Dự án cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số: ĐBQH kiến nghị phân bổ hợp lý cho truyền thông để nâng cao nhận thức

Ngày 30/10/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết vùng DTTS

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng, gồm 10 dự án, 14 Tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.

Kết quả đạt được: Quá trình triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu tổng quát của Chương trình là "Giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước...".

Chương trình thực hiện đã tích hợp trên 118 văn bản chính sách dân tộc ở giai đoạn trước, do đó bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp thiết về kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao.

Nhân viên y tế bản Na Ca, Nga My, Kỳ Sơn, Nghệ An (bên phải) phát tờ rơi, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Hoàng Trinh

Nhân viên y tế bản Na Ca, Nga My, Kỳ Sơn, Nghệ An (bên phải) phát tờ rơi, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Hoàng Trinh

Cần chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông, trong đó có Dự án 7

Đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng thụ hưởng của Chương trình MTGQ 1719, trên thực tế công tác tuyên truyền, tập huấn đạt tỷ lệ khá cao. Mặc dù vậy, cần tiếp tục truyền thông sâu rộng, sát sao hơn nữa để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của Chương trình, từ đó tự giác, tự nguyện, tích cực thực hiện.

Theo đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Trên thực tế, việc người dân, nhất là người nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ đối với quyền lợi, nghĩa vụ của mình không đạt như mong muốn. Truyền thông nhiều nơi không hiệu quả, còn mang tính hình thức hoặc chưa sát đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền. Nhiều người nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nên khi triển khai bị chậm tiến độ.

Do đó, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị thời gian tới cần phải tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì khi người dân nắm được hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi, mang lại hiệu quả thực sự bền vững, lâu dài.

Dự án 7 "Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em" có mục tiêu cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang: Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là chương trình có ý nghĩa quan trọng với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội.

Qua nghiên cứu, đại biểu bày tỏ vui mừng trước một số kết quả bước đầu đã đạt được. Cụ thể, tại dự án 5, 7, 8 đã góp phần thực hiện quyền trẻ em và đảm bảo các biện pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ em tiếp cận được các dịch vụ một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, đại biểu Châu Quỳnh Dao bày tỏ băn khoăn ở dự án 7 là dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em có hai chỉ tiêu vẫn chưa đạt được. Theo đó, chỉ tiêu về trẻ suy dinh dưỡng, trẻ dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân đạt 15,8% trong khi kế hoạch mục tiêu giao phải dưới 15%; trẻ thấp còi là 25%, trong khi kế hoạch giao là dưới 15%...

Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Theo đại biểu, năm 2020, Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam vào 01 trong 34 quốc gia phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Kể từ đó, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng cải thiện cũng chưa khả quan; Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng từng nhận định tại vùng núi phía Bắc và nhiều vùng dân tộc thiểu số khác có hơn 70% trẻ em chưa được ăn đúng, ăn đủ. Đại biểu cho rằng, "cái no lo chưa tới, làm sao nghĩ đến đa dạng thực phẩm đúng, đủ chất"; vẫn còn nơi có tập quán chăm sóc trẻ lạc hậu;... Mặt khác, cơ chế, chính sách hiện nay vẫn còn bất cập.

Do đó, đại biểu Châu Quỳnh Giao đề nghị Quốc hội, Chính phủ đặc biệt chú trọng phân bổ hợp lý cho công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trẻ em.

Catherine Russell - Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF)

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nhưng ước tính có khoảng 230.000 trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng nặng. Trong đó có tới 90% trẻ bị suy dinh dưỡng nặng không được điều trị, làm cho các em có nguy cơ bị tử vong cao hơn hoặc bị ảnh hưởng suốt đời về thể chất và nhận thức…

Chương trình thiện nguyện “Tết ấm vùng cao” tặng quà cho 10 trạm y tế của huyện Hoàng Su Phì.

Nam Vũ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/du-an-cai-thien-suc-khoe-cua-nguoi-dan-toc-thieu-so-dbqh-kien-nghi-phan-bo-hop-ly-cho-truyen-thong-de-nang-cao-nhan-thuc-16923103014225896.htm