nặng nề của OBF khiến khoản đầu tư của LCG ‘đổ sông đổ bể’ chỉ một thời gian ngắn sau đó. Năm 2013, LCG phải trích lập dự phòng tới 98,2 tỉ đồng cho khoản đầu tư trên, góp phần không nhỏ khiến LCG chứng kiến một trong những năm đen tối nhất kể từ ngày thành lập, với khoản lỗ kỉ lục 308 tỷ đồng.

Với ý định tái đầu tư để hoạt động sản xuất trở lại sẽ có nguy cơ gặp một vấn đề lớn có thể gây khó khăn cho dự án này liên quan đến các khoản vay tại các ngân hàng để tài trợ cho dự án, phía ngân hàng mà đang cho OBF vay không đồng ý giãn nợ.

Trong số những tổ chức tín dụng cho OBF vay tiền, Ngân hàng TNHH Indovina (IVB), liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Công thương Vietinbank và Ngân hàng Cathay United (CUB) của Đài Loan, là một trong những bên lo lắng nhất. Tới thời điểm ngày 31/12/2015, IVB ghi nhận khoản nợ xấu lên tới 10 triệu USD liên quan tới OBF, được phân loại vào nợ nhóm 4, chiếm phần lớn nợ nhóm này của IVB (10,24 triệu USD).

Bên cạnh đó, theo nguồn tin riêng của PV, tính đến thời điểm mà dự án này thua lỗ, tình hình đối với các tổ chức tín dụng khác đã tài trợ vốn cho OBF chắc hẳn cũng không mấy khả quan. Theo đó, OBF đã huy động được hơn 1.100 tỷ đồng tiền vay từ Agribank, Bảo Việt Bank, Ngân hàng liên doanh Việt Thái (Vinasiam Bank – nay là một chi nhánh của Ngân hàng Siam, Thái Lan), May Bank (Malaysia), Tổng Công ty tài chính CP dầu khí Việt Nam (PVFC – Nay là NHTMCP Đại Chúng PVCombank) và một TCTD trong nước khác.

Với kế hoạch đầu năm 2018 sẽ thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng sinh học E5, dự án xăng nhiên liệu sinh học Bình Phước của LCG khởi động lại là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng đầy thách thức bởi với chi phí đầu tư thì giá xăng E5 sản xuất ra là 15,000 đồng/lít, một mức giá dự báo rất khó để có lãi.

Mai An

Nguồn ANTT: http://antt.vn/du-an-ethanol-binh-phuoc-tung-chet-yeu-sap-tai-khoi-dong-209378.htm