Đốt xe máy phản ứng CSGT: Để lần sau không còn vi phạm

Với tôi, những người đốt xe để phản ứng lại sự xử lí của lực lượng CSGT đã tự phá hủy phương tiện để... vi phạm luật giao thông trong tương lai!

Con tạo luôn xoay vần, cuộc sống luôn thay đổi, đến cả cách... chống đối lực lượng CSGT cũng biến hóa một cách khôn lường.

Xưa kia, người vi phạm an toàn giao thông chỉ có vài sự lựa chọn để “đối phó” với lực lượng chức năng khi bị “sờ gáy” như “gọi điện thoại cho người thân”, hay “50/50”. Người ta tận dụng mọi mối quan hệ, mọi sự khéo léo và cả khuôn mặt đáng thương chỉ để mặc cả vài đồng với chính ý thức của họ.

Cứ tưởng rằng những người vi phạm luật ATGT “chống đối” CSGT chỉ vì mục đích kinh tế. Nhưng thực tế diễn ra trong thời gian gần đây đã đi ngược lại sự “tưởng tượng” của chúng ta. Nhiều người vi phạm luật an toàn giao thông khi bị lực lượng CSGT xử lí đã “bức xúc” đến mức đốt luôn cả xe máy – một khối tài sản khá lớn của mình.

Hiện trường xảy ra vụ việc đốt xe phản ứng CSGT. Ảnh: Báo Đất Việt.

Đơn cử như sự việc xảy ra tại Phủ Lý, Hà Nam vào trưa ngày 27/11, một thanh niên đã đốt xe máy ngay sau khi bị lực lượng chức năng xử lí vi phạm. Cách đây không lâu, vào ngày 9/2, một người vi phạm khi bị CSGT chặn lại lập biên bản cũng rút vòi xăng ra chiếc xe và châm lửa đốt gây cản trở người thi hành công vụ.

Chắc chắn rằng rất nhiều người bức xúc với hành động “vô pháp vô thiên” đó của một số người vi phạm giao thông. Tuy nhiên, về phần tôi, tôi lại “thở phào nhẹ nhõm” khi thấy những người vi phạm tự đốt xe của mình.

Có thể các bạn sẽ nghĩ rằng tôi “không bình thường” khi tỏ thái độ như thế trước những hành động ngông cuồng. Nhưng tôi cũng có cái lí của tôi (dù cái lí đó cong hay thẳng còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người). “Nhìn gần”, có thể thấy đó là hành động vi phạm pháp luật, chống lại người thi hành công vụ, gây rối trật tự nơi công cộng. Nhưng “nhìn xa” hơn một chút thì việc đó lại là điều đáng mừng cho những người tham gia giao thông khác.

Đành rằng “ai trên đời chẳng có lúc lầm lỡ”, việc người ta vi phạm luật cũng chỉ đơn thuần là bất cẩn hay không hiểu rõ luật. Nhưng câu nói đó chỉ đúng với những người “ít cá tính”, vi phạm luật vì vô ý hoặc thiếu hiểu biết. Còn với những người sẵn sàng đốt xe để chống đối thì dường như trong ý niệm của họ đã mặc định người “khác thường” chính là kẻ mạnh. Họ chống đối CSGT không vì chuyện kinh tế như nhiều người khác mà đôi khi họ phản ứng lại chỉ để khẳng định tôi – khác – biệt.

Quy chiếu sang việc lưu thông trên đường, với những người “cá tính” khác thường như thế, họ sẽ luôn muốn chứng minh mình nổi bật. Sự khó chịu hay nguy hiểm mà người tham gia giao thông gặp phải hầu hết cũng đều từ nhóm “thích chơi trội” mà ra.

Không ít người tai bay vạ gió thậm chí mất mạng chỉ bởi những cá nhân thích thể hiện. Họ không bao giờ lái xe trên một đường thẳng mà lúc nào cũng thích vẽ một đường “xoắn quẩy” theo kí hiệu vô cực trên đường. Họ thích cảm giác vượt lên hàng trăm người đang đứng chờ đèn đỏ để lao nhanh như tên bắn, để được hưởng cảm giác hàng trăm người phải “dán mắt” vào mình. Họ thích gây bất ngờ cho những người đi đường bằng tiếng nẹt pô, tiếng còi độ inh tai nhức óc...

Và khi những “nhân tố cá tính” đốt xe, đồng nghĩa với việc họ sẽ không còn phương tiện để tham gia giao thông. Như thế chẳng phải chính họ đã góp phần giảm thiểu tỉ lệ tai nạn giao thông, tai bay vạ gió trên đường hay sao?

Trịnh Nguyên

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/dot-xe-may-phan-ung-csgt-de-lan-sau-khong-con-vi-pham-a307984.html