Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Tổng thầu Trung Quốc lại yêu cầu lùi thêm 3 tháng

Mới đây, Tổng thầu EPC Trung Quốc tiếp tục kiến nghị lùi tiến độ hoàn thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Người dân xem phối cảnh dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Sáng 20-5, Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) đã mở cửa nhà ga kiểu mẫu La Khê, Hà Đông để người dân vào tham quan. Đa số người dân bày tỏ sự ủng hộ và mong mỏi tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội và cả nước sớm đi vào vận hành. Tuy vậy, tuyến đường sắt này nhiều khả năng phải lùi thời điểm hoàn thành thêm 3 tháng.

Mong mỏi của người dân

Trong ngày mở cửa đầu tiên để người dân vào tham quan (20-5), Ban QLDA Đường sắt ước tính, có khoảng 4.000 người dân đến tham quan đoàn tàu và nhà ga mẫu La Khê. Người đến xem có đầy đủ các lứa tuổi, thành phần, từ trẻ em, thanh niên, sinh viên đến người về hưu, cán bộ, công chức...

Dù còn một vài ý kiến đóng góp về hạ tầng của nhà ga như bậc thang lên xuống hơi cao, sàn tàu đường sắt và nhà ga còn có một khe rộng chừng 15cm, trẻ em dễ bị lọt chân song đa số ý kiến đều bày tỏ sự ủng hộ.

Cuối năm 2016, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho lùi thời hạn hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào quý II-2018. Đầu tháng 3-2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có văn bản đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT.

Chị Nguyễn Lan Anh ở phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Dù mới chỉ có 1 đoàn tàu và 1 nhà ga nhưng cũng thấy rất hiện đại và năng động. Hy vọng toàn tuyến sẽ đúng như nhà ga kiểu mẫu này và dự án sớm đi vào vận hành để người dân có thêm sự lựa chọn cho vận tải khách công cộng”.

Hầu hết người dân đến tham quan đều rất mong mỏi, dự án đường sắt trên cao đầu tiên Cát Linh - Hà Đông sớm hoàn thành. Tuy vậy, tiến độ của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này tại Hà Nội lại một lần nữa đối diện nguy cơ lỗi hẹn dù vừa qua, phía Trung Quốc đã đồng ý thông qua khoản vay bổ sung 250 triệu USD (số tiền phải vay thêm vì dự án đội vốn - PV) và tại nhiều cuộc họp lãnh đạo Bộ GTVT đều khẳng định, không lùi tiến độ.

Không tiến, chỉ lùi

Mới đây, Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC của dự án) thông tin, thời gian phê duyệt kết quả mời thầu các gói thầu chuyên ngành bị chậm trễ nghiêm trọng. Liên quan đến danh mục miễn thuế chuyên ngành thông tin tín hiệu, Tổng thầu đã 3 lần gửi văn bản đến Ban QLDA Đường sắt để giải quyết sớm vấn đề nhưng phải đến ngày 4-5 vừa qua, Tổng cục Hải quan mới phê duyệt danh mục này.

“Do thời gian đưa cáp quang/cáp điện và lô thiết bị đầu tiên vào hiện trường bị chậm trễ, Tổng thầu yêu cầu điều chỉnh kéo dài tương ứng thời gian hoàn thành lắp đặt và căn chỉnh thiết bị chuyên ngành thông tin, tín hiệu”, đại diện Tổng thầu EPC cho hay. Theo đó, một số hạng mục thuộc chuyên ngành thông tin và tín hiệu phải đến ngày 29-12-2017 mới hoàn thành.

Do đó, thời gian đưa đoàn tàu vào vận hành thử không tải phải chuyển tới 30-12-2017 thay vì từ 1-10-2017. “Tổng hợp những nguyên nhân trên, thời gian đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại sẽ lùi lại, điều chỉnh thành ngày 30-6-2018 thay vì 31-3-2018”, đại diện Tổng thầu EPC thông tin.

Ngoài ra, hiện nay, một số hạng mục khác cũng đang bị chậm tiến độ vì thiếu vốn. Bộ GTVT cũng nhìn nhận, một số hạng mục của dự án đang chậm so với tiến độ đề ra (các hạng mục khu Depot, hoàn thiện ga mẫu, công trình phụ trợ đối với các ga còn lại ...) do Tổng thầu không bố trí thêm vốn lưu động, chưa chi trả kinh phí phần khối lượng đã hoàn thành vì vậy các nhà thầu phụ không còn đủ năng lực tài chính để triển khai.

Tới nay, dù phía Trung Quốc đã thông qua khoản vay bổ sung 250 triệu USD nhưng đến thời điểm nào Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) mới rót vốn thì vẫn còn phải chờ. Bởi vậy, dư luận không khỏi nghi ngờ, liệu cái đích 30-6-2018 đã là “ga” cuối? Được biết, Bộ GTVT đã có văn bản gửi China Eximbank (đồng thời gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam) đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục giải ngân cho dự án, đảm bảo tiến độ.

Người dân Thủ đô tham quan ga La Khê (Hà Đông)

Toa đầu máy tàu Cát Linh - Hà Đông

Nhiều người dân thích thú khi ngồi thử trên toa tàu

Tham quan ga La Khê thuộc dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Quỳnh (ở Hà Đông) cho biết, cơ sở hạ tầng của nhà ga khá hiện đại, các toa tàu cũng được bố trí ghế ngồi, chỗ vịn tay rất hợp lý. “Nếu tốc độ tàu nhanh và giá vé hợp lý thì tôi sẽ cùng những người trong gia đình sử dụng phương tiện này để vào trung tâm Hà Nội mỗi khi có việc”, ông Nguyễn Văn Quỳnh nói.

Tàu Cát Linh - Hà Đông gồm 4 toa, chở được hơn 1.200 người, tốc độ tối đa 80 km/h. Trong đó, toa đầu máy nặng khoảng 35 tấn, dài 19m, cao 3,8m, rộng 2,8m. Toa khách nặng 32 tấn. Tàu khai thác hàng ngày từ 5h-23h (18 tiếng, tần suất tối đa 2 phút/chuyến). Năng lực vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/h.

Theo kế hoạch, dự án hoàn thành năm 2016 nhưng bị chậm tiến độ, nên chỉ chạy thử nghiệm vào cuối năm nay và khai trương vào quý II-2018.

Lam Thanh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/du-an-duong-sat-tren-cao-cat-linh-ha-dong-tong-thau-trung-quoc-lai-yeu-cau-lui-them-3-thang/728723.antd