Dow Jones tăng 10 phiên không nghỉ, giá dầu tăng tuần thứ tư liên tục

Tuần tới, động thái chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường tài chính Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (21/6), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm về loạt báo cáo tài chính mới nhất và chỉ số Dow Jones kéo dài chuỗi phiên tăng lên 10 phiên. Giá dầu thô tăng gần 2%, hoàn tất tuần tăng thứ tư không nghỉ.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 2,51 điểm, tương đương tăng 0,01%, đạt 35.227,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,03%, đạt 4.536,34 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,22%, đạt 14.032,81 điểm.

Với kết quả này, Dow Jones đã có chuỗi 10 phiên tăng không nghỉ - một thành tích mà chỉ số này chưa từng đạt được kể từ tháng 8/2017.

Tính cả tuần, S&P 500 tăng 0,69%; Dow Jones tăng 2,08%; và Nasdaq giảm 0,57%. Đây là tuần tăng thứ hai liên tiếp của cả S&P 500 và Dow Jones.

Mùa báo cáo tài chính quý 2/2023 vẫn đang diễn ra ở Phố Wall, và tuần này là một tuần bận rộn với nhiều doanh nghiệp lớn công bố báo cáo. Đến hiện tại, trong số các công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh của thời gian từ tháng 3 đến tháng 6, có 75% đạt lợi nhuận vượt dự báo - theo dữ liệu từ FactSet. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn mức bình quân 80% của 3 năm gần nhất.

“Nói chung, kết quả kinh doanh quý 2 có vẻ đủ tốt để đưa thị trường đi lên với tốc độ chậm chạp ở thời điểm này. Tuần tới sẽ cho thấy một bức tranh lợi nhuận rõ ràng hơn, khi số doanh nghiệp đã công bố báo cáo đạt tới ngưỡng 50% tổng vốn hóa thị trường”, nhà phân tích Emmanuel Cau của Barclays nhận định trong một báo cáo.

Tuần tới, động thái chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường tài chính Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ lần lượt có cuộc họp định kỳ. Trong đó, Fed và ECB được dự báo sẽ tăng lãi suất, còn BOJ được cho là sẽ “án binh bất động”.

Liên quan đến tình hình kinh tế Mỹ, giới đầu tư đang nghiêng về khả năng “hạ cánh mềm”, đồng nghĩa rằng chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát của Fed sẽ không khiến nền kinh tế sụt tốc mạnh hay suy thoái. “Nói tóm lại là khả năng ‘hạ cánh mềm’ đang rất cao”, chiến lược gia danh mục Garrett Melson của Natixis Investment Managers nhận định.

Đồng quan điểm tương đối lạc quan về kinh tế Mỹ, Giám đốc chiến lược đầu tư Dec Mullarkey của SLC Management nói rằng tâm trạng của nhà đầu tư hiện nay đều là “điều tồi tệ nhất đã qua” dù việc Fed thắt chặt có đang gây ra những vết rạn trong nền kinh tế. “Không có vết rạn nào trong số đó là nghiêm trọng ở thời điểm này, nhưng chừng nào lãi suất còn cao, các vết rạn sẽ lớn hơn. Thực sự mà nói, bức tranh kinh tế đang tốt nhưng có những vết rạn”, ông Mullarkey nhận định.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,43 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở 81,07 USD/thùng. Giá dầu WTI giao dau tại New York tăng 1,42 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, đạt 77,07 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 25/4.

Giá dầu tăng do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự khan hiếm nguồn cung sẽ xuất hiện trong những tháng tới và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến nguồn cung năng lượng.

“Thị trường đang bắt đầu phản ánh vào giá dầu khả năng thắt chặt nguồn cung, thể hiện qua việc giá dầu tăng 4 tuần liên tiếp. Nguồn cung dầu toàn cầu đang bắt đầu thắt lại và mức độ thắt chặt có thể tăng nhanh trong mấy tuần tới”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.

Chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn căng thẳng trên Biển Đen, tuyến hàng hải quan trọng đối với việc xuất khẩu hàng hóa quan trọng của hai quốc gia. Tại Mỹ, lượng tồn kho dầu thô giảm trong tuần trước, trng khi sản lượng dầu thô và khí đốt có thể giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm nay trong tháng 8 này - theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi thông tin Trung Quốc có thêm biện pháp kích cầu nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế. Ngày thứ Sáu, nhà chức trách nước này công bố kế hoạch thúc đẩy doanh số ô tô và hàng điện tử.

“Chúng tôi cho rằng tương quan cung-cầu sẽ dẫn tới mức giá dầu trong khoảng 75-95 USD/thùng trong năm 2024, khi nguồn cung dầu của OPEC+ hạn chế và nhu cầu mạnh ở Mỹ sẽ bù đắp cho sự suy yếu nhu cầu ở Trung Quốc”, CEO Jay Hatfield của Infrastructure Capital Management nhận định.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dow-jones-tang-10-phien-khong-nghi-gia-dau-tang-tuan-thu-tu-lien-tuc.htm