Dự án cần chặt hạ, di dời 1.300 cây xanh: Đúng tiến độ sẽ tiết kiệm 600- 700 tỷ

Nếu thuận lợi sẽ thông xe được 2,7km vào trước tháng 7 này, đoạn còn lại phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành. Nếu dự án hoàn thành vào tháng 12 chúng ta sẽ tiết kiệm được 600- 700 tỷ đồng.

Đây là ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp xúc cử tri Quận Hoàn Kiếm vào sáng nay 20/6.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri Quận Hoàn Kiếm vào sáng nay 20/6

Đề cập đến việc chặt hạ cây xanh phục vụ mở rộng các tuyến đường trên địa bàn Thành phố, cử tri Nguyễn Văn Hòa (Hàng Bồ) kiến nghị, Thành phố cần thận trọng rà sát để có phương án tối ưu nhất (cây nào để lại, cây nào di dời, cây nào buộc phải chặt hạ). Đồng thời, việc trồng cây xanh trên địa bàn TP cần đảm bảo mỹ quan đô thị, không nên lặp đi lặp lại tình trạng phát triển đô thị lại phải chặt phá hàng nghìn cây xanh như hiện nay.

Trả lời cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Về việc chặt hạ, di dời1300 cây xanh ở đường vành đai số 3 (trên đường Phạm Văn Đồng) vừa qua báo chí có nêu nhiều thông tin xung quanh vấn đề này.

“Trong chương trình NQ ĐH lần thứ XVI của Đảng bộ TP xác định có 3 khâu đột phá. Trong ba khâu đột phá này có khâu xây dựng các cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông . TP xác định có 52 dự án trọng điểm, trong đó có 39 dự án trọng điểm về giao thông, trong 39 dự án này có 3 dự án hoàn thiện vành đai 1,2,3 vành đai 3,5, 2,5, vành đài 4. Vành đai 3 kéo dài từ đầu cầu Mai Dịch đến đầu cầu Thăng Long. Quy hoạch đường này có từ năm 1992. Đáng lẽ ra từ khi có quy hoạch rồi thì chúng ta không nên trồng hàng cây vào giữa đường để bây giờ chúng ta phải bỏ, nhưng thôi đó là tồn tại. Qua khảo sát có 1.300 cây xà cừ, có những cây giai đoạn trước đường kính đã 80 -100 cm, còn lại chủ yếu những cây trồng sau, có đường kính 30- 40cm được trồng từ suốt năm 1991 đến 1994 với độ tuổi 25- 28 năm”- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu.

Người đứng đầu chính quyền TP cũng cho hay đã tham khảo rất nhiều nhà khoa học và hoàn toàn nhất trí với ý kiến của cử tri là xem xét cây nào để lại, cây nào sẽ đánh chuyển và cây nào sẽ chặt hạ.

Chủ tịch UBND TP cho hay, muốn làm gì cuối cùng đảm bảo 3 yếu tố. Thứ nhất, hiệu quả kinh tế, làm sao khi làm dự án thì phải tính toán hiệu quả nhất về kinh tế. Thứ hai chúng ta tính toán nghiên cứu xem cây xà cừ đánh chuyển có sống được không, hiệu quả kinh tế đem lại là gì? Thứ 3 giá trị như thế nào?.

“Thời điểm Sở Xây dựng tổ chức lấy ý kiến đúng vào mấy hôm Hà Nội nóng bức kỷ lục 40 năm qua, đã tạo ra bức xúc của bà con, cho phép tôi thay mặt UBND TP sẽ rút kinh nghiệm việc này. Tuy nhiên xin báo cáo lại nếu toàn bộ cây này cách đây một năm khi chúng ta chưa cắt tỉa thì lòe xòe hết. Tất cả cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội không được tổ chức cắt tỉa thường xuyên chỉ khi nào mưa bão mới cắt, chỉ khi nào cắt để phục vụ sáng đèn giao thông mới cắt chứ còn bình thường không cắt nên cây phát triển tự nhiên, cong keo”- Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu.

"Với những cây xà cừ 26- 27 tuổi, nếu với đường kính 30- 40 cm, đánh đi trồng vào đâu?"- ông Nguyễn Đức Chung băn khoăn.

“Trên địa bàn TP không có tuyến phố nào có thể trồng lại xà cừ được bởi vì trồng lại cây xà cừ này đánh lên đường kính rễ 3m thì phải đào hố rộng 3,5m, độ sâu ít nhất ít nhất 1- 1,5 m thì mới hạ gốc cây xuống được, thêm nữa phải có cọc 25m chống trong vòng 3- 4 năm thì rễ cây mới ăn sâu vào đất, khi đó mới sống được.

Vậy với một cây đánh đi phải bỏ ra mấy chục triệu tiền đánh chuyển, chăm sóc trong khi nguồn kinh phí của chúng ta hạn hẹp. Chúng tôi đã nghĩ những cây nào mà đánh chuyển được thì tới sẽ đem ra bùng binh đường Năm kéo dài, đường Võ Nguyên Giáp để trồng, nhưng cũng chỉ trồng một tỷ lệ nhất định chứ không thể trồng hết được. Còn giải pháp trồng trong công viên thì cũng xin thưa không một nước nào trong công viên trồng cây xà cừ, mà còn phải trồng hoa trồng các loại cây khác …”- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch TP chia sẻ thêm, nếu dự án chậm thì kéo theo dự án đường trên cao của Bộ GTVT vay vốn ODA của Nhật Bản cũng bị chậm theo.Nếu tháng 7 này Bộ GTVT không khởi công được dự án thì nguồn vốn ODA tháng 8 sẽ bị cắt, đẩy giá thành lên rất cao. Dự án được phê duyệt từ tháng 1 năm 2016, tháng 9 năm 2016 khởi công.

“Cho đến nay 200 hộ trên địa bàn Cầu Giấy đã bàn giao xong, nếu thuận lợi chúng tôi sẽ thông được 2,7km vào trước tháng 7 này, còn các km còn lại phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành. Nếu như dự án hoàn thành vào tháng 12 chúng ta sẽ tiết kiệm được 600- 700 tỷ đồng.

Trong khi đó 822 hộ dân ở đây rất ủng hộ, đã tự mình bàn giao, giải phóng mặt bằng, nhận tiền đền bù. Chưa có một dự án nào trên địa bàn thành phố có tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh như vậy. Cho nên rất mong muốn quý vị cử tri, các nhà khoa học ủng hộ các chương trình liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, các công trình phục vụ mở hạ tầng giao thông”- Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/du-an-can-chat-ha-di-doi-1300-cay-xanh-dung-tien-do-se-tiet-kiem-600-700-ty-post230198.info