Dự án 600 trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã: Lo “lệch pha” với xã

(Dân Việt) - Kỳ vọng vào một lớp lãnh đạo trẻ để vực dậy kinh tế, xã hội của xã nghèo, nhưng 600 trí thức trẻ hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua.

Những phó chủ tịch UBND xã tương lai còn trẻ măng, ở độ tuổi từ 22 - 30 sẽ phải xây dựng các đề án phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, nhiều trí thức trẻ (TTT) chưa biết mình về địa phương nào, chưa hiểu thực tế địa bàn…

61 trí thức trẻ về làm PCT xã đang tập huấn tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa.

Cấp tập “đào tạo” phó chủ tịch xã

Ngày 9.4, tỉnh Thanh Hóa khai giảng lớp tập huấn 3 tháng cho 61 TTT để chuẩn bị về làm phó chủ tịch (PCT) xã nghèo. Các đội viên được tiếp cận với các kiến thức chung về quản lý nhà nước, kỹ năng cần thiết đối với PCT xã, quy chế hoạt động của UBND xã, việc thu chi ngân sách, công tác quốc phòng quân sự địa phương… Sau đó, các đội viên được đi thực tế tại các thôn, bản, tiếp cận giải quyết công việc hàng ngày của UBND xã. Khoảng thời gian này, dự án yêu cầu mỗi đội viên xây dựng đề án một cách hiệu quả, sát với thực tế của cơ sở.

Bùi Văn Nhân (SN 1987), ở xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), tốt nghiệp ĐH Sư phạm địa lý là người duy nhất được điều về huyện Mường Lát. Nhân cho biết, tới thời điểm này, em chưa lần nào lên huyện Mường Lát. Hiện Nhân chỉ biết sẽ phấn đấu hết mình để học càng nhanh càng tốt… Thế nhưng, trong sâu thẳm, Nhân lo nhất là không biết mình làm được những gì, đem lại lợi ích gì cho nhân dân địa phương vì “em chưa biết rõ lắm địa phương nơi mình đến, học lý thuyết để làm PCT xã thì đơn giản nhưng làm thật mới khó”- Nhân nói.

Tại Sơn La, TTT đã bước vào giai đoạn đi thực tế cơ sở. Trong số 2 ứng viên nữ là PCT xã nghèo của huyện Phù Yên đợt này thì Hà Thị Hứa có vẻ thuận lợi hơn bởi cô vốn là người ở xã Huy Hạ trong huyện, được phân về công tác tại xã Mường Thải. Tuy nhiên, Hứa chỉ tốt nghiệp đại học nông nghiệp hệ tại chức nên tự nhận “quan hệ công tác còn hạn chế lắm”. Hiện cô khá lúng túng trong việc xây dựng đề án phát triển kinh tế xã nơi mình đến.

Khó đương đầu với thực tế

Theo khảo sát của NTNN, trong số 61 TTT của Thanh Hóa đợt này, có nhiều người vẫn chưa biết mình sẽ được phân công về địa phương nào, sẽ được bổ nhiệm phụ trách lĩnh vực gì... Trong khi đó, thực tế cho thấy, có nhiều TTT tốt nghiệp các khoa không gắn với phát triển kinh tế các xã vùng khó như: Ngành bảo quản chế biến; sư phạm địa lý, sư phạm thể dục, tâm lý giáo dục… thì liệu các TTT ấy có đáp ứng được điều kiện thực tế và yêu cầu công việc tại địa phương?

Từ phía địa phương, ông Đinh Tấn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Bình Lương, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Chính quyền xã mới thấy thông báo sẽ được “phân cho” một PCT xã, chứ chưa biết PCT mới ấy là người như thế nào… Và, nếu là một PCT trẻ về xã mà không học đúng chuyên ngành để phụ trách mảng kinh tế hay văn hóa xã hội, thì quả là khó cho cả địa phương và người mới về.

Dự án 600 TTT làm PCT xã được Bộ Nội vụ triển khai từ 2011-2017, trong đó năm đầu tiên (2011) là thời gian tuyển dụng, tập huấn TTT. Tới thời điểm này, việc tập huấn vẫn chưa xong, nhiều TTT chưa biết mình được phân công về xã nào.

Cũng như ông Tuấn, ông Lương Xuân Thạch – Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân vẫn chưa biết ai sẽ về xã mình làm PCT xã. Ông chia sẻ: “Việc phân TTT về xã nào phải căn cứ vào nhu cầu nhân lực của xã, TTT không học chuyên ngành kinh tế mà lại về phụ trách kinh tế, hay ngược lại, thì quả là vô cùng vất vả cho cả đôi bên”.

Nói về vai trò của TTT ở cơ sở, anh Nguyễn Văn Đính, vốn là một công chức của ngành thuế tỉnh Sơn La, được tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã Kim Bon, huyện Phù Yên theo Chương trình đưa TTT về xã khó khăn của tỉnh Sơn La năm 2009, cho biết: “Với hầu hết những xã đặc biệt khó khăn thì cán bộ chủ chốt còn hạn chế ở tác phong, kỹ năng công việc. Hiện nay, nhiều dự án kinh tế, xã hội có hướng giao cho UBND xã làm chủ đầu tư, trực tiếp quản lý nguồn vốn, giám sát công trình. Bởi vậy, việc tăng cường TTT am hiểu lĩnh vực này là rất cần thiết”. Tuy nhiên, dường như vẫn có độ “vênh” khi tuyển dụng, bởi nhiều TTT ở Sơn La không được đào tạo về kinh tế, mà chủ yếu về nông nghiệp, sư phạm…

Bài 2: Tránh rơi vào vết xe đổ

Kiều Thiện - Thế Lượng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/84687p1c24/du-an-600-tri-thuc-tre-lam-pho-chu-tich-xa-lo-lech-pha-voi-xa.htm