Dư âm 'chuyến đi bão táp' của ông Ben-Gvir

Chỉ vài ngày sau khi chính phủ mới của Israel nhậm chức, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir đã có chuyến thăm 13 phút tới khu thánh địa Holy Esplanade, gây ra làn sóng kích động dư luận trong và ngoài nước. Cho đến giờ, câu chuyện vẫn tiếp tục được mổ xẻ.

Thánh địa Holy Esplanade

Holy Esplanade (Haram al-Sharif theo cách gọi của người Arab hoặc Núi Đền theo cách gọi của người Do Thái) là địa điểm linh thiêng nhất của Do Thái giáo, đồng thời là địa điểm linh thiêng thứ 3 của Hồi giáo sau Mecca và Medina. Nằm ở khu Thành cổ Jerusalem, thánh địa Holy Esplanade (bao gồm Mái vòm - Dome of Rock và nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa) không chỉ là tâm điểm của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine mà còn là tâm điểm của cuộc xung đột giữa Israel với thế giới Arab và Hồi giáo.

An ninh thắt chặt trong chuyến thăm của ông Ben-Gvir tới thánh địa Holy Esplanade.

An ninh thắt chặt trong chuyến thăm của ông Ben-Gvir tới thánh địa Holy Esplanade.

Holy Esplanade đang được quản lý bởi một ủy ban hỗn hợp giữa Israel và Jordan. Điều này cho thấy người Palestine đã bị loại khỏi vai trò chính trị đối với khu vực mà họ coi là thủ đô, đồng thời cho thấy phong trào giải phóng dân tộc bị phân tán và bất lực trong việc bảo vệ nó. Tuy là biểu tượng tôn giáo và quốc gia đối với cả người Israel lẫn người Palestine, nhưng hiện trạng ở đây cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của tư tưởng phục quốc Do Thái ở Israel và tiếng nói của người Hồi giáo ở Palestine. Đây là nơi duy nhất ở Bờ Tây mà Jordan có vai trò nổi bật. Cùng với cổng Damacus của Thành cổ, đây là nơi hiếm hoi mà người dân Palestine ở Jerusalem có thể tụ tập trong các sự kiện văn hóa và chính trị với quyền tự chủ.

“Chuyến đi bão táp”

Chuyến thăm được bảo vệ nghiêm ngặt và là một trong những chuyến công tác chính thức đầu tiên của Ben-Gvir với tư cách bộ trưởng. Đây được coi là hành động khiêu khích nhằm vào người Palestine nói riêng và người Hồi giáo nói chung, dường như cũng là động thái nhằm thỏa mãn các cử tri đã bỏ phiếu cho ông này. Khi còn là thành viên đối lập trong Quốc hội Israel (Knesset), ông Ben-Gvir đã nhiều lần đến thăm khu thánh địa và tuyên bố sẽ mang lại cho Israel chủ quyền đối với địa điểm này, nơi cả người Do Thái và người Hồi giáo đều tuyên bố quyền sở hữu bất khả xâm phạm. Kể từ khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng An ninh quốc gia cuối tháng 12/2022, ông Ben-Gvir luôn từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi về việc liệu ông có ý định sử dụng vị trí của mình để thay đổi nguyên trạng lịch sử của địa điểm này hay không.

Ben-Gvir là thủ lĩnh đảng Otzma Yehudit (Quyền lực Do Thái), với cương lĩnh bao gồm “khôi phục chủ quyền và quyền sở hữu đối với Núi Đền” và “định cư trên tất cả các phần của vùng đất Israel”. Ben-Gvir có một chương trình nghị sự rõ ràng, với khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử là “Ở đây chúng ta là chủ”, với việc ngầm khẳng định chủ quyền và quyền lực của người Do Thái đối với toàn bộ vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của Israel. Ben-Gvir xây dựng sự nghiệp chính trị bằng cách xuất hiện ở những khu vực xảy ra xích mích giữa người Israel và Palestine, chẳng hạn như khu phố Sheikh Jarrah ở Jerusalem và các thành phố hỗn hợp của người Do Thái và người Arab ở Israel. Nhưng, không có nơi nào ở Israel và Palestine nhạy cảm hơn Holy Esplanade.

Ben-Gvir cho rằng chính sách của Israel đối với Holy Esplanade, bao gồm lệnh cấm người Do Thái cầu nguyện tại đây, mang tính phân biệt chủng tộc, đồng thời cho rằng cần đối xử bình đẳng với người Do Thái ở Israel tại địa điểm này. Rõ ràng, việc ông Netanyahu bổ nhiệm ông Ben-Gvir - người mà ông biết rõ có quan điểm và khuynh hướng bạo lực làm Bộ trưởng An ninh quốc gia - được cho là chỉ báo về sự thay đổi trên thực tế trong chính sách của Israel, cho dù chính quyền Israel cam kết không làm vậy.

Hệ lụy chưa dứt

Dù chỉ kéo dài 13 phút nhưng chuyến thăm của ông Ben-Gvir đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông Israel và quốc tế trong nhiều ngày. Tại Israel, Giáo sĩ trưởng Sephardic, Yitzhak Yosef đã chỉ trích hành động này trong một bức thư gửi Ben-Gvir. Ông viết: “Là bộ trưởng đại diện cho Chính phủ Israel, ông nên hành động theo chỉ thị của Giáo sĩ trưởng, vốn từ lâu đã cấm việc đến thăm Núi Đền”.

Về phía chính quyền Palestine coi chuyến thăm này là hành động khiêu khích, là nỗ lực nhằm thay đổi thực tế lịch sử và pháp lý trên thực địa, đồng thời là động thái vi phạm tất cả các chuẩn mực, giá trị, thỏa thuận và luật pháp quốc tế đã có từ trước cũng như cam kết của Israel với Chính phủ Mỹ. Hamas gọi đây là hành động gây hấn trắng trợn, là “sự nối tiếp hành động khiêu khích của lực lượng chiếm đóng nhằm vào các khu vực tôn nghiêm của chúng tôi và là cuộc chiến chống lại bản sắc Arab của chúng tôi”. Hamas cho rằng các cường quốc nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu, cũng chịu trách nhiệm vì đã cho phép Israel hành động mà không bị trừng phạt, đồng thời cảnh báo “căng thẳng đang gia tăng và sự bùng nổ chỉ là vấn đề thời gian”.

Dư luận bên ngoài, bao gồm cả chính phủ những nước có quan hệ chặt chẽ với Israel, cũng lên án chuyến thăm của Ben-Gvir. Đặc biệt, Jordan đã có động thái ngoại giao, triệu tập Đại sứ Israel để phản đối và cảnh báo việc này sẽ khiến căng thẳng leo thang. Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Israel và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ra tuyên bố phản đối bất kỳ động thái nào có thể làm suy yếu nguyên trạng tình hình.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, quốc gia đang giữ nhiệm kỳ 2 năm tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Trung Quốc, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, đã kêu gọi triệu tập hội nghị, từ đó khẳng định sự cần thiết của việc duy trì nguyên trạng. Đại sứ Robert Wood, nhà ngoại giao cấp cao của phái bộ Mỹ tại Liên hợp quốc, đã nhắc lại sự phản đối của Mỹ đối với “bất kỳ hành động đơn phương nào đi ngược lại nguyên trạng lịch sử” (tại thánh địa Holy Esplanade). Ai Cập, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác đều ra tuyên bố phản đối hành động này của ông Bộ trưởng Israel.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/du-am-chuyen-di-bao-tap-cua-ong-ben-gvir-i684823/