Dự án chống ngập “ngốn tiền tỷ”: Vẫn ngập!

Đã hơn 15 năm chống ngập tại TP.HCM, bắt đầu từ những dự án xóa ngập tại khu vực trung tâm thành phố vào những năm 2000-2002, đến chống ngập cho cả khu vực lớn như lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé... trong những năm 2007-2010. Thế nhưng dù tốn nhiều tỷ đồng cho hàng loạt dự án chống ngập, TP.HCM vẫn chưa thoát ngập, thậm chí ngập còn nặng nề hơn, ngập nặng từ các dự án chống ngập. Vì sao?

Một thời khổ vì lô cốt chống ngập!

TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học - Công nghệ và Quản lý TP.HCM: “Việc cần làm bây giờ là phải tính toán lại các chương trình, dự án này, cái nào hiệu quả thì làm tiếp, cái nào không còn phù hợp thì loại ra, không nên tiếp tục đầu tư. Điển hình như hiện nay, TP.HCM đang nâng Quốc lộ 13 để chống ngập thì song song cũng có một dự án chống ngập hết sức quy mô là dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn, dài khoảng 4 km có tổng mức đầu tư 444 tỷ đồng, đã thi công một số hạng mục. Làm như vậy là lãng phí thấy rõ”.

Nhắc về chuyện chống ngập từ nhiều năm trước, người dân tại TP.HCM phải lắc đầu ngao ngán vì lô cốt, thời điểm đó TP.HCM như một “đại công trường”. Suốt những năm 2002-2013, cùng lúc 3 dự án chống ngập tiến hành triển khai đào đường đặt cống thoát nước trên hàng trăm tuyến đường tại TP.HCM thì người dân phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, bởi mở cửa ra là thấy lô cốt.

Thế nhưng người dân đành “bấm bụng” chịu khó vì mong tương lai thành phố không còn ngập. Năm 2011 có đến 256 lô cốt và hàng rào chắn “án ngữ” trên nhiều tuyến đường trong thành phố, khiến cuộc sống người dân tưởng chừng đảo lộn: Gây bụi bặm, kẹt xe, ngập nước ảnh hưởng đến giao thông, sản xuất, kinh doanh... Chống ngập đồng loạt đại quy mô như vậy, nhưng trong cơn mưa hơn 1 tiếng đồng hồ ngày 26/9/2016 nhiều tuyến đường chìm trong biển nước, ngập tràn vào nhà dân cho thấy dự án lớn đầu tư hệ thống cống thoát nước bị tê liệt hoàn toàn.

Tìm qua một số tài liệu, thời điểm triển khai các dự án chống ngập có hơn 100 km đào đường, có thể nói, quy mô đào đường lắp đặt hệ thống cống thoát nước lớn nhất là ở dự án “Vệ sinh môi trường thành phố - Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” với khoảng hơn 50 km cống các loại trên địa bàn các quận 3, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình. Trong đó có nhiều cống hộp có đường kính 2,5 x 2,5 m. Tương tự, dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 1” đã lắp đặt khoảng 30 km cống các loại trên địa bàn các quận 1, 3, 5, 10, 11. Còn ở dự án “Nâng cấp đô thị TP.HCM” lắp đặt khoảng 25 km cống thoát nước trên địa bàn các quận 6, 11, Tân Phú, Tân Bình...

Chống là vậy, nhưng TP.HCM vẫn có khoảng 30 điểm ngập, như đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), Xa lộ Hà Nội (quận 2, Thủ Đức), Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), Phạm Văn Đồng (Thủ Đức)... Đơn cử, tại đường Nguyễn Văn Quá, từ đầu mùa đến nay, người dân luôn phải hứng chịu cảnh ngập nặng. Sau một thời gian dài “đào đường” lập lô cốt để thi công hệ thống thoát nước chống ngập, người dân trên đường Nguyễn Văn Quá tưởng chừng “thoát ngập”, thế nhưng hết chịu đựng ngập sau đó chịu đựng lô cốt, bụi bặm, kẹt xe thì người dân nơi đây lại quay về với...ngập! Ông Trần Bình chia sẻ: “Hồi trước, đường chưa làm cũng có ngập nhưng ít hơn và thời gian ngập không lâu như bây giờ. Sau trận mưa, vài giờ sau là nước rút hết, còn bây giờ, có khi cả nửa ngày mà nước vẫn còn. Chả hiểu họ chống ngập kiểu gì mà ngập thì nặng hơn”.

Công trình nâng mặt đường, xây cống hộp thoát nước kích thước lớn với mục tiêu chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá qua địa phận quận 12 và khu vực lân cận đã ngốn số tiền hơn 160 tỷ đồng. Công trình này do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 9/2015 và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 5/2016.

Một hộ gia đình đang sinh hoạt bên trong căn nhà ngập nước.

Đội cứu hộ phải đến tận nhà để hỗ trợ cứu ngập.

Bỏ tiền tỷ nhưng dự án chống ngập không hiệu quả?

Một kịch bản chống ngập đã được thành phố lên kế hoạch cho giai đoạn 5 năm (2016-2020), với một khoản kinh phí rất lớn, lên đến gần 97.300 tỷ đồng để giải quyết bài toán chống ngập. Tuy nhiên, cần nói thêm các dự án chống ngập của thành phố hiện nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả như cam kết.

Đường Kinh Dương Vương (quận 8 và Bình Tân do Trung tâm Chống ngập nước làm chủ đầu tư cũng đang là một điểm nóng về ngập. Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương có chiều dài khoảng 3,6 km từ vòng xoay An Lạc đến mũi tàu Phú Lâm. Với vốn đầu tư đến hơn 730 tỷ đồng, tưởng chừng sẽ giúp người dân bớt khổ, thế nhưng nỗi ám ảnh ngập nước lại kinh hoàng hơn. Tuy nhiên, việc thi công mặt đường quá cao đã ảnh hưởng đến 466 căn nhà, một bệnh viện, 64 doanh nghiệp, 27 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp, 44 tuyến đường, hẻm kết nối với tuyến đường Kinh Dương Vương.

Cùng với việc nâng đường Kinh Dương Vương, các dự án nâng cốt nền đường Nguyễn Thị Thập (Q.7) và sắp tới là Quốc lộ 13... cũng đang gây những bức xúc đối với người dân. Tại công trình nâng cấp đường 49 tại Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, thi công nhiều tháng nay đã biến mặt đường, các con hẻm thành ao nước đọng. Ngoài 8 công trình đã thi công xong từ năm 2015 thì trong năm nay TP.HCM thi công thêm 12 công trình, 3 công trình dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành.

Vừa lắp đặt những thước cống đầu tiên vào hệ thống thoát nước của lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên viên của các sở, ngành chức năng TP.HCM đã phát hiện ra rằng, tiết diện thiết kế của cống không còn phù hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết, không thể “thoát” kịp nước khi gặp phải những cơn mưa lớn như vừa qua. Mặc dù vậy nhưng chi phí đầu tư rất “khủng”, trong đó kinh phí cải thiện môi trường, chống ngập nước cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 hơn 200 triệu USD và giai đoạn 2 đang thực hiện gần 450 triệu USD; cho lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé giai đoạn 1 khoảng 6.043 tỷ đồng, giai đoạn 2 bao gồm thêm cả lưu vực kênh Đôi - kênh Tẻ khoảng 11.282 tỷ đồng... Tuy nhiên, do hầu hết hệ thống thoát nước của thành phố đã xuống cấp khiến khả năng giảm ngập của các công trình nêu trên là không đáng kể.

Câu hỏi đặt ra là, hàng chục năm chống ngập hành dân, rồi chi phí đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng dân phải trả, nhưng người dân vẫn phải chịu cảnh ngập? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng.

Ôm trẻ em đi tránh nước.

Nhiều phương tiện bị hư hỏng do ngập.

Nước mưa như lũ tại quận 2.

“Việc nâng đường chống ngập là giải pháp không khả thi. Bởi, khi nâng đường lên cao thì đương nhiên, nhà dân sẽ bị thấp xuống (so với mặt đường mới). Khi đó, nước sẽ không thoát được vì cống thoát nước cũng cao hơn nhà dân thì chuyện bị ngập là hết sức bình thường... dẫn đến tình trạng công trình chống ngập lại gây ngập”. TS. Phạm Sanh, giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải (cơ sở TP.HCM), chuyên gia giao thông - đô thị.

Tuấn Anh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/du-an-chong-ngap-ngon-tien-ty-van-ngap-d48110.html