Đốt vàng mã hay dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật

Mỗi độ xuân về, việc đi lễ chùa vãn cảnh, cầu tài cầu lộc, cầu bình an như trở thành một tập tục, thói quen của nhiều người Việt. Thế nhưng những năm trở lại đây, có lẽ 'phú quý sinh lễ nghĩa', nét văn hóa ban đầu đã phần nào thay đổi, biến tướng.

Ảnh minh họa

Đó là câu chuyện người ta bê đến đền, chùa rất nhiều lễ vật, vàng mã. Vàng mã của họ không chỉ đơn thuần là những bộ quần áo, giày dép, mũ nón mà còn có ti vi, tủ lạnh, nhà lầu, xe hơi... Cúng giải hạn của họ không đơn giản là cầu bình an, cầu yên ổn mà nó là cuộc đua tiền bạc tùy theo các sao chiếu mệnh.

Đốt vàng mã có đủ để tỏ lòng thành với tiền nhân, hay dâng sao giải hạn có giải được hạn không là điều mà hầu hết những người đang tham gia thực hiện lại hết sức mơ hồ. Nhiều người đi lễ chùa nhưng không hiểu rằng, giáo lý nhà Phật không có tục đốt vàng mã hay nghi thức dâng sao giải hạn.

Đạo Phật dạy con người học đi đôi với thực hành, nhìn nhận thế giới, sự vật bằng những đánh giá khách quan, khoa học. Đạo Phật không dạy người ta đến chùa để “xin - cho” mà hướng tất cả chúng sinh phải tự “cho” mình những điều tốt đẹp, cuộc sống bình yên bằng cái tâm hướng thiện và những hành động đẹp, chuẩn mực, vị tha, nhân ái.

Phật giáo không quan niệm có sao tốt hay sao xấu ảnh hưởng đến cuộc sống của con người mà tất cả hạnh phúc hay khổ đau đều do những việc làm ra hàng ngày của chính bản thân mỗi người. Một khi đã làm việc xấu, dù có sắm lễ rình rang để giải hạn cũng chỉ là vô ích.

Đầu năm 2023, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có yêu cầu các chùa khi tổ chức, thực hành nghi lễ cầu an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo. Công điện mới đây của Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương không để xảy ra mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, cúng oan gia trái chủ tại tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

GS. Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo đã nói: “không có gì tốt hơn là tự tu thân, dùng trí tuệ để nhìn nhận mọi sự, mọi việc. Tránh những hành động sai trái, rồi đi hối lộ thần linh, đặt cược với thần linh, như vậy thì tội lỗi về mặt tâm linh sẽ lớn hơn rất nhiều".

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dot-vang-ma-hay-dang-sao-giai-han-khong-co-trong-giao-ly-nha-phat-371514.html