Dự án cầu đường sắt Đuống chậm giải phóng mặt bằng, nguy cơ không về đích đúng hẹn

Dự án cầu đường sắt Đuống (Hà Nội) dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025 nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng hiện đang chậm khoảng 5 tháng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Dự án cầu đường sắt Đuống có quy mô đầu tư, xây dựng một cầu đường sắt (ảnh trên) và một cầu đường bộ Đuống mới (ảnh dưới). Hiện dự án đang chậm tiến độ giải phóng mặt bằng khoảng 5 tháng so với kế hoạch UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm đề ra

Thi công không nghỉ lễ, chạy đua trước mùa nước lũ

Những ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5, ghi nhận của PV Tạp chí GTVT tại Dự án cầu đường sắt Đuống (sông Đuống, Hà Nội), hoạt động thi công được duy trì như những ngày bình thường. Ông Phạm Văn Hoàn, cán bộ của Ban QLDA đường sắt cho biết, những ngày này người của đơn vị quản lý dự án, thi công, tư vấn giám sát chỉ nghỉ ngơi tại dự án nhằm tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công.

"Dự án đang thi công song song cầu đường sắt Đuống và cầu đường bộ Đuống. Những ngày nghỉ lễ này, có 3 mũi thi công cầu đường sắt, 2 mũi thi công cầu đường bộ, với tổng số nhân lực gần 60 người. Tháng 6 sắp tới là bước vào mùa lũ nên nhà thầu cũng muốn thi công liên tục để tránh lũ", ông Hoàn cho biết.

Còn kỹ sư của đơn vị tư vấn giám sát thi công công trình cầu đường sắt Đỗ Ngọc Thanh cho biết thêm, bên cạnh thi công các trụ cầu, đơn vị thi công đang đồng thời sản xuất dầm tại xưởng đúc. Đến nay, chất lượng, tiến độ và công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường của dự án được đảm bảo.

Ban QLDA đường sắt cho biết, Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có quy mô đầu tư chính là xây dựng mới một cầu đường sắt và một cầu đường bộ, để thay thế cầu Đuống hiện tại (đi chung đường bộ, đường sắt). Sau khi hoàn thành cầu Đuống mới, cầu Đuống hiện nay sẽ được phá bỏ để tạo luồng đường thủy cho tàu thuyền qua lại dễ dàng, hạn chế các vùng nước xoáy.

Về tiến độ, các gói thầu thực tế bắt đầu khởi công tháng 9/2023 nhưng do quy định về việc cấp phép đê điều (hầu hết các hạng mục nằm trong hành lang đê sông Đuống) nên đến tháng 11/2023 các gói thầu mới bắt đầu triển khai thi công. Dù vậy, các nhà thầu đều nỗ lực bù lại tiến độ nên bắt kịp với tiến độ đã được chấp thuận.

Đến nay, sau 5 tháng triển khai, cầu đường sắt đã thi công được 3/5 trụ cầu (trong đó 2 trụ dưới sông) và đang tiến hành thi công bệ trụ và thân trụ. Tuy nhiên, phần mố cầu chưa thể thi công do chưa được giải phóng mặt bằng (GPMB). Còn với cầu đường bộ, đã hoàn thành 1/4 trụ cầu, đang thi công phần cọc khoan nhồi và bệ trụ của 2 trụ dưới nước. Phạm vi còn lại của công trình này chưa được GPMB nên chưa thể triển khai thi công. Về giải ngân, gói thầu cầu đường sắt đạt hơn 16%, gói cầu đường bộ đạt 15%.

Đại diện Ban QLDA đường sắt cho biết, theo hợp đồng với nhà thầu, công trình cầu đường sắt và đường bộ Đuống sẽ hoàn thành vào tháng 12/2025, nhưng sẽ phấn đấu hoàn thành vào tháng 6/2025, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch. "Chúng tôi đang làm việc với nhà thầu để thống nhất việc hoàn thành tiến độ sớm hơn 6 tháng so với hợp đồng. Tuy nhiên, để dự án vượt hoặc đảm bảo đúng tiến độ, chính quyền địa phương cần GPMB theo đúng tiến độ đã đề ra", đại diện Ban QLDA cho biết.

Dự án cầu đường sắt Đuống duy trì thi công trong những ngày nghỉ Lễ 30/4 - 1/5. Đơn vị quản lý dự án đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào tháng 6/2025, sớm hơn 6 tháng so với hợp đồng với nhà thầu

Khó khăn do chậm GPMB, xây dựng công trình tái định cư

Cụ thể hơn về khó khăn trong công tác GPMB, theo đơn vị quản lý dự án, tiến độ GPMB dự án hiện chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch mà UBND quận Long Biên, UBND huyện Gia Lâm đề ra. Nguyên nhân do UBND TP. Hà Nội chưa phê duyệt Tiểu dự án GPMB dẫn đến quận Long Biên, huyện Gia Lâm chưa có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện các bước của công tác GPMB (Hợp đồng đơn vị lập bản đồ GPMB, đo đạc, kiểm đếm, ra thông báo thu hồi đất...).

Bên cạnh đó, khó khăn khác là công tác tái định cư trên địa bàn huyện Gia Lâm. Đến nay, UBND TP. Hà Nội chưa chấp thận để UBND huyện Gia Lâm lập chủ trương đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án (dùng nguồn vốn thành phố thực hiện theo ý kiến của liên ngành ngày 15/3/2024).

"Qua quá trình Ban QLDA đường sắt làm việc với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm được biết, UBND TP. Hà Nội sẽ trình hồ sơ, danh mục thực hiện khu tái định cư của dự án lên Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội chấp thuận, dự kiến trong tháng 6/2024. Lập, phê duyệt dự án đầu tư dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024. Thực hiện, triển khai xây dựng khu tái định cư hoàn thành trong năm 2026. Với tiến độ trên, công tác xây dựng khu tái định cư dự kiến sẽ chậm, không đảm bảo tiến độ chung của dự án", theo Ban QLDA đường sắt.

Về giải pháp, Ban QLDA đường sắt đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm phê duyệt tiểu dự án GPMB và tiểu dự án tái định cư để có thể bàn giao mặt bằng trong năm 2024. Trường hợp công tác GPMB hoàn thành trong năm 2024 như địa phương dự kiến, dự án sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý dự án đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định. Trong đó, đề nghị GMB theo phạm vi đã quy hoạch, thực hiện GPMB một lần; sử dụng lồng ghép về nguồn vốn: nguồn vốn trung ương để đầu tư 1 đơn nguyên cầu đường đường bộ và đường dẫn (bao gồm chi phí GPMB) theo quy hoạch, nguồn vốn thành phố Hà Nội để GPMB phần còn lại theo quy hoạch.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng (trong đó chi phí GPMB giai đoạn 1 là 650,82 tỷ đồng) bằng nguồn ngân sách nhà nước, dự kiến dự án hoàn thành vào năm 2025. Dự án nhằm xây dựng mới một cầu đường sắt và một cầu đường bộ.

Cầu đường sắt Đuống và đường dẫn có điểm đầu khoảng Km9+075, điểm cuối khoảng Km10+075 (lý trình đường sắt hiện hữu), dài 1.000m; tim cầu mới cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi.

Trong đó, cầu đường sắt gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280m, được xây dựng bảo đảm cho đường sắt đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế 80km/h. Khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền 7m, giai đoạn hoàn thiện là 9,5m; tĩnh không đường chui dưới cầu bảo đảm trên 4,75m. Cầu có bố trí đường đi bộ 1 bên phải tuyến (phía hạ lưu cầu).

Cầu đường bộ và đường dẫn có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa phận quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa phận huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.

Cầu đường bộ Đuống và đường dẫn có phạm vi đầu tư bao gồm tuyến chính chiều dài khoảng 700 m và nút giao hai đầu cầu; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100 m về phía hạ lưu (phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt). Trong giai đoạn hoàn chỉnh, cầu là đường chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h, chiều rộng 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp; còn giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe cơ giới.

Huy Lộc - Minh Tùng

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/du-an-cau-duong-sat-duong-cham-giai-phong-mat-bang-nguy-co-khong-ve-dich-dung-hen-183240501163722411.htm